Nhằm giúp cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp có cơ sở hướng dẫn, tổ chức thành lập các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa bàn; thông qua các hoạt động tổ hợp tác, hợp tác xã hội, viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường; trao đổi, chia sẻ lợi ích trong công việc, tăng cường mối quan hệ làng xóm, cộng đồng…

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Kon Tum hướng dẫn quy trình thành lập mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã cụ thể, như sau:

  1. Quy trình thành lập tổ hợp tác
  2. Bước 1 Xác định mục đích thành lập tổ hợp tác

Mục đích thành lập Tổ hợp tác nhằm sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ…từ chính nhu cầu, nguyện vọng của hộ gia đình phụ nữ; xác định vấn đề trọng tâm cần giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đang tồn tại (cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất; tổ chức sản xuất; thu gom; chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

  1. Bước 2: Thành lập Ban vận động và các cá nhân, hộ gia đình (gọi là sáng lập viên)

– Tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương cần thành lập Ban vận động, gồm có:

+ Trưởng Ban: Đ/c Phó chủ tịch UBND xã

+ Thành viên: Cán bộ phụ trách địa chính – Nông nghiệp; Hội Nông dân; Hội phụ nữ; Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh.

– Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan về kinh tế tập thể đến hội viên, phụ nữ. Lựa chọn, tìm kiếm những hội viên, phụ nữ có trình độ, năng lực, có tâm huyết tham gia thành lập tổ hợp tác (người sáng lập viên).

– Hướng dẫn sáng lập viên có ý tưởng thành lập tổ hợp tác trong việc vận động phụ nữ tham gia THT (hộ nghèo, hộ khá, hộ giàu có thể tham gia vào tổ hợp tác). Hỗ trợ sáng lập viên về các thủ tục thành lập tổ hợp tác.

  1. Bước 3: Tuyên truyền việc thành lập tổ hợp tác:

          * Nội dung tuyên truyền: mục đích thành lập tổ hợp tác; lợi ích và thuận lợi, khó khăn của thành viên khi tham gia tổ hợp tác; quyền, nghĩa vụ của Tổ hợp tác và các thành viên khi tham gia; các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đối với tổ hợp tác.

          * Hình thức tuyên truyền: hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi hội và lồng ghép một số hoạt động tại địa phương tổ chức…

  1. Bước 4: Đăng ký, lựa chọn thành viên tham gia tổ hợp tác

Các hộ gia đình tự nguyện có đơn xin gia nhận tổ hợp tác (đa dạng các thành phần các hộ khá, hộ giàu). Các tổ hợp tác có thể từ các tổ, nhóm được thành lập từ trước hoặc thành lập mới.

  1. Bước 5. Hướng dẫn, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác

          5.1 Xây dựng hợp đồng, hợp tác: (còn gọi Quy chế tổ hợp tác; nội quy tổ; quy ước tổ, điều lệ tổ): bằng văn bản giữa các tổ viên, do sáng lập lập viên biên soạn dưới sự hướng dẫn của Ban vận động và cán bộ Hội.

Trong trường hợp cần có các quy định chi tiết cho những hoạt động cụ thể của tổ hợp tác mà mẫu hợp đồng, hợp tác chưa quy định thì tổ hợp tác xây dựng các nội dung, quy chế riêng cho từng hoạt động như: Quy chế làm việc của tổ trưởng, ban điều hành tổ hợp tác… đảm bảo không trái với quy định của pháp luật và trình hội nghị tổ viên thông qua.

          5.2 Lập danh sách đóng góp tài sản của tổ viên: Khi thành lập tổ hợp tác mà thành viên có đóng góp vốn, tài sản phải lập danh sách tổ viên đóng góp.

5.3 Lập bảng tài sản chung của tổ hợp tác: Khi thành lập tổ hợp tác mà thành viên có đóng góp vốn, tài sản phải lập bảng tài sản chung của tổ hợp tác.        5.4 Xây dựng “Đơn đề nghị chứng thực hợp đồng, hợp tác”.

          Tổ hợp tác có thể chứng thực hoặc không chứng thực hợp đồng, hợp tác. Trường hợp các tổ viên nhất trí chứng thực để được pháp luật bảo vệ một cách rõ ràng hơn về các quyền, nghĩa vụ, lợi ích đã được cam kết.

Hồ sơ chứng thực gồm:

+ 02 bản hợp đồng hợp tác có chữ ký xác nhận của tất cả các thành viên

+ Giấy đề nghị chứng thực đã điền đầy đủ các thông tin có chữ ký tổ trưởng hoặc người đại diện tổ hợp tác.

– Gửi bộ hồ sơ cho UBND xã/phường/thị trấn chứng thực vào hợp đồng.

          * Lưu ý:

Trường hợp UBND xã đồng ý chứng thực trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND xã ký, đóng dấu với 02 bản hợp đồng, hợp tác; 01 bản gửi tổ hợp tác, 01 bản UBND xã lưu.

Trường hợp UBND xã không đồng ý chứng thực: trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu UBND xã không chứng thực hợp đồng hợp tác thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Tổ hợp tác bổ sung đầy đủ và chỉnh sửa theo yêu cầu của UBND xã và thông qua hội nghị thành viên.

