bd
Hình có tính chất minh họa
I. Về tên gọi vùng đất Kon Tum, sự kiện thành lập tỉnh Kon Tum và sự biến đổi cơ bản về đơn vị hành chính của tỉnh từ năm 1913 đến nay.
1. Về tên gọi Kon Tum:
Theo ngôn ngữ của người Ba Na: “Kon” là làng, “Tum” là hồ nước. Nguyên thủy của tên gọi “Kon Tum” là “Làng Hồ” – chỉ một làng nhỏ của người Ba Na sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông ĐăkBla. Qua quá trình hình thành và phát triển, cùng với lợi thế về tự nhiên và có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mình, dần dần nơi đây đã thu hút sự quần cư, sinh sống ngày càng đông của nhiều dân tộc. Trong đó, có sự hiện diện từ rất sớm của các dân tộc bản địa như Ba Na, Xê Đăng, Jiẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơmăm…
Trong tiến trình lịch sử, từ những thập kỷ đầu sau Công nguyên, vùng đất này đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh xâm chiếm của các vương quốc Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, cũng như sự thu phục của triều đại phong kiến nhà Lê từ năm 1471 và nhà Nguyễn sau này. Tuy nhiên, cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, ở Kon Tum chỉ có hình thái tổ chức phổ biến duy nhất là Làng. Làng được xem như một đơn vị hành chính mang tính bao quát và cụ thể chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội. Đứng đầu mỗi làng có già làng, là người có uy tín nhất, có khả năng tập hợp dân làng trong tổ chức của mình. Đặc trưng của những làng này vừa mang tính cộng đồng, vừa mang tính độc lập. Tính chất đó huy động được sức mạnh cộng đồng trong mỗi đơn vị làng, nhưng cũng phần nào kìm hãm sự trao đổi, giao lưu giữa làng này với làng khác, giữa vùng này với vùng khác.
Trong âm mưu xâm lược Việt Nam, vùng đất Kon Tum cũng nằm trong ý đồ thôn tính của thực dân Pháp. Theo chân các nhà truyền giáo, ngay từ những năm 70, 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cho các đoàn thám hiểu để dò la, nghiên cứu địa hình, địa thế, đời sống sinh hoạt cư dân nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược. Sau khi chính thức đô hộ Việt Nam (bằng hòa ước Giáp thân 1884) thực dân Pháp áp dụng ngay chính sách “chia để trị” đối với Kon Tum và đặt Kon Tum cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác trực thuộc Trung kỳ (miền Cao nguyên Trung kỳ).
2. Về sự kiện thành lập tỉnh Kon Tum và sự biến đổi cơ bản về đơn vị hành chính của tỉnh từ năm 1913 đến nay.
Cơ sở xác lập đơn vị hành chính đầu tiên ở Tỉnh Kon Tum là bắt đầu từ năm 1893. Ngày 03-10-1893: Xiêm ký với Pháp Hòa ước Băngkok công nhận chủ quyền của Pháp ở Cao  nguyên Annam và nước Cao Miên. Theo đó, thực dân Pháp sáp nhập Cao nguyên Annam vào miền Nam nước Ai-Lao và đặt dưới quyền cai trị của viên Công sứ Ai-Lao. Kon Tum chịu dưới quyền cai trị của Công sứ Ai-Lao. Tuy nhiên, Công sứ Ai Lao cách xa Kon Tum, nên để thuận tiện cho việc điều hành, thực dân Pháp đặt ở Kon Tum một toà Đại lý hành chính đầu tiên. Song, việc cai quản này vẫn chỉ trên danh nghĩa, chưa được thực thi, mãi đến năm 1898, Pháp mới chính thức giao cho một Linh mục thừa sai người Pháp tên là Viallenton trực tiếp cai quản.
Ngày 04-7-1902: Kon Tum được chuyển giao lại cho Việt Nam và đặt dưới quyền cai quản của Công sứ Bình Định.
Ngày 04-7-1905, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Plâyku Đe (Pleikou Derr), tỉnh lỵ đặt tại làng Plâycan Đe (Pleican Derr) của dân tộc Gia Rai. Địa bàn tỉnh Plâyku Đe bao gồm các vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, BaNa, Gia Rai tách ra từ tỉnh Bình Định.
Ngày 12-6-1907,Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâyku Đe. Toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: một phần gọi là Đại lý Kon Tum (Kon Tum), cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định; một phần gọi là Đại lý Cheo Reo, cho sáp nhập vào tỉnh Phú Yên và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Phú Yên.
Ngày 09-02-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định khôi phục lại vùng lãnh thổ tỉnh Pleikou Derr thành một tỉnh tự trị riêng và được mang tên gọi là tỉnh Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại Kon Tum. Địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm: Trung tâm hành chính Kon Tum (Đại lý Kon Tum) tách từ tỉnh Bình Định; Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú yên; Đại lý Đăk Lăk (theo nghị định này tỉnh Đăk Lăk bị bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh và được sáp nhập vào tỉnh Kon Tum).
Như vậy, với Nghị định ngày 09-02-1913 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Kon Tum được thành lập bao gồm một vùng đất đai rộng lớn; lần đầu tiên Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh với tên gọi là tỉnh Kon Tum, có chính quyền tự trị riêng, đứng đầu là viên Công sứ Kon Tum (không còn phụ thuộc vào sự điều hành, quản lý của viên Công sứ Bình Định hay Công sứ Ai Lao trước đó).
Ngày 28-3-1917: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc Cao nguyên An Khê, tỉnh Bình Định, để sáp nhập vào tỉnh Kon Tum.
Ngày 14-11-1917: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý An Khê. Phạm vi Đại lý An Khê gồm cả khu vực huyện Tân An của người Kinh và khu vực người Ba Na xung quanh đều đặt dưới quyền Công sứ Kon Tum.
Ngày 02-7-1923: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Đăk Lăk ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập lại tỉnh Đăk Lăk.
Ngày 24-5-1925: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý Pleiku, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Kon Tum.
Ngày 03-12-1929: Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập Thị xã Kon Tum và Thị xã Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum.
Ngày 24-5-1932: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách đại lý Pleiku khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku.
Ngày 09-8-1943: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý An Khê ra khỏi tỉnh Kon Tum để sáp nhập vào tỉnh Plâyku.
Ngày 25-8-1945, nhân dân các dân tộc Kon Tum đã hoàn thành việc khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Từ đó đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Kon Tum lần thứ 2 (ngày 26-6-1946), chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố trên toàn tỉnh. Toàn tỉnh được đặt 4 đơn vị hành chính cấp huyện, thị trực thuộc là: huyện Đăk Tô, Đăk Glei, Kon Plong và thị xã Kon Tum.
Tháng 6-1946, thực dân Pháp đánh chiếm Kon Tum lần thứ 2, chúng tiến hành thiết lập chế độ trực trị kiểu cũ. Trong âm mưu chia cắt và chiếm đóng lâu dài Kon Tum, từ giai đoạn 1946 đến 1954, đối với vùng tạm chiếm đóng của thực dân Pháp, tỉnh Kon Tum có sự phân chia đơn vị hành chính như sau:
* Về phía thực dân Pháp:
Ngày 27-5-1946: thực dân Pháp thành lập Ủy phủ Liên bang phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương gồm các tỉnh Đăk Lăk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Kon Tum, Pleiku. Trụ sở Ủy phủ Liên bang đặt tại Buôn Ma thuột. Ủy phủ Liên bang do một Ủy viên Cộng hòa Pháp đứng đầu, trực thuộc Cao ủy Pháp ở Đông Dương.
Ngày 04-6-1947:thực dân Pháp đổi Tòa Ủy phủ Liên bang sơn cước thành Tòa phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương.
