Tiếng Tơ Rưng, Klông Pút như đã ở trong máu từ khi mới chào đời, nhưng đến ngoài 50 tuổi, bà Y Sinh mới thực sự dành hết tâm sức cho những giai điệu của nứa tre, để những thanh âm dân dã từ thiên nhiên ấy hoà quyện cùng hồn người, làm nên một phần nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Xê Đăng vùng Bắc Tây Nguyên.

Nắng vừa lên ươm ươm màu mật non. Mới đến đầu con hẻm nhỏ bên Khu di tích lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh đã nghe rộn ràng tiếng “pốc pông pông pốc…” lộc ngộc. Mát trời, nên khoảnh sân nhỏ trước nhà đã được kê gọn ghẽ hai chiếc đàn Tơ rưng xinh xắn. “Đang hè, tranh thủ dạy cho mấy đứa cháu… Ráng cho đến đầu năm học mới, bọn nhóc này đứa nào cũng gõ được mấy bài yêu thích…” – Bà Y Sinh (tổ 2, khối 4, thị trấn Đăk Tô) cười rạng rỡ.

Day Torung

Bà Y Sinh tận tâm hướng dẫn thanh thiếu niên trong làng đánh đàn Tơ Rưng

Gốc gác vùng núi Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, song từ lâu, cha mẹ bà Y Sinh cùng một số bà con đã du cư, lập nghiệp ở làng Đăk Giá, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi. Bà Y Sinh sinh ra và lớn lên ở đó.

Đi qua chiến tranh gian khổ, cuộc sống bình yên trở lại bên nếp nhà rông, nhà sàn. Những ngày hội làng, khi mùa lúa chín, những lúc rảnh rang, già trẻ gái trai quây quần chiêng xoang, đàn hát. Làng xóm vui vầy. Chẳng hiểu tự bao giờ, những âm thanh như tiếng gió, tiếng suối, tiếng cây lá… lúc ầm ào, réo rắt, khi thầm thì,dịu ngọt từ những thanh nứa, tre, lồ ô đã ngấm vào tâm hồn cô bé Y Sinh thấp nhỏ như mụt nấm.

Chưa biết chữ, nốt nhạc bẻ đôi cũng chẳng hay, Y Sinh đã gõ được nhiều điệu Tơ rưng, vỗ nên những bài Klông Pút chẳng kém gì người lớn. Năm 1978, khi đang là giáo viên Trường Bổ túc công nông, lần đầu tiên, cô giáo Y Sinh đã đem tiết mục độc tấu “Giã gạo đêm trăng” của người Xê Đăng đến Hội diễn văn nghệ của ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) tổ chức tại Pleiku, được sự tán thưởng nồng nhiệt của bạn bè, đồng nghiệp và học sinh.

Hết làm giáo viên, lại chuyển sang công tác dân vận mặt trận, hội phụ nữ; bận rộn với công việc, nên trong thời gian dài, thỉnh thoảng, Y Sinh chỉ sống với Tơ Rưng và Klông Pút qua những lần tập tành, dàn dựng tiết mục cho bản thân, chị em hội viên và các cháu học sinh biểu diễn tại hội diễn, hội thi, hay nhân sự kiện giao lưu, gặp gỡ của nhà trường, tổ chức đoàn thể.

Niềm yêu thích lặng lẽ và mong ước ấp ủ với nứa tre có điều kiện trở thành hiện thực, vào năm 2011, khi bà Y Sinh nghỉ hưu trước tuổi, vì lý do sức khỏe.

Lương thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên ban đầu, để có thể tự mình làm đàn để sử dụng, bà gửi anh em họ hàng ở tận vùng núi Đăk Na lấy về một ít nứa, mây, tre… đẹp và che tạm gian lán nhỏ cạnh nhà, vừa để đựng nguyên vật liệu vừa làm nơi chế tác nhạc cụ.

Được sự giúp sức của người anh họ sẵn kinh nghiệm với công việc này, chiếc đàn Tơ Rưng và chiếc Klông Pút đầu tiên của bà đã ra đời, rất “ưng cái bụng”.

