Với ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) ngày nay đã trở thành điểm cuốn hút nhiều du khách nước ngoài cũng như những người đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Ngoài tài nghệ chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống độc đáo, người Giẻ Triêng nơi đây còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm…

Lập gia đình đã gần 40 năm, nhưng giờ đây, ông A Vía ở làng Đăk Răng vẫn nhớ như in cái ngày ông còn là thanh niên, được bố, mẹ đưa đi hỏi một cô gái ở cùng làng – tên Y Ngơng về làm vợ. Theo sự thống nhất của hai bên gia đình, trong ngày cưới, lễ vật của gia đình ông mang sang nhà gái gồm một con bò và 3 ché rượu cần. Đáp lại lễ vật nhà trai, bà Y Ngơng ngày đó phải dệt 15 tấm dồ đôi (chăn đắp) tặng bố, mẹ chồng (mỗi tấm dồ đôi có bề rộng 9m, dài gần 20m); và bà phải mất đến 3 năm để dệt, khi ấy ông bà mới nên vợ nên chồng.

y bêng

Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, để dệt được những tấm dồ đôi tặng bố, mẹ chồng, đòi hỏi người phụ nữ phải hết sức chăm chút, tỉ mỉ vì khi nhìn vào tấm thổ cẩm, mẹ chồng có thể đoán biết được tính cách nàng dâu; nếu người con gái chăm chỉ, siêng năng, cần mẫn thì sản phẩm thổ cẩm làm ra sẽ rất tinh tế, sắc sảo.

Ông A Vía kể ngày cưới vợ cho con, mẹ ông đã đón lấy những tấm dồ đôi do con dâu trao tặng với vẻ ưng cái bụng lắm. Và quả thật, từ ngày cưới nhau đến giờ mấy chục năm rồi nhưng bà Y Ngơng chưa khi nào xao nhãng việc gia đình, luôn yêu thương chồng, con hết mực.

Giờ đây, tuy đã lớn tuổi, nhưng người phụ nữ Giẻ Triêng này vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm để may trang phục cho các thành viên trong gia đình và truyền nghề cho con cái để giữ nét văn hóa độc đáo này.

Cùng với bà Y Ngơng, bây giờ, nhiều phụ nữ ở làng Đăk Răng vẫn gắn bó với nghề truyền thống này. Sản phẩm thổ cẩm làm ra, vừa phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình, vừa bán cho khách du lịch khi có nhu cầu.

Bà Y Với – vợ của nghệ nhân A Quá – dù đã bước sang tuổi 78, nhưng cho đến nay hàng ngày bà vẫn miệt mài bên khung dệt cũng chỉ vì muốn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà Y Với cho biết, năm 15 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy nghề. Lớn lên lấy chồng, sinh con, dù lam lũ với ruộng rẫy nhưng bà vẫn gắn bó với khung dệt, bởi với bà thổ cẩm luôn mang đến nét đẹp cho phụ nữ Giẻ Triêng. Hơn nữa, hiện nay nghề truyền thống này cũng giúp gia đình bà có thêm thu nhập.

Những ngày tháng 7, trời mưa rả rích, không lên rẫy được, bà Y Bêng (70 tuổi) ở làng Đăk Răng mang khung dệt ra ngồi trước nhà cố dệt cho xong mấy tấm dồ để dành cho mùa lạnh sắp đến.

Bà Y Bêng cho biết, ngày nhỏ, mẹ hay căn dặn bà, theo phong tục truyền thống của người Giẻ Triêng, con gái lớn lên phải biết dệt thổ cẩm thì mới lấy được chồng. Vậy nên, năm lên 13 tuổi, bà đã được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Năm 15 tuổi, bà là một trong những thiếu nữ dệt thổ cẩm đẹp nhất làng, được rất nhiều chàng trai trong làng quý mến. Thế nhưng, mãi đến năm 19 tuổi bà mới lấy được chồng. Bởi để đáp lại lễ vật của nhà trai đi hỏi cưới, bà phải mất đến 4 năm trời mới có thể dệt được 30 tấm dồ đôi tặng lại gia đình bên chồng.

Bà Y Bêng kể, lễ vật cưới hỏi của người Giẻ Triêng trước đây khá cầu kỳ và trai gái lấy nhau phải môn đăng hộ đối. Nhà trai giàu có có khi mang lễ vật cưới hỏi sang bên nhà gái là 1 con trâu, có khi là 1 con bò và hàng chục ché rượu cần. Đáp lễ cho gia đình đàn trai, cô dâu phải tự tay dệt từ 20 đến 30 tấm dồ đôi để tặng các thành viên gia đình chồng. Nếu nhà trai nghèo khó, lễ vật không có trâu, chỉ có heo và vài ché rượu cần thì nhà gái thông thường cũng đáp lại từ 5 đến10 tấm dồ đôi. Điều khắt khe nhất là những tấm dồ đôi phải do chính tay người con gái sắp về làm dâu đó dệt lấy thì mới được bên chồng công nhận. Vì vậy, để có thể dệt đủ số lượng tấm dồ, người con gái có khi phải miệt mài bên khung dệt từ 3-4 năm ròng rã mới hoàn thành.

Quy trình làm ra sợi để dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng rất công phu. Khó và kỳ công nhất là công đoạn tạo màu sợi chỉ. Đầu tiên, phụ nữ phải nhờ đàn ông trong gia đình vào rừng chặt cây trôm (một loại cây rừng) về ngâm trong hũ đất 3 đêm, rồi vắt lấy nước. Lấy vỏ con ốc (ở suối) đốt thành tro, giã thành bột. Lấy 2 nguyên liệu trên trộn lẫn với tro bếp, rồi mang ủ trong vòng 4 đêm, hỗn hợp tạo nên dung dịch nước màu nâu. Mang sợi bông ủ vào dung dịch nước màu này nhiều ngày. Muốn thổ cẩm có màu đen, phụ nữ tiếp tục dùng nếp than và củ câm (loại củ rừng, có màu đỏ) luộc nhừ, lấy nước; rồi tiếp tục cho sợi bông vào ủ đến khi ngả sang màu đen tuyền thì mang vắt ráo, phơi khô…

Làng Đăk Răng hiện có khoảng 30 phụ nữ duy trì thường xuyên nghề dệt thổ cẩm. Để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, hiện nay, làng Đăk Răng đã thành lập tổ nghệ nhân do già Brôl Vẻ làm tổ trưởng, thu hút 30 thành viên tham gia gồm nghệ nhân cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, tạc tượng, dệt thổ cẩm…

Ngoài việc tham gia các sự kiện, lễ hội văn hóa do các cấp tổ chức, tổ nghệ nhân làng Đăk Răng còn đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy văn hóa dân gian truyền thống của người Giẻ Triêng cho thế hệ trẻ trong làng. Riêng với dệt thổ cẩm, hiện nay, trong tổ có 2 nghệ nhân chính truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ là nghệ nhân Y Ngân và Y Gió.

Theo nghệ nhân Brôl Vẻ, những gần đây, tổ nghệ nhân của làng đã truyền dạy được hơn chục người trẻ tuổi học và làm nghề dệt thổ cẩm. Ngoài 2 nghệ nhân phụ trách chính, mỗi khi truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, tổ nghệ nhân còn mời thêm một số nghệ nhân dệt thổ cẩm lớn tuổi, có tay nghề cùng đến để truyền dạy cho lớp thanh niên trong làng.

CTV Tú Quyên-HT