Năm 1949: thực dân Pháp trao trả độc lập giả hiệu cho Bảo Đại.
Ngày 15-4-1950: Bảo Đại ra Đạo dụ số 6 tổ chức vùng Cao Nguyên thành 2 Hoàng triều Cương Thổ Bắc và Nam đặt dưới quyền quản trị của Khâm Mạng Hoàng triều Cương Thổ. Người Kinh lên Cao Nguyên vẫn bị hạn chế đến mức tối đa.
Ngày 25-7-1950 (theo Điều 2 Sắc lệnh số 3) của chính quyền bù nhìn Bảo Đại, các tỉnh Kon Tum, Pleiku, Đăk Lăk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên hợp thành một địa phận hành chính riêng biệt: gọi là Cao nguyên miền Nam thuộc Hoàng Triều Cương Thổ dưới quyền một ủy viên Đức Quốc Trưởng, và đặt dưới quyền Tòa Khâm Mạng do một vị Khâm Mạng quyền hành, một Quốc Vụ Khanh trông coi.
Tháng 3-1951: thực dân Pháp quyết định tách Tây Nguyên ra khỏi vùng Nam Trung bộ, lập ra quân khu Tây Nguyên trực thuộc Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Dưới quân khu, có biệt khu quân sự Kon Tum và các tiểu khu quân sự: tiểu khu Đồng Nai Thượng, tiểu khu Buôn Ma thuột, tiểu khu Pleiku.
Ngày 21-5-1951: Quốc trưởng Bảo Đại ban hành Đạo dụ số 10, ấn định quy chế riêng biệt cho đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên.
Ngày 27-7-1953: Thủ tướng Chính phủ quốc gia Việt Nam ra Nghị định số 495-Cab/MI đặt các thị trấn các tỉnh thuộc Hoàng triều cương thổ phía nam: Kon Tum, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Drah, Djiring, Blao.
* Về phía cách mạng:
Ngày 15-4-1950: Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 07/NĐ-TTg sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một đơn vị kháng chiến hành chính lấy tên là liên tỉnh Gia Lai-Kon Tum (gọi tắt là tỉnh Gia – Kon). Ranh giới của tỉnh Gia-Kon là ranh giới địa hạt của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai nhập lại. Các cấp chính quyền huyện và xã Kon Tum, Gia Lai được đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính liên tỉnh. Khi mới thành lập, tỉnh Gia-Kon chia địa bàn quản lý trong tỉnh thành 7 huyện (tương đương 7 khu). Phạm vi tỉnh Kon Tum (cũ) có 3 huyện: Đăk Glei (Khu 1), Đăk Tô (Khu 2), Kon Plông (Khu 3).
Đầu năm 1951, để tiện sự chỉ đạo việc xây dựng những cơ sở đã gây dựng  được, tỉnh Gia-Kon đã thành lập 3 phân khu đặc biệt gồm: Phân khu Chư Ty thuộc huyện Đăk Bớt (Gia Lai) và chia vùng phía Tây của huyện Đăk Glei (Kon Tum) thành Phân khu riêng Tây Đăk Glei, chia vùng phía Tây của huyện Plei Kon (Gia Lai) thành Phân khu Tây Plei Kon; đồng thời cùng với 3 Phân khu đặc biệt, các địa bàn còn lại trong tỉnh Gia-Kon được chia lại thành 5 huyện gồm: huyện Đăk Glei (gồm các xã: Ponpang, Đoàn, Takminh, Tân Túc, Tung Bung, MăngCri, Hàlang, Giằng, Đăk Pung, Vonkheng, Đăkt’ring, Đăkt’bay), Kon Plông (gồm các xã: Hiếu, Kon Hà Nừng, Krem, Konmahar, Đăkrong, Đăklon, Măng Cành, Măng But); huyện Đăk Bớt, An Khê, Plei Kon (Gia Lai)[1].
Tháng 10-1951: Do yêu cầu phát triển phong trào kháng chiến, xây dựng căn cứ chiến lược, Liên khu ủy V quyết định thành lập “Mặt trận Miền Tây” (còn gọi là Mặt trận 30) phạm vị gồm đại bộ phận tỉnh Kon Tum (cũ) và 4 huyện miền Tây tỉnh Quảng Ngãi là Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà. Tỉnh Gia-Kon sau khi chuyển các huyện thuộc tỉnh Kon Tum cũ về Mặt trận Miền Tây, còn lại các huyện: Nam Kon Plông[2], An Khê, Đăk Bớt, Pleikon và vùng Tây đường 14. Ban cán sự Đảng gồm đồng chí Trịnh Huy Quang[3], Liên khu ủy viên được phân công làm Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Chính ủy Mặt trận Miền Tây và các đồng chí Ủy viên: Dương Thành Đạt, Nguyễn Thuận (Văn), Nguyễn Liên (Mười Nguyên). Nhiệm vụ của Mặt trận Miền Tây là: Lãnh đạo, chỉ đạo về mặt tổ chức và đấu tranh vũ trang, tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và phát triển lực lượng, đấu tranh chống phá âm mưu và hành động của địch, đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng căn cứ địa nhằm chuyển phong trào cách mạng địa phương tiến lên một bước mới.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo tinh thần nội dung Hiệp định, tỉnh Kon Tum tạm thời giao cho chính quyền miền Nam quản lý để chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tháng 8-1954 tỉnh Gia-Kon được chia tách lại thành hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Mặt trận Miền Tây cũng được giải thể. Tỉnh Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính độc lập[4]. Thời kỳ đầu thực dân Pháp tiếp quản, đến năm 1955, Mỹ gạt Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiếp tục thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Từ đây, Kon Tum tiếp tục có những thay đổi về địa giới quản lý hành chính.
* Về phía Mỹ – ngụy:
Ngày 11-3-1955: Theo yêu cầu của Ngô Đình Diệm, Bảo Đại phê chuẩn Đạo dụ số 21: hủy bỏ Hoàng triều Cương Thổ, sát nhập các vùng Cao Nguyên miền Nam và miền Bắc vào lãnh thổ quốc gia Việt Nam và đặt hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Chính phủ Quốc gia.
Ngày 24-10-1956: Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 147a/NV sáp nhập Cao nguyên miền Nam cũ với Trung Việt cũ thành Trung phần, gồm có 2 miền: Cao nguyên Trung Phần và Trung nguyên Trung Phần. Theo đó, tỉnh Kon Tum thuộc Cao nguyên Trung Phần.
Ngày 27-6-1958: Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 348-BNV/HC/P6 ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum gồm 4 quận: Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Sút, Kon Plong, với 26 tổng, 120 xã. Tỉnh lỵ đặt tại xã Châu Thành, quận Kon Tum.
Ngày 08-7-1958: Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định số 367-BNV/HC/P6/NĐ phân chia quận Đăk Tô thành hai quận: quận Đăk Tô và quận Tu Mơ Rông. Theo đó, địa hạt quận Đăk Tô gồm 04 tổng: tổng Đăk Tô, tổng Đăk Brong, tổng Kon Hring, tổng Đăk Mot; địa hạt quận Tu Mơ Rông gồm 04 tổng: Tổng Tu Mơ Rông, tổng Virngieo, tổng Măng Buk, Kon Kléang.
Ngày 09-9-1959: Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 234-NV thành lập một quận mới gọi là quận Chương Nghĩa, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Quận Chương Nghĩa bao gồm phần đất của quận Kon Plông, thuộc tỉnh Kon Tum, trừ các xã Kon Tileo, Kon Brap, Kon Braplu, Kon Kotuk. Quận lỵ Chương Nghĩa đặt tại Thượng Uyển.
