Đồng cam cộng khổ cùng với vua Quang Trung – Nguyễn Huệ từ những ngày đầu gây dựng cơ đồ cho đến khi giành được vinh quang nên Chính cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên được nhà vua hết mực tin yêu.

vua-quang-trung-1455255270

Bà là Phạm Thị Liên sinh năm Mậu Dần 1758, quê ở Quy Nhơn có bản tính ôn hòa, nhã nhặn. Khi còn nhỏ, bà mồ côi cha, sống với mẹ rất hiếu kính.

Năm 16 tuổi, bà được gả cho Nguyễn Huệ. Về nhà chồng, bà phụng dưỡng mẹ chồng rất kính cẩn, sớm tối thăm hỏi, cơm bưng nước rót vô cùng chu đáo nên trong nhà trong họ ai cũng khen là hiếu hạnh. Đối với chồng, bà cư xử khéo léo và luôn giữ phép tắc.

Bấy giờ, nhà Tây Sơn mới nổi lên, Nguyễn Huệ lúc đó mới ngoài 20 tuổi, chỉ để hết tâm trí vào việc xây dựng cơ đồ. Những cuộc chinh chiến liên miên kéo ông nay đây mai đó, nơi ăn chốn ở không ổn định, bà vẫn vui vẻ đi theo, một lòng giúp ông thực hiện chí nguyện.

Năm 1786, Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, đóng đô ở Phú Xuân, cai quản vùng đất Thuận Hóa từ Hải Vân đến Hoành Sơn (đèo Ngang).

Từ đó, bà cùng Bắc Bình vương Nguyễn Huệ về sống tại Phú Xuân. Trong những ngày đầu gây dựng cơ đồ, vất vả trăm đường, bà đã dốc hết lòng chăm sóc, giúp đỡ chồng. Khi tướng sĩ ra trận, vợ con họ ở nhà thường được bà lui tới an ủi, giúp đỡ khi thiếu thốn khiến người người nức lòng, theo về ngày càng nhiều.

Cuối năm 1778, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, đặt niên hiệu là Quang Trung. Năm 1779, 21 tuổi, bà Phạm Thị Liên được phong làm Chính cung Hoàng hậu.

Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quan ra Bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Tại Thăng Long, ông được vua Lê Hiển Tông đem con gái là công chúa Ngọc Hân gả cho. Sau khi ổn định mọi việc ở Thăng Long, ông đem theo Ngọc Hân về Phú Xuân. Thấy Nguyễn Huệ yêu thương Ngọc Hân, bà không hề ganh ghét mà con xin cho ở ngôi Hữu cung để cùng bà – Tả cung lo việc trị nội. Trong ngoài, ai cũng khen ngợi sự độ lượng của bà.

Tuy đại thế tạm ổn nhưng vua Quang Trung vẫn rong ruổi chinh chiến, việc giáo hóa nơi nội cung đều do bà làm chủ. Bà lo việc tông miếu, thành khẩn hiếu kính dâng đồ tế lễ, luôn ở trong nội cung, không bao giờ cậy thế xen vào việc chính sự.

Bà là người hòa nhã, bản tính không kiêu căng, không ghen tuông, luôn xem con cái những cung tần khác như con mình sinh ra. Có hoàng tử, công chúa nào không may mất mẹ, bà cho bú mớm, vỗ về chăm sóc tử tế. Bà còn thường khiêm tốn giữ mình, lấy nhân từ đãi kẻ dưới, vì thế luôn được người dưới cảm phục. Giàu lòng nhân ái nên bà thường bày tỏ sự xót xa khi thấy dân chúng lầm than, luôn giúp người ốm đau khổ sở. Tấm lòng nhân từ của bà được truyền đi khắp gần xa khiến mọi người đều tin yêu.

Chính cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên có với vua Quang Trung 5 người con, 3 trai, 2 gái. Các con trai của bà là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Bàn và Nguyễn Quang Thùy. Thái tử Quang Toản về sau là người kế tục ngai vàng.

Là người gắn bó với Nguyễn Huệ từ những ngày gian truân gây dựng cơ đồ nên bà Phạm Thị Liên được vua Quang Trung rất mực quý trọng, thương yêu. Năm 1791, sau một cơn bạo bệnh, bà qua đời khi mới 34 tuổi.

Theo các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, nhất là lá thư của giáo sĩ Girard đề ngày 25/11/1792 gửi giáo sĩ Boiret ở Macao thì, khi hoàng hậu lâm bệnh, vua Quang Trung cho mời thầy thuốc người Âu đến chữa bệnh cho bà. Lúc Hoàng hậu mất, nhà vua đau đớn, vật vã đến đến phát điên cuồng. Bà mất ngày 29/03/1791 nhưng vua Quang Trung truyền ướp thi hài bà để trong quan tài, gần 3 tháng sau, đến ngày 25/06/1791, mới di quan chôn cất. Tang lễ được cử hành rất long trọng. Bà được tôn dâng miếu hiệu là Đoan tĩnh Trinh thục Nhu thuần Vũ Hoàng chính hậu. Lăng mộ ở phía nam núi Kim Phụng, xã Hải Cát, huyện Hương Trà (phía Tây thành phố Huế).

Trong bài lụy văn bày tỏ sự thương xót sau khi hoàng hậu qua đời, vua Quang Trung viết: “Trẫm xuất thân áo vải, đánh dẹp giặc mạnh, nhờ dựa được tướng sĩ, thỏa được chí kinh dinh, chính là nhờ công của Hậu đó”.

Cái chết của bà khiến vua Quang Trung choáng váng. Ông đau buồn sầu thảm đến mức dân chúng đồn rằng, ông đã qua đời vì quá tiếc thương bà. Bài lụy văn khóc vợ của đức vua đã thể hiện hết sự tiếc thương, trân trọng người bạn đời đã cùng từng với mình trài qua bao gian khổ, vinh quang. Bài văn với những câu: “Từ sau khi thờ trẫm nói gì theo vậy, không chút trái ngược, hợp với ý trẫm, không chút ngang ngạnh. Trẫm đánh dẹp bốn phương, đóng quân mãi ở ngoài. Hậu đội khăn đen, mặc áo mộc, nhớ nhung sâu sắc, nhìn cái bóng vô hình, nghe cái lời vô thanh, tấm lòng của Hậu luôn ở bên trẫm.

Thiên hạ đã thống nhất, gà gáy báo dậy sớm, Hậu cùng giúp đỡ việc trị bình cho ta. Hậu luôn cần kiệm khiêm tốn. Trời yêu tới nước ta, tác thành lương duyên, giúp dấy lên cơ nghiệp. Hậu sinh ra đời há chẳng phải ngẫu nhiên đó chăng…

Trải thấy Hậu có lời hay nết tốt, đủ làm nền tảng cho vương hóa, giúp đỡ cho đế nghiệp, không bút mực nào tả kịp. Tính trong khoảng 19 năm, Hậu giữ vai nội trợ, vất vả gây dựng mới có cơ nghiệp lớn này, trẫm đang kỳ vọng Hậu là bậc Mẫu nghi thiên hạ…

Than ôi! Hậu này, kể đức thì là bậc thánh nữ, sống thì vẻ vang, thác thì để lại buồn thương…”.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử/Dân Việt

Nguồn: http://phunuvietnam.vn-HT