Đàn Tơ Rưng một giàn (tiếng Xê Đăng gọi là Pu Pút) đơn giản gồm 14 ống nứa được kết lại với nhau theo hình thang, thứ tự ống ngắn, tương đương với nốt thấp ở dưới và ống dài hơn, tương đương với nốt cao dần ở trên. Giá đỡ dàn dây là chiếc khung bằng cây, gỗ chắc chắn. Klông Pút (tiếng Xê Đăng là Kong Kră ) đơn giản hơn, chỉ gồm 9 ống nứa được xếp trên một khung chữ nhật, hay mặt bàn đơn sơ.

Bên cạnh đó, nhạc cụ đệm (Kong) cho Tơ Rưng và Klông Pút cũng được tạo hình bằng 3 ống nứa dài ngắn khác nhau, tạo thành kích cỡ đàn đệm khác nhau.

Chỉ đơn giản với ống nứa và sợi mây, song gọt, cắt làm sao cho mỗi ống nứa đều trở thành từng nốt nhạc và khi tấu lên, lại thành dàn hòa âm đa thanh, những giai điệu kỳ diệu, chính là sự kỳ công, khéo léo của người chế tác. Không có đôi tai tinh nhạy và đôi tay khéo léo, đặc biệt là nếu thiếu khả năng thẩm âm như đã sẵn trong hơi thở, không thể thổi hồn vào từng thân nứa vô tri.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có thể làm chủ được thời gian chế tác mà âm thanh của từng nốt nhạc nứa tre cũng hay hơn, bà Y Sinh lần lượt cho ra đời những chiếc đàn Tơ Rưng, Klông Pút nguyên bản của người Xê Đăng, không chỉ phổ biến tại địa bàn huyện Đăk Tô, mà còn góp mặt trong các chương trình biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa truyền thống ở các địa phương, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang…trên địa bàn tỉnh.

Chẳng những chế tác và thuần thục biểu diễn đàn bằng tre nứa, bà Y Sinh còn rất mát tay dàn dựng, tập luyện cho các đoàn nghệ nhân tham gia sự kiện văn hóa từ địa phương, cơ sở đến huyện, tỉnh và góp mặt biểu diễn ở các thành phố lớn.

Riêng năm 2016, chương trình của đoàn nghệ nhân Xê Đăng tỉnh Kon Tum do bà “đạo diễn” đã tham gia và để lại ấn tượng đẹp tại cuộc gặp mặt mừng xuân mới Bính Thân tại Thủ đô Hà Nội và biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Chương trình của đoàn nghệ nhân huyện Đăk Tô cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của bà con và du khách tại Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3.

Được sự giúp đỡ của những người bạn, tháng 5/2016, bà Y Sinh đã thay thế gian lán tạm bằng căn nhà tôn gần 100m2 khá khang trang, thuận tiện hơn cho việc làm đàn và tập đàn Tơ Rưng, Klông Put.

Năm 2015, bà là một trong số 43 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận đợt đầu tiên và được tôn vinh tại Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3-năm 2016.

Vinh dự, tự hào khi những nỗ lực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được ghi nhận, song niềm vui và hạnh phúc nhất của người phụ nữ Xê Đăng giản dị chính là truyền niềm say mê những giai điệu của nứa tre cho thế hệ cháu con và những người yêu thích văn hóa dân gian.

Tình yêu lặng lẽ mà người mẹ tần tảo nhen nhóm được cậu con trai út Cao Xuân Ước tiếp tục thắp sáng. Bằng tiếng Tơ Rưng, Klông Pút truyền thống, chàng sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) đang làm cho những giai điệu mộc mạc mà nồng ấm tình người của vùng rừng núi Bắc Tây Nguyên được vang xa…

Không chỉ dừng lại ở việc phổ biến Tơ Rưng, Klông Pút, người nữ nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc còn ấp ủ sẽ chế tác thêm một số nhạc cụ để thổi, làm phong phú hơn dàn nhạc của nứa tre dân dã, như ống thò, đàn môi, đàn then…

Ánh chiều dần khép lại một ngày bận bịu trong tiếng cười sảng khoái của người chủ nhân hiếu khách, luôn mở rộng cánh cửa đón chào những tâm hồn đồng điệu mến yêu giai điệu của nứa tre gần gụi. Một bản hòa tấu Tơ Rưng, Klông Pút thay lời tạm biệt những người khách đến từ nơi xa.

Thanh Như

Nguồn: baokontum.com.vn-HT