Ngày 11-9-1959: Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 236-NV cắt một phần đất nguyên thuộc tỉnh Kon Tum sáp nhập vào quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Phần đất được cắt từ tỉnh Kon Tum chia làm hai xã: xã Hà Dung và xã Hà Liên đặt trong phạm vị kiểm soát của cơ sở Hành chính Cư Nhơn, trực thuộc quận Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 19-12-1964: Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 362-Nv sáp nhập quận Chương Nghĩa nguyên thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Kon Tum.
Sau năm 1965, quận Đăk Sút bị ta tấn công tiêu diệt, bộ máy quận lỵ phải dời về đóng tại xã Đăk Chu thuộc quận Đăk Tô. Quận Tu Mơ Rông sau nhiều lần bị ta tấn công, uy hiếp nên địch giảm quận đặt thành Cơ sở Phái viên hành chính.
Tháng 6-1970, trong phạm vi quản lý của chính quyền Sài gòn, toàn tỉnh Kon Tum có 2 quận: Kon Tum và Đăk Tô, 3 phái viên hành chính: Đăk Sút. Măng Bút và Chương Nghĩa. Toàn tỉnh có 64 xã, 249 ấp.
Năm 1972, ta giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh, địch dời quận lỵ Đăk Tô về đóng lưu vong tại đèo Sao Mai (phía Đông Nam Thị xã Kon Tum).
Ngày 16-3-1975: tỉnh Kon Tum được hoàn toàn giải phóng, bộ máy chính quyền địch hoàn toàn bị xoá bỏ.
* Về phía ta:
Thực hiện tinh thần Hiệp định Giơnevơ (1954), ta bàn giao địa bàn cho địch quản lý chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, dự lường trước những âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, bộ máy chính quyền cách mạng của tỉnh tổ chức hoạt động bí mật và tạm thời chia địa bàn tỉnh thành 6 khu để phân công chỉ đạo, quản lý.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần nhất (tháng 3-1960), Tỉnh uỷ quyết định giải thể các khu, thành lập các huyện và gọi theo mật danh các H (H16, H29, H30, H40, H80, H67). Đầu năm 1961, khu vực Thị xã Kon Tum được đặt tên theo mật danh là H5.
Năm 1969, thành lập H9, phần đất H9 bao gồm khu dồn Kon Mong, Kon Kơ La, khu dồn Kon Hring, dinh điền Diên Bình, vùng Đăk Cang.
Tháng 11-1970: Khu uỷ V quyết định thành lập Khu Yên Thế gồm phần đất hai huyện 30 và 40, trực thuộc hệ chỉ đạo chung của Khu A.
Tháng 4-1972,với chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, ta giải phóng vùng đất đai rộng lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh, để phù hợp với tình hình mới, Tỉnh uỷ quyết định giải thể H9, địa bàn H9 được phân chia về H80 và H16.
Tháng 7-1972: Khu uỷ V quyết định chuyển Khu Yên Thế trở lại Kon Tum và trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh Kon Tum.
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 29-9-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá III đã ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu hợp tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29-10-1975, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Pleiku.
Ngày 12-8-1991: Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 ra Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Gia Lai – Kon Tum được chia thành 2 tỉnh lấy tên là tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai. Khi chia tách, tỉnh Kon Tum có 5 đơn vị hành chính, gồm: Thị xã Kon Tum và 4 huyện: Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy và Kon Plông. Diện tích tự nhiên 13.000km, với số dân 230.000 người. Tỉnh lỵ đóng tại Thị xã Kon Tum.
Ngày 10-4-2009, Chính phủ ban hành Nghị định 15/NĐ-CP về thành lập Thành phố Kon Tum. Ngày 11-3-2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH 13 về thành lập huyện Ia HDrai.
Qua quá trình chia tách, thành lập, đến nay tỉnh Kon Tum có 09 huyện, 01 thành phố, gồm: Thành phố Kon Tum, các huyện: Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ia HDrai. Toàn tỉnh có 102 xã, phường, thị trấn. Tỉnh lỵ đóng tại Thành phố Kon Tum. Diện tích tự nhiên khoảng 10.000 km2, chiếm 17,2% diện tích vùng Tây Nguyên. Dân số trung bình năm 2017 là 520.047 người[5].
II. Kon Tum trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược:
1. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp:
Ngay khi tấn công xâm lược Kon Tum và thiết lập bộ máy cai trị của mình tại đây, thực dân Pháp luôn vấp phải sự chống trả quyết liệt từ phía nhân dân Kon Tum. Những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai… những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề …
Các phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum chống Pháp trong giai đoạn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần không cam chịu đầu hàng, khuất phục giặc Pháp. Tuy nhiên, nhìn chung cho đến thời điểm này, các phong trào trên còn mang tính tự phát, lẻ tẻ không có tổ chức thống nhất và chưa có một đường lối chung đúng đắn, mang tính chiến lược để dẫn dắt phong trào. Vì vậy, các phong trào đó đều bị thực dân Pháp đàn áp, dập tắt.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân trong cả nước ngày càng nổi lên mạnh mẽ từ tự phát đến tự giác.
Ở Kon Tum, mặc dù là tỉnh miền núi xã xôi, hẻo lánh, cách trung tâm của phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng khá xa. Song với vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Kon Tum, chính quyền thực dân Pháp không thể ngờ rằng với một tỉnh miền núi xa xôi đó đã sớm ra đời một tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ngay trong lòng địch (từ tháng 9-1930), với vai trò quan trọng của các tù nhân chính trị kiên cường và mưu trí, linh hoạt trong quá trình tìm hiểu tình hình và gây dựng tổ chức Đảng ở nơi đây.
Từ khi ra đời tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum (Chi bộ binh) đã bí mật tổ chức huấn luyện cho đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, lý tưởng Cộng sản và phương pháp đấu tranh cách mạng theo đường lối của Đảng; đồng thời, chú trọng vận động binh lính địch, phối hợp với Chi bộ đường phố xây dựng cơ sở và phát triển ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân và binh lính khắp thị xã; tuyên truyền vận động các tù nhân chính trị đứng lên đấu tranh một cách có tổ chức nhằm chống lại sự hà khắc của chính quyền thực dân và tay sai…
Bằng tình yêu quê hương, đất nước, ý chí căm thù giặc, và do được sự giác ngộ của những đảng viên Chi bộ binh và Chi bộ đường phố, nhân dân các dân tộc ở Kon Tum nhận thức được sự cần thiết phải đoàn kết với những người tù chính trị trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và bọn tay sai, đã dũng cảm đứng lên ủng hộ cuộc đấu tranh của những người tù cộng sản, tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho họ, mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh Lưu huyết (12-12-1931). Sự ra đời và hoạt động của các chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum.
Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, nhân dân Kon Tum dưới sự giúp đỡ của Việt Minh Gia Lai đã đứng đánh đổ chính quyền cai trị, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau khi giành thắng lợi, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng được thành lập. Chính quyền cách mạng Kon Tum sớm đi vào hoạt động, xây dựng và củng cố về mọi mặt. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tỉnh, từ cuối năm 1945, các chi bộ Đảng ở Kon Tum được hình thành và tiến tới thành lập Tỉnh ủy lâm thời Kon Tum (tháng 2 năm 1946). Tháng 4-1946, thành lập Phòng quốc dân thiểu số tỉnh Kon Tum, do ông Nguyễn trọng Ba phụ trách. Nhiệm vụ: phối hợp với Ủy ban hành chính tỉnh tăng cường công tác vận động quần chúng vùng đồng bào DTTS, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, vận động nhân dân chuẩn bị nhân, vật lực sẵn sàng tham gia trường kỳ kháng chiến.
