Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, đã diễn ra hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2026 giữa Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ tại Việt Nam (UN Women Việt Nam) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

14_Dec_2022_115130_GMTIMG_9073.JPG

Hội LHPN Việt Nam và UN Women Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2026

Theo đó, Quan hệ đối tác của hai bên dự kiến được thực hiện ở cấp TW và cấp tỉnh, sẽ tập trung làm nổi bật sự cần thiết của việc phụ nữ tham gia lãnh đạo và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống, đặc biệt trong thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế, khả năng lãnh đạo, tăng cường khả năng phục hồi của phụ nữ và trẻ em gái trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; và thực hiện các cam kết về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vì hòa bình bền vững.

Các lĩnh vực hợp tác:

1. Phụ nữ lãnh đạo, tham gia và hưởng lợi bình đẳng từ hệ thống quản trị công thông qua tăng cường năng lực của các cấp Hội trong thúc đẩy tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng pháp luật, chính sách có đáp ứng giới, trong đó có Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Tăng cường lồng ghép giới trong các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…).

2. Phụ nữ có việc làm bền vững và tự chủ kinh tế thông qua: (a) hỗ trợ nghiên cứu, triển khai các mô hình cải thiện sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng phát triển kinh doanh dựa trên nhu cầu của phụ nữ; (b) tiến hành nghiên cứu và vận động chính sách để có các chính sách đáp ứng giới tốt hơn nhằm đảm bảo phụ nữ tiếp cận bình đẳng với thông tin, công nghệ, tài chính, các dịch vụ nông nghiệp và phát triển kinh doanh cũng như cải thiện mạng lưới xã hội của phụ nữ và kết nối thị trường; và (c) hỗ trợ các mô hình sinh kế của phụ nữ giúp phục hồi sau đại dịch Covid-19, bao gồm các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương (phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống chung với HIV/AIDS…).

3. Tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được sống một cuộc sống không có bạo lực dưới mọi hình thức thông qua tăng cường năng lực của Hội trong việc ngăn chặn và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ qua các giải pháp: (a) xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng trong thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thu hút nam giới, trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới; (b) tăng cường các dịch vụ ứng phó cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực theo hướng từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; (c) xây dựng các chương trình dựa trên bằng chứng về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng; và (d) thúc đẩy và truyền thông về pháp luật liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và lấy nạn nhân làm trung tâm để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm phụ nữ di cư lao động ở nước ngoài và các giá trị tích cực trong gia đình, trong đó chú trọng gia đình trẻ, nam nữ thanh niên.

4. Phụ nữ và trẻ em gái có đóng góp và ảnh hưởng lớn hơn và được hưởng lợi bình đẳng từ việc phòng chống và cứu trợ thiên tai. Các hoạt động bao gồm: (a) tăng cường năng lực thể chế của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu có đáp ứng giới; (b) hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường vai trò chính trị và lãnh đạo của Hội LHPN Việt Nam trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (c) nâng cao năng lực của các lãnh đạo nữ trong lồng ghép giới và vận động chính sách vì bình đẳng giới trong thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, và (d) bồi dưỡng năng lực cho phụ nữ tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai và hành động nhân đạo.

5. Phụ nữ và trẻ em gái đóng góp và có ảnh hưởng đáng kể hơn trong việc xây dựng nền hòa bình bền vững, có khả năng chống chịu tốt hơn trước các vấn đề an ninh phi truyền thống và truyền thống đang nổi lên. Các hoạt động bao gồm: (a) tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam để đóng một vai trò thiết yếu trong thúc đẩy và thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại Việt Nam; và (b) nâng cao năng lực phân tích và vận động chính sách liên quan đến an ninh, an toàn cho phụ nữ, trẻ em trên môi trường mạng.

IMG_9037.JPG

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá, Thỏa thuận hợp tác được ký kết sẽ tiếp tục củng cố cơ chế hợp tác giữa hai bên, hướng tới hoạt động phối hợp mang tính chiến lược và hiệu quả hơn

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá, Thỏa thuận hợp tác được ký kết sẽ tiếp tục củng cố cơ chế hợp tác giữa hai bên, hướng tới hoạt động phối hợp mang tính chiến lược và hiệu quả hơn, tạo điều kiện để Hội LHPN Việt Nam và UNWomen thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình; Đồng thời bày tỏ tin tưởng việc thực hiện Thỏa thuận trong giai đoạn mới sẽ giúp các nỗ lực của hai tổ chức được nhân lên, đóng góp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và phát triển bền vững ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mang lại cả cơ hội và thách thức đối với tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women khẳng định, đây là Thỏa thuận mang tính chất chiến lược, là biểu tượng hợp tác của hai tổ chức cùng có mục tiêu phấn đấu cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam. Nội dung Thỏa thuận bao gồm nhiều lĩnh vực then chốt, toàn diện, góp phần đảm bảo để không có phụ nữ, trẻ em gái, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ nghèo, phụ nữ di cư,  phụ nữ là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới …không bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng sẽ giúp hai Tổ chức có những thảo luận và chương trình tập huấn tăng cường năng lực của cán bộ Hội cấp TW và địa phương để thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo Bà Elisa Fernandez Saenz hai lĩnh vực cần ưu tiên gồm: Vận động chính sách  , đặc biệt là các chính sách về an sinh xã hội để mọi người đều có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản nhiều hơn nữa; Các vấn đề tài chính cho bình đẳng giới, thúc đẩy cách tiếp cận để huy động được các nguồn lực cần thiết không chỉ từ quốc tế mà từ chính nội lực của Việt Nam, khối các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan để thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và sự tham gia của các bên để thúc đẩy cho bình đẳng giới.

IMG_9062.JPG

B Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại VIệt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ cùng trách nhiệm, nỗ lực để triển khai các nội dung Thỏa thuận hợp tác có hiệu quả nhất, phấn đấu đem lại nhiều lợi ích, tiến bộ cho phụ nữ, trẻ em gái, vì bình đẳng giới ở Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Tổ chức.

Nguồn https://hoilhpn.org.vn/MT