          5.5 Tổ chức ra mắt tổ hợp tác: sau khi hợp đồng hợp tác được chứng thực tổ hợp tác tổ chức Lễ ra mắt tổ hợp tác.

  1. Quy trình thành lập hợp tác xã (theo Luật HTX)
  2. Bước 1: Xác định nhu cầu hợp tác

Các vấn đề cần được xác định:

– Đối tượng cần hợp tác;

– Điều kiện sản xuất kinh doanh của địa phương;

– Thuận lợi, khó khăn và thách thức trong sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, các vấn đề trên cần được phân tích, đánh giá nhằm định hướng phát triển hợp tác xã.

– Mối quan tâm của địa phương

  1. Bước 2: Sáng lập và công tác vận động

          * Nhiệm vụ 1: tìm sáng lập viên

– Sáng lập viên là những cá nhân, hộ gia đình hoặc pháp nhân khởi xướng việc thành lập hợp tác xã và tham gia hợp tác xã; là người có ý tưởng thành lập hợp tác, có hiểu biết về Luật và tổ chức hợp tác xã, nhiệt tình, uy tín, khả năng, hiểu biết về những vấn đề mà hợp tác xã dự định sản xuất kinh doanh-dịch vụ, có khả năng đề xướng các chương trình và kế hoạch hoạt động của hợp tác xã

– Hội cần có sự lựa chọn và vận động sáng lập viên tham gia thành lập Hợp tác xã.

          * Nhiệm vụ 2: các sáng lập viên thực hiện một số công việc:

– Báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã về việc thành lập, trụ sở, địa điểm, phương hướng sản xuất kinh doanh và kế hoạch hoạt động của hợp tác xã.

– Tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khác có nhu cầu tham gia hợp tác xã, xây dựng phương hướng sản xuất, kinh doanh; dự thảo điều lệ hợp tác xã và các công việc cần thiết khác để tổ chức Hội nghị thành lập hợp tác xã

– Chuẩn bị những tài liệu pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của hợp tác xã

          * Nhiệm vụ 3: xây dựng dự thảo Điều lệ hợp tác xã:

Gồm những nội dung sau:

– Tên hợp tác xã, biểu tượng hợp tác xã (nếu có)

– Địa chỉ trụ sở giao dịch chính của hợp tác xã

– Ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã

– Các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục gia nhập và thôi không tham gia hợp tác xã của thành viên.

– Các quy định về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên.

– Nguyên tắc và đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

– Vốn điều lệ, của hợp tác xã.

– Vốn góp tối thiểu: mức góp, hình thức góp, thời hạn góp và điều kiện trả  lại vốn góp của thành viên.

– Thẩm quyền và phương thức huy động vốn.

– Nguyên tắc trả công, xử lý các khoản lỗ, chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên, trích lập quản lý và sử dụng các quỹ của hợp tác xã.

– Thể thức quản lý, sử dụng, bảo toàn và xử lý phần tài sản chung, vốn tích lũy của hợp tác xã khi hợp tác xã đang hoạt động và khi hợp tác xã giải thể.

– Cơ cấu tổ chức quản lý của hợp tác xã, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị, giảm đốc, phó giám đốc hợp tác xã, Ban kiểm soát, và các bộ phận giúp việc.

– Người đại diện pháp luật của hợp tác xã (là giám đốc tương lai).

– Thể thức tiến hành Hội nghị và thông qua Nghị quyết (Biên bản) của Đại hội thành viên.

– Chế độ xử lý vi phạm Điều lệ hợp tác xã và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.

– Thể thức sửa đổi Điều lệ hợp tác xã.

– Các Quy định khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với các quy định của pháp luật.

          * Nhiệm vụ 4: Xây dựng dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã

Nêu rõ các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã. Đối với từng ngành nghề kinh doanh cần đánh giá các nội dung sau:

– Đánh giá thị trường: khả năng thành viên, nông dân tiếp nhận các sản phẩm và dịch vụ do hợp tác xã cung cấp; nhu  cầu của thị trường thành viên về những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ mà thành viên hợp tác xã cần.

– Dự kiến đầu vào hợp tác xã: nguồn nguyên, nhiên liệu; nguồn vốn; nguồn lao động; nguồn công nghệ, máy móc thiết bị kỹ thuật. Khả năng, công suất, số lượng sản phẩm/thời gian, đơn giá sản xuất cho một đơn vị sản phẩm

          – Dự kiến đầu ra: thị trường tiêu thụ; giá bán; các chi phí; lợi nhuận; thu nhập thành viên tham gia; dự kiến nộp thuế; biện pháp bảo vệ môi trường; những nguyên liệu độc hại; chất thải rắn; chất thải khí; chất thải nước.

–  Mục tiêu và các giải pháp để đạt được mục tiêu:

– Dự kiến hướng phát triển hợp tác xã trong các năm tới.

          * Nhiệm vụ 5: Lập danh sách những người có nhu cầu tham gia hợp tác xã

          * Nhiệm vụ 6: Lấy ý kiến đóng góp của thành viên  về dự thảo Điều lệ hợp tác xã, Dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã

  1. Bước 3: Tổ chức hội nghị thành lập:

– Thành phần tham gia: Đại biểu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; các đoàn thể; các sáng lập viên; cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nguyện vọng trở thành thành viên hợp tác xã.

– Thời gian: Chọn thời gian phù hợp để tất cả các thành viên điều được tham gia.

– Địa điểm: Có đủ bàn ghế cho đại biểu mời và các thành viên tham gia hợp tác xã dự.