Giữa năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Kon Tum. Chúng thành lập lại bộ máy cai trị trong toàn tỉnh, thực hiện âm mưu xây dựng Bắc Tây Nguyên làm căn cứ chiến lược lâu dài. Chúng tiến hành các biện pháp quân sự như tăng cường hệ thống đồn bốt, cứ điểm giáp ranh với các vùng tự do của ta, thành lập lực lượng quân vũ trang tay sai, mở các cuộc càn quét đánh phá, đàn áp nhân dân và chống lại lực lượng kháng chiến.
Khi thực dân Pháp xâm lược, Tỉnh ủy lâm thời, Ủy ban hành chính Kon Tum sau khi rút lui về Kon Plông đã tuyên bố giải tán, Phòng quốc dân thiểu số Kon Tum cùng với các đơn vị bộ đội rút về Trung châu, nên các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đều tan rã.
Để phù hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên, ngày 28-6-1946, Phân Ban vận động quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ được thành lập thay thế Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung bộ (3-1946). Nhiệm vụ: tổ chức tuyên truyền gây lại cơ sở chính quyền, thành lập đội vũ trang các tỉnh Thượng du, cải thiện đời sống nhân dân, đào tạo cán bộ Thượng du.
Ngày 28-8-1947, Ủy ban chỉ huy Tây Nguyên được thành lập thay thế cho Phân Ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ. Nhiệm vụ: phát triển cơ sở chính trị, chính quyền, tổ chức căn cứ quân sự, vận động nhân dân tăng gia sản xuất để tiếp tế và kiến thiết; đồng thời đôn đốc, kiểm tra công việc hành chính, kháng chiến và quân sự ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng).
Ngày 01- 01-1948, Thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ và hai đơn vị là: Phân ban Cực Nam Trung bộ và Phân ban kháng chiến Hành chính Tây Nguyên.
Ở Kon Tum, từ giữa năm 1946, Xứ ủy Trung kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung bộ đã phái 2 đội vũ trang tuyên truyền phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức nhân dân kháng chiến tại Kon Tum.
Đầu năm 1947, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh ra đời, đó là Đại đội 202. Tháng 7-1947, Ban cán sự và Uỷ ban kháng chiến vùng Đông và Bắc Kon Tum được thành lập để tập hợp và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Kon Tum. Tháng 3-1948, Ban cán sự và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Kon Tum cũng được thành lập. Thực hiện chính sách vết dầu loang, ta vừa củng cố ở những vùng đã có chính quyền, vừa phát triển những vùng chưa có chính quyền. Đến tháng 6-1948, hai huyện Đăk Glei và Kon Plông đã có UBKCHC, huyện Đăk Tô mới ở hình thức Ban vận động chính quyền; Bắc Kon Tum đã gây được cơ sở trong 3 huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Đăk Sút (thuộc khu vực quản lý hành chính của địch) được 112 làng; Đông Kon Tum đã gây được cơ sở trong huyện Kon Plông và lân cận 107 làng; thành phố Kon Tum đã có Ban vận động chính quyền, đã liên lạc được với đồng bào chung quanh thành phố và ngay trong Tỉnh lỵ Kon Tum. Cuối năm 1949, cơ sở ta gây dựng được 380 làng. Năm 1950 phát triển thêm 260 làng, số làng bị dồn và bị mất là 140 Đến cuối năm 1950 toàn tỉnh Gia-Kon có 500 làng với 100.000 dân.
Từ những cơ sở ban đầu được xây dựng, thực lực mọi mặt của Kon Tum ngày càng lớn mạnh. Phong trào kháng chiến hướng trọng tâm vào vùng địch chiếm đóng ngày càng phát triển với nhiều trận đánh tiêu hao ngày càng nhiều sinh lực địch, gây cho chúng không ít khó khăn. Cơ sở cách mạng trong dân ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, cùng với thắng lợi của lực lượng bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt đồn Konprai, Kon Plông, bức rút địch ở đồn Konmơha trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên hè năm 1950, càng tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Kon Tum đẩy mạnh phong trào kháng chiến về mọi mặt.
Đông xuân năm 1953-1954, thực dân Pháp ráo riết triển khai kế hoạch Na Va trên toàn chiến trường Đông Dương hòng xoay chuyển tình thế. Cuối năm 1953, chúng tăng cường lực lượng tập trung ở Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên nhằm triển khai kế hoạch Átlăng (bước 1 của kế hoạch Na Va) bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, đánh chiếm và xóa sổ vùng tự do Liên khu V. Bộ Chính trị đã chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông -Xuân 1953-1954; đồng thời, chuẩn y kế hoạch phát triển lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, hướng chính là Kon Tum. Cùng với thắng lợi trên các mặt trận trong cả nước, nhân dân Kon Tum với ý chí chiến đấu mạnh mẽ và niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến lần lượt tấn công tiêu diệt đồn Konpraih, cứ điểm Măng Đen, Măng Bút (01-1954) và giải phóng hoàn toàn Thị xã Kon Tum (07-02-1954), các cứ điểm nhỏ còn lại của địch nhanh chóng bị tiêu diệt, tỉnh Kon Tum được giải phóng hoàn toàn.
2. Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7/1954) chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Mỹ-Diệm vừa ngang nhiên phá họai Hiệp định vừa thực thi chính sách tố Cộng, diệt Cộng cực kỳ dã man nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta đang trụ bám trong dân. Đặc biệt, chúng đề ra Luật 10-59, lê máy chém khắp miền Nam, sát hại hàng ngàn người dân vô tội.
Ở Kon Tum, để dễ bề cai trị, chúng trả lương cho chủ làng, dân vệ để phản động hoá bộ máy nguỵ quyền ở cơ sở, mua chuộc, dụ dỗ bằng vật chất để gây ảnh hưởng kiểm soát tới tận người dân trong làng; tổ chức nên các đoàn thể nhằm tập hợp các thành phần dân chúng ở cơ sở và đội dân vệ có vũ trang để hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức trên. Chúng lập nên các đồn bốt, các căn cứ quân sự để thực hiện việc càn quét, đánh phá, truy lùng cán bộ, uy hiếp nhân dân. Về văn hoá- xã hội, chúng triệt để dùng chính sách ngu dân, kìm hãm sự phát triển văn hoá- xã hội.
Trước âm mưu trắng trợn, xảo quyệt của địch, cùng lúc với việc chuyển quân đi tập kết, thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng, tỉnh Kon Tum kịp thời bố trí một số cán bộ, đảng viên cốt cán ở lại bám trụ địa bàn. Ngay trong năm 1954, Liên khu uỷ V chỉ định Ban cán sự Đảng tỉnh gồm 6 đồng chí. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Ban cán sự Đảng tổ chức chỉ đạo, xúc tiến khẩn trương việc thực hiện chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Phương pháp đấu tranh chống địch: kết hợp hợp pháp, nửa hợp pháp rồi không hợp pháp, lấy hợp pháp rồi nửa hợp pháp làm chính. Trong thời kỳ chuyển hướng đấu tranh, các cấp, cán bộ, đảng viên đã tích cực bám sát cơ sở, tuyên truyền giáo dục quần chúng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch. Được sự lãnh đạo, hướng dẫn của của các cấp, nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống việc dồn dân, bắt lính, đòi hiệp thương tổng tuyển cử; chống lại chính sách cai trị của địch.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, các tổ chức vũ trang của tỉnh và các huyện được thành lập. Ngày 01-10-1959, tỉnh thành lập đơn vị vũ trang gồm 64 đồng chí tại làng Nước Chè (H29- Konplong). Các huyện (khu) đều xây dựng từ 1 đến 2 trung đội. Từ đây lực lượng vũ trang luôn đi kèm với đấu tranh chính trị, tạo thêm luồng sinh khí mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Kon Tum.
Tháng 3 năm 1960, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ nhất được tổ chức tại núi Ngọc Ang (thuộc quần sơn Ngọc Linh), làng Mô Gia (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông). Dưới ánh sáng của Nghị Quyết 15 Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum nỗ lực cao độ để chuyển tình hình cách mạng Kon Tum lên một bước mới, phối hợp chung với chiến trường Tây Nguyên và toàn miền đồng khởi, nổi dậy, tiến công địch, diệt ác, phá kèm, mở rộng quyền làm chủ, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Tiêu biểu là chiến thắng của nhân dân làng Tà Pót (ngày 07-9-1960)- đỉnh cao của phong trào quần chúng nổi dậy và chuyển lên thế đấu tranh vũ trang tấn công tiêu diệt địch. Đó cũng là cuộc mở đầu cho phong trào đồng khởi và nổi dậy của tỉnh Kon Tum.
Trên cơ sở phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nổi lên mạnh mẽ, để tập hợp đông đảo nhân dân trong một mặt trận đoàn kết chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 03-01-1961, Đại hội đoàn kết các dân tộc toàn tỉnh khai mạc tại làng Đăk Pét, xã Đăkrơmanh thuộc H29 (Kon Plông) thành lập Uỷ ban phong trào tự trị tỉnh Kon Tum, do đồng chí A Chương làm Chủ tịch. Đây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trước âm mưu chia rẽ của địch.
Năm 1961, nhận thấy đã thất bại trong chính sách “viện trợ” và “cố vấn” với chiến lược “tố Cộng”, “diệt Cộng”, đế quốc Mỹ bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Trong đó, “ấp chiến lược’ được Mỹ – Diệm coi là xương sống của chiến lược chiến tranh đặc biệt, nhằm bình định toàn bộ vùng nông thôn, tấn công tiêu diệt các căn cứ cách mạng và lực lượng vũ trang của ta ở miền núi.
Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, trên tinh thần Chỉ thịcủa Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ, Tỉnh uỷ Kon Tum chủ trương củng cố xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cách mạng và quần chúng ở các cấp; tăng cường bố phòng chặt chẽ và chuẩn bị các điều kiện để đánh địch phản kích; xây dựng bộ đội tỉnh, huyện và du kích tự vệ vững mạnh; đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lương thực, phát triển các lò rèn đúc vũ khí và công cụ sản xuất.
Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực và các lực lượng vũ trang của tỉnh, ta đã đánh bại hàng loạt cuộc càn quét, dồn dân lập ấp của địch, bảo vệ căn cứ cách mạng. Tính đến giữa năm 1965, ta đã giải phóng hoàn toàn quận lỵ Tu Mơ Rông, phần lớn quận lỵ Đăk Tô, Đăk Sút, phá banh trên 100 ấp chiến lược, giành gần 10.000 dân.
Tháng 10-1965, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II tổ chức tại làng Đăk Viên, xã Măng Ri (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) đã xác định chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ đánh bại “Chiến tranh cục bộ” với mức cao nhất. Đầu năm 1966, Hội nghị đại biểu các dân tộc toàn tỉnh của Uỷ ban dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum một lần nữa khẳng định quyết tâm của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà “đánh đuổi đế quốc Mỹ để khỏi bị diệt vong !”.
Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, quân và dân tỉnh nhà đã phối hợp với lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3) bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét trong mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch vào các căn cứ quan trọng, làm thất bại âm mưu phản công chiến lược của chúng. Đặc biệt, trong mùa khô 1966-1967 ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đông – Tây Sa Thầy I và chiến dịch Sa Thầy II, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 tên địch. Sau những tổn thất trên, địch có phần co cụm và gấp rút điều chỉnh lại lực lượng trên địa bàn. Tiếp tục trong mùa đông năm 1967 ta mở chiến dịch Đăk Tô nhằm lôi quân chủ lực của địch ra để tiêu diệt, đồng thời đánh sâu vào vùng thị xã, thị trấn, vùng phụ cận và đường giao thông. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 35 máy bay và 127 xe quân sự.
Với những thắng lợi quan trọng đã đạt được trên chiến trường miền Nam trong hai mùa khô, Bộ Chính trị quyết định mở một cuộc tiến công lớn trên toàn chiến trường trong mùa xuân 1968 “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới- thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Tại Kon Tum, quân và dân trong tỉnh đã hăng hái chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Đúng theo kế hoạch đã định, đêm 29 rạng sáng ngày 30-01-1968 (sáng mùng 1 tết Mậu Thân) cùng toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Kon Tum đã nổ súng mở màn chiến dịch, đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch tại 2 vùng trọng điểm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô-Tân Cảnh. Sau 3 đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa, ta tiêu diệt 3.400 tên địch, phá hỏng 110 xe quân sự, 35 máy bay và một số phương tiện chiến tranh khác.
Sau chiến dịch Tết Mậu Thân của ta, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, thay thế chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tại Kon Tum, địch tiếp tục thực hiện âm mưu “quét và giữ”, tập trung đẩy mạnh “bình định cấp tốc” và từng bước phi Mỹ hóa chiến tranh. Đông-Xuân năm 1968-1969, địch quyết tâm thực hiện chương trình bình định cấp tốc. Sau khi tập hợp lực lượng, địch cùng lúc bắn phá ta trên khắp các vùng chiến lược nhằm bình định lấn chiếm, giành và giữ dân.
Đầu năm 1969, quân và dân Kon Tum đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm lớn của địch tại thị xã Kon Tum, Măng Đen, Măng Buk, Đăk Tô- Tân Cảnh và Đăk Pét; tháng 3-1969, tấn công các vị trí đóng quân của địch ở Kroong (tây Thị xã Kon Tum) làm thiệt hai 22 đại đội, phá huỷ 80 máy bay các loại, 50 xe quân sự và một số phương tiện chiến tranh khác, thiêu cháy 12 kho xăng. Sau đợt hoạt động đánh đòn phủ đầu của quân và dân tỉnh nhà vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch trong năm 1969, các đợt xuân-hè và thu-đông 1970, 1971, ta liên tục tấn công địch, tiếp tục xây dựng, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng. Kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch cơ bản bị ta đánh bại.
Quán triệt Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng, nhằm đánh bại chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, đánh bại “Học thuyết Ních Xơn“, tạo ra một bước chuyển mới trên chiến trường, đẩy mạnh tiến công địch hơn nữa nhằm tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, Quân uỷ Trung ương chủ trương mở chiến dịch Xuân – Hè 1972, tấn công chiến lược trên toàn miền Nam.
Bộ Tổng Tư lệnh xác định Tây Nguyên là hướng tiến công của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược Xuân -Hè 1972. Kon Tum – Đăk Tô -Tân Cảnh được xác định là mũi trọng yếu, then chốt của chiến dịch với nhiệm vụ: “Tiêu diệt địch giải phóng vùng Đăk Tô -Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plây Cu….
Thực hiện chủ trương trên, ngày 02-02-1972, ta mở màn Chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân – Hè 1972 trên chiến trường Kon Tum. Sau hơn 2,5 tháng chủ động tấn công, bao vây, chia cắt, đến ngày 18-4-1972, với việc thực hiện chia cắt đường 14 ở cả 2 đầu, cô lập thị xã Kon Tum và chia cắt Kon Tum với Đăk Tô – Tân Cảnh, thì toàn bộ các cứ điểm, điểm cao quanh Đăk Tô -Tân Cảnh của địch bị ta tiêu diệt. Căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh đã bị cô lập hoàn toàn. Căn cứ Đăk Tô- Tân cảnh (còn gọi căn cứ E42- căn cứ trung đoàn 42 nguỵ) chỉ còn có sở chỉ huy tiền phương của sư doàn 22 nguỵ. Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tiêu diệt căn cứ Đắk Tô- Tân Cảnh, tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch tại Bắc Tây Nguyên.
Sau 2 ngày đêm bắn phá dữ dội căn cứ Đăk Tô- Tân cảnh, đêm 23 rạng ngày 24-4-1972, xe tăng ta vòng qua các tiền đồn phía đông, tấn công đánh chiếm quận lỵ Tân Cảnh, mở cửa hướng đông vào căn cứ. Đúng 5h sáng ngày 24-4-1972, sau những trận pháo kích cấp tập cuối cùng, được lệnh của Chỉ huy Mặt trận, Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công được sự yểm trợ của 9 xe tăng – lữ đoàn 273, cùng các đơn vị bộ đội tỉnh đã tấn công tiêu diệt căn cứ E42 Đăk Tô – Tân Cảnh. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng lô cốt, hầm ngầm, từng dãy công sự…Địch cho máy bay ném bom quyết liệt xuống những vị trí chúng không còn giữ được nhằm ngăn chặn bước tiến của ta. Cũng vào thời gian này, khi thấy khả năng tiêu diệt căn cứ E42 đã rõ ràng, Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương nhanh chóng táo bạo tiếp tục tấn công tiêu diệt căn cứ Đắk Tô 2 (căn cứ trung đoàn 47 nguỵ và Sân bay Phượng Hoàng), cách căn cứ E42 khoảng 8 Km về hướng Tây.
Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2- Quân khu 5) được tăng cường thêm Tiểu đoàn 10, cùng 4 xe tăng T54 và 1 pháo cao xạ tự hành 57 ly được lệnh tiến đánh sào huyệt Trung đoàn 47 ở căn cứ Đăk Tô 2.Với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của bộ đội ta, cho đến 11h trưa ngày 24-4-1972, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Đồng thời với việc tiêu diệt căn cứ E42, chúng ta đã giải phóng trên 25 ngàn dân với một vùng đất đai rộng lớn. Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh tháng 4-1972 còn làm xoay chuyển tình thế trên chiến trường, đảo lộn hệ thống phòng ngự của địch tại Bắc Tây Nguyên.
Sau thất bại ở Đăk Tô-Tân Cảnh, địch chỉ còn co cụm ở thị xã Kon Tum và một số cứ điểm lẻ Măng Đen, Măng Bút, Đăk Pét. Tuy nhiên do sự ngoan cố của chính quyền ngụy, chúng liên tục tiến hành đánh nống lấn ra vùng giải phóng của ta. Quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Khu ủy V, tháng 11-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ V được tổ chức ở vùng giải phóng Kon Đào, xã Đăk Pxy, H80 (nay thuộc huyện Đăk Hà) đã xác định nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ “Kiên quyết đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, lôi kéo dân của địch, giữ vững và mở rộng vùng ta, khẩn trương nỗ lực xây dựng, phát triển lực lượng của ta vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế (cả vùng ta và vùng địch còn tạm thời kiểm soát), chủ động giành thắng lợi trong mọi tình huống, chuyển lên thế tiến công tiêu diệt địch khi thời cơ đến”. Để đánh bại âm mưu và hành động của địch, quân và dân tỉnh nhà vừa tiếp tục đánh địch lấn chiếm vừa thực hiện công tác binh vận và chuẩn bị tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng. Phát huy thắng lợi đã đạt được, trong năm 1974, ta lần lượt tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Đăk Pét (15-5), Măng Buk (20-8) và Măng Đen (30-10), địch chỉ còn hang ổ cuối cùng tại Thị xã Kon Tum. Trong quá trình tấn công địch, lực lượng ta ở phía trước còn tích cực phát triển cơ sở vào vùng địch, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh địch vận, chú trọng đến phát triển kinh tế, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân, xây dựng vùng căn cứ vững chắc.
Trên chiến trường cả nước, thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và chiến công thần kì của quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27-01-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Theo Hiệp định này, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút toàn bộ quân Mỹ về nước. Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam cộng hoà giữ nguyên lực lượng và vị trí đóng quân trên các địa bàn hiện tại.
Tuy nhiên, sau khi rút quân, Mỹ vẫn tiếp tục cài cắm lực lượng ở lại và tiếp tục chi viện về tài chính để chính quyền tay sai thực thi chính sách “tràn ngập lãnh thổ” ở miền Nam Việt Nam.
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp phân tích tình hình địch, ta trên chiến trường và hạ quyết tâm nếu thời cơ đến thì nhanh chóng chớp lấy để giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của trên, Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà với nỗ lực cao nhất, ra sức chuẩn bị mọi mặt phối hợp cùng bộ đội chủ lực, vừa đánh địch giữ thế chiến lược, vừa tích cực góp sức cùng Mặt trận Tây Nguyên giành thắng lợi quyết định. Ban Chỉ huy tiền phương được thành lập. Để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, ta hình thành thế trận tấn công vào thị xã.
Ngày 04-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Cùng thời gian tấn công địch khắp mặt trận Tây Nguyên, tại Kon Tum hoả lực của Tỉnh đội và lực lượng chủ lực đánh chiếm các khu quân sự và khu kho trong thị xã của địch, khống chế sân bay, khu cảnh sát dã chiến, trạm tiếp điện ChưH,reng. Lực lượng của ta nhanh chóng tấn công các chốt điểm xung quanh Thị xã, các ấp và các khu dồn trong vùng. Sau khi nghe tin Buôn Mê Thuột thất thủ, ngày 15-3-1975 địch ở Kon Tum bắt đầu rút chạy. Ta vừa đánh chặn tiêu diệt địch vừa tấn công các cứ điểm quan trọng bên trong thị xã. Trưa ngày 16-3-1975, các lực lượng của tỉnh từ các hướng đã áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Cũng trong ngày 16-3-1975 ta đánh chiếm quận lỵ Đăk Tô lưu vong (đóng tại đèo Sao Mai) vây ép địch ở phía Bắc và phía Đông. Đêm 16-3-1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh đã đột nhập và chiếm lĩnh Toà Hành chính và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ Thị xã Kon Tum.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum năm 1975 thể hiện sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt ở chiến trường, ở từng địa bàn cơ sở đến toàn tỉnh, biết nắm thời cơ và thúc đẩy tình hình theo hướng chỉ đạo của cấp trên, làm chuyển biến nhanh chóng tình hình, giành thắng lợi trọn vẹn; góp phần tích cực vào thắng lợi của cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
III. Kon Tum trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1975 đến nay.
Sau giải phóng, Kon Tum gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc cứu đói, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư khai hoang, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là khai hoang mở rộng diện tích lúa nước hai vụ. Đến tháng 10-1975, tỉnh đã khai hoang được 736,3 ha, phục hoá được 471 ha, tổng diện tích đất gieo trồng của tỉnh là 14.661 ha; từ 806 con trâu (năm 1974) tăng lên 3.114 con (năm 1975). Hoạt động thương nghiệp, giao thông vận tải, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đi lại của nhân dân. Hệ thống giáo dục của tỉnh cũng dần dần được phục hồi và ổn định; hệ thống các cơ sở y tế được khôi phục để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Cuối năm 1975, Kon Tum và Gia Lai sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đảng bộ và nhân dân tỉnh tiếp tục khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đấu tranh chống âm mưu, lấn chiếm biên giới của tập đoàn phản động Pôn Pốt, tấn công truy quét tàn quân FULRO và các thế lực phản động khác. Với tinh thần, nghị lực đã được tôi luyện từ chính cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Tuy vậy, nằm trong tình trạng chung của cả nước, trong thập kỷ đầu sau giải phóng, bên cạnh những thành quả đã đạt được, chúng ta vấp phải một số sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới sự trì trệ, khủng hoảng về kinh tế-xã hội trầm trọng. Để khắc phục sai lầm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra đường lối đổi mới đất nước, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác, Đảng và nhân dân đã lựa chọn. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời làm tốt công tác tư tưởng, củng cố niềm tin vững chắc trong toàn Đảng bộ và quân, dân tỉnh nhà, đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 1986-1990 và đạt được những kết quả tích cực bước đầu: khắc phục một bước quan trọng về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; bước đầu ổn định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo ra những nhân tố mới tích cực để đưa tỉnh nhà nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội. Mặc dù kết quả chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nhưng bước đầu tạo sự chuyển biến quan trọng trên các mặt kinh tế, văn hóa- xã hội và củng cố quốc phòng an ninh trong thời kỳ đầu cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới.
Ngày 12-8-1991, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai-Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi mới thành lập lại tỉnh, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, quyết tâm củng cố, xây dựng tỉnh phát triển theo bước đi chung của cả nước.
Sau hơn 27 năm thành lập lại, với sự nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo được những dấu ấn khá rõ nét về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo; củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh; kiện toàn hệ thống chính trị, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao, năm sau cao hơn năm trước (Tăng trưởng GDP giai đoạn 1992-1995 đạt 9,15%/năm; giai đoạn 1996-2000 đạt 9,85%/năm; giai đoạn 2001-2005 đạt 11%/năm; giai đoạn 2005-2010 đạt 14,51%/năm; giai đoạn 2010-2015 đạt 13,94%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng (Năm 1992, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng: 7,4%. Năm 2005: 19,04%. Năm 2010 là 24,32%. Đến 2015 đạt 38,11%). Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng: Năm 1992 là 88,6 USD, năm 2000 đạt 182 USD, năm 2010 đạt 718 USD,  năm 2015 đạt 1.555 USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng nhanh. Năm 1991 tổng thu ngân sách mới chỉ đạt ở mức 25-30% nhu cầu chi thường xuyên, số còn lại phải dựa vào trợ cấp của Trung ương; năm 2000 tổng thu ngân sách nhà nước tại địa bàn gần 82 tỷ đồng thì đến năm 2005 đạt gần 270 tỷ đồng; đến năm 2015 đạt 2.134 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.
Nông-lâm nghiệp có những chuyển biến tích cực, phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá (giai đoạn 1992-1995: tăng trưởng 3,28%/năm; 1996-2000: 10,7%/năm; 2001-2005: 9,15%/năm; 2005-2010 là 7,52%/năm; giai đoạn 2010-2015 đạt 7,0%/năm). Ngoài các loại cây- con truyền thống, các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, sâm Ngọc linh tiếp tục được mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Các dự án phát triển rau hoa xứa lạnh bước đầu được đầu tư có kết quả, nuôi trồng thủy tăng trưởng khá bước đầu có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng bền vững; tiềm năng đất đai, thủy điện được khai thác và sử dụng hợp lý. Xây dựng nông thôn mới đang mang lại những kết quả tốt đẹp góp phần thay đổi diện mạo khu dân cứ và đời sống người dân ở nông thôn.
Về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1996-2000: 14,5%/năm; giai đoạn 2010-2015 đạt bình quân 16,7%/năm. Khi mới tách tỉnh, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành công nghiệp của tỉnh hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Nhờ những chủ trương đúng đắn, chính sách hợp lý và sự đầu tư đúng mức, công nghiệp Kon Tum đã từng bước ổn định và ngày càng phát triển đúng hướng. Thương mại-dịch vụ có bước phát triển, giai đoạn 1996-2000: 6,8%/năm; giai đoạn 2001-2005: 11,18%/năm; giai đoạn 2006-2010 đạt 16,49%; giai đoạn 2010-2015 đạt 29,18%/năm. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, tư vấn…có bước phát triển đáng kể. Một số khu, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác, thu hút lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng hàng năm lên 17,85%.
Ba vùng kinh tế động lực, tiềm năng về thuỷ điện, khoáng sản và đất lâm nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư vốn với quy mô khá lớn. Việc đầu tư nâng cấp thành phố Kon Tum đạt 70% tiêu chuẩn đô thị loại II (Vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới) qui hoạch khu trung tâm hành chính mới của tỉnh và xây dựng các khu đô thị mới được triển khai khai tích cực, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư thu hút đầu tư Mở rộng khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Cụm công nghiệp Đăk La, cụm công nghiệp Đăk Tô, Thị trấn Plei Kần – Huyện Ngọc Hồi được công nhận đô thị loại IV, hoạt động đầu tư kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Pờ Y có chuyển biến tích cực; Thị trấn huyện lỵ KonPLông được xúc tiến thành lập ngày một thu hút khách du lịch, các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đang được triển khai thực hiện. Công tác sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo tiến độ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên; Tăng cường hội nhập, liên kết phát triển kinh tế, vùng, khu vực và quốc tế.
Về văn hoá, xã hộiVới những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong những qua, chất lượng công tác giáo dục đào tạo được nâng lên. Hệ thống trường lớp ngày càng được mở rộng, đội ngũ giáo viên ở các cấp học, ngành học ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đời sống người có công, người nghèo, các dối tượng chính sách xã hội ngày càng được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh tính đến cuối năm 2015 còn 11,5%. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả, các loại dịch bệnh được phát hiện kiểm soát và phòng ngừa khống chế kịp thời.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật đi vào chiều sâu, công tác quản lý sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống quí báo của dân tộc thiểu số được tăng cường, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và quảng bá hình ảnh địa phương. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển sâu rộng, số thôn, khu phố và hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Thiết chế văn hóa tại cơ sở được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Lĩnh vực quốc phòng-an ninhCông tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chính trị, nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang được chú trọng. Lực lượng vũ trang của tỉnh lớn mạnh không ngừng qua các năm; có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng dân quân tự vệ hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù thời gian gần đây, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, ở một số nơi thuộc khu vực Tây Nguyên đã xảy ra bạo loạn chính trị vào năm 2001 và năm 2004, nhưng tỉnh Kon Tum vẫn bảo đảm ổn định; tiềm lực quốc phòng-an ninh được tăng cường; ý thức đề cao cảnh giác của nhân dân chống các luận điệu tuyên truyền phản động được nâng cao. Mối quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên giới Lào và Campuchia được coi trọng, củng cố và ngày càng phát triển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Về xây dựng hệ thống chính trị: Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được tăng cường; chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên; mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền được củng cố vững chắc.
Hoạt động của HĐND, UBND các cấp có những chuyển biến rõ nét. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh uỷ đều được HĐND, UBND các cấp quán triệt, thể chế hoá và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả. Các kỳ họp HĐND ngày càng được nâng cao về chất lượng, phát huy dân chủ hơn trong thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực; ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. UBND các cấp ngày càng nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành, đã từng bước xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức triển khai có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp được tăng cường, ngày càng nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm. Việc triển khai thực hiện chủ trương cải cách hành chính được chú trọng và triển khai tương đối đồng bộ, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, giải quyết kịp thời hơn các yêu cầu, quyền lợi của tổ chức và công dân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp ngày càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức; đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.
Trên cơ sở những thành tựu sau hơn 4 thập kỷ xây dựng quê hương sau giải phóng, để tiếp tục có những bước đi đúng đắn đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, sớm thoát nghèo, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (tháng 10 năm 2015) đã đề ra Mục tiêu tổng quát đó là: “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững”. 
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm (2015-2020) đó là:
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 trên 9%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế[6]: nông-lâm-thuỷ sản là 26-27%, công nghiệp-xây dựng là 31-32%, thương mại-dịch vụ là 35-36%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.500 USD; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn trên 3.500 tỷ đồng.
Đến năm 2020, dân số khoảng 580 nghìn người; trên 52% lao động qua đào tạo; có 80% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 50% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 3-4%/năm.
Đến năm 2020, trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; độ che phủ rừng đạt trên 63,75%.
Đến năm 2020, kết nạp mới trên 5.000 đảng viên; 100% thôn, tổ dân phố có tổ chức đảng; trên 75% quần chúng được tập hợp vào các tổ chức chính trị-xã hội.
Một số kết quả đạt được trong năm 2017
* Trên lĩnh vực kinh tế
– Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12.302 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 9,01% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt kế hoạch đề ra, trong đó: Khu vực Nông – Lâm – Thủy sản tăng 5,64%; Công nghiệp – Xây dựng tăng 13,69%; Dịch vụ tăng 7,24%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 15,4%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31,96 triệu đồng năm 2016 lên 34,77 triệu đồng.
– Tổng thu NSNN ước khoảng 2.257 tỷ đồng, đạt 122,13% dự toán, trong đó: Thu nội địa 1.935 tỷ đồng, đạt 112,04% dự toán; thu xuất nhập khẩu 277 tỷ đồng, đạt 307,78% dự toán.
– Tổng các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao và thông báo cho các địa phương, đơn vị chủ đầu tư để thực hiện trong năm 2017 là 1.863,717 tỷ đồng, trong đó: Thuộc kế hoạch năm 2017 là 1.651,440 tỷ đồng và thuộc kế hoạch năm 2016 là 212,277 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2017, tổng giá trị khối lượng thực hiện là 545,222 tỷ đồng, tổng số vốn đã giải ngân là 943,586 tỷ đồng, đạt 50,63% so với kế hoạch địa phương giao. Ước thực hiện giải ngân cả năm đạt khoảng 90% kế hoạch.
– Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông xuân 2016-2017 là 11.145 ha, đạt 102,8% kế hoạch và bằng 98,5% so với cùng kỳ; diện tích cây trồng vụ mùa 2017 là 159.800 ha, đạt 99,8% kế hoạch và bằng 100,7% cùng kỳ năm trước; đã chuyển đổi 581,69 ha đất lúa thiếu nước sang trồng cây khác. Diện tích cao su đạt 74.756 ha (trong đó cao su tiểu điền 29.381 ha); diện tích cà phê đạt 17.952 ha; Sâm Ngọc Linh đã trồng 325,86 ha; rau, hoa, quả xứ lạnh đã trồng khoảng 80 ha; một số cây dược liệu như Hồng đẳng sâm, Đương quy… phát triển tốt.
– Chăn nuôi tương đối ổn định, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh ước đạt 228.298 con, trong đó: đàn trâu 23.014 con (đạt 97,6% kế hoạch); đàn bò 70.570 con (đạt 100,8% kế hoạch); đàn lợn 134.714 con (đạt 92,9% kế hoạch). Ngoài ra, Dự án dê sữa của Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen đã được triển khai với tổng đàn hơn 7.000 con, bước đầu đã cho sản phẩm sữa. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 625 ha, sản lượng đạt khoảng 4.086 tấn.
– Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.350 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 102,9% kế hoạch năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển. Các công trình thủy điện vừa và nhỏ thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy hoạch; đã thống nhất chủ trương cho phép 7 doanh nghiệp triển khai các bước khảo sát, nghiên cứu sơ bộ các dự án năng lượng điện mặt trời tại 12 vị trí, với quy mô dự kiến khoảng 1.233 MW.
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước 14.932,8 tỷ đồng, đạt 94,51% kế hoạch; trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng găm hàng, tăng giá đột biến. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Các khu, tuyến, điểm du lịch được tích cực khai thác, tổng số khách đến ước đạt 343.850 lượt (khách quốc tế ước đạt 124.854 lượt), doanh thu du lịch đạt 213 tỷ đồng; công suất phòng ước đạt 74,5%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 135 triệu USD, vượt 68,75% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,3 triệu USD, vượt 123,2% kế hoạch.
– Công tác quảng bá thông tin, xúc tiến đầu tư được đổi mới; hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch có nhiều khởi sắc. Từ đầu năm đến 31/10/2017, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 40 dự án với tổng vốn đăng ký trên 919,15 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.593 doanh nghiệp đăng ký, trong đó thành lập mới từ đầu năm 2017 đến 31/10/2017 là 213 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.265 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 hợp tác xã đang hoạt động, có 8.753 thành viên và người lao động; có 167 tổ hợp tác, thu hút 1.855 thành viên tham gia, trong đó có 91 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP.
* Lĩnh vực văn hóa, xã hội
– Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, trường lớp học tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được cải thiện. Toàn tỉnh có 158 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 10 trường so với năm 2016, có 101/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
– Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 31/10/2017, số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm là 1.396 người, đạt 87,3% kế hoạch năm.
– Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh được quan tâm đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu khám chưa bệnh. Đã thực hiện phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ cho các huyện, thành phố. Hiện có 68 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020, chiếm 66,7%.
– Các hoạt động thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật và công tác thông tin, phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng được quan tâm thực hiện. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng tiếp tục được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa không ngừng được nhân rộng.
– Các đề tài, dự án khoa học công nghệ tiếp tục được triển khai nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và có chuyển biến tích cực. Đã hỗ trợ 04 dự án vay vốn từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ với tổng vốn vay là 1,4 tỷ đồng.
– Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến đến cuối năm giảm còn 25.085 hộ, chiếm tỷ lệ 19,53%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 3,5%, đạt kế hoạch; tổng số hộ cận nghèo là 8.359 hộ, chiếm tỷ lệ 6,64%.
*
*                    *
Trải qua 105 năm lịch sử kể từ khi tỉnh Kon Tum được chính thức thành lập, với truyền thống kiên cường, bất khuất được hun đúc từ trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất của cha ông, nhân dân các dân tộc Kon Tum đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định, phát triển. Tự hào với thành quả to lớn, với thế và lực của tỉnh trong những chặng đường lịch sử đã qua, toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững“, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.
___________________________

[1] Theo Báo cáo tổ chức chính quyền tỉnh Gia Lai – Kon Tum, tài liệu sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội.
[2] Từ tháng 3-1952, Khu 3 (huyện Kon Plông) được chia thành hai huyện: Huyện Kon Plông Bắc (Bắc Kon Plông) gồm các xã: Măng Cành, Đăk Long, xã Hiếu (thuộc Mặt trận Miền Tây); huyện Kon Plông Nam (Nam Kon Plông), gồm các xã Đăk Rong, Đăk P’ne, Krem thuộc Gia Lai.
[3] Đến tháng 8-1951, đồng chí Trương Quang Tuân, Liên khu ủy viên được phân công về thay đồng chí Trịnh Huy Quang, làm Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Gia-Kon, kiêm chính ủy E120.
[4] Theo một số tư liệu thành văn sưu tầm được gồm báo cáo các ngành thì đến tháng 10-1954 các văn bản vẫn còn ghi là tỉnh Gia – Kon.
[5] Theo Báo cáo số 481/BC-CTK, ngày 20-12-2017 về tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và năm 2017 của Cục thống kê tỉnh Kon Tum.
[6] Chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7-8%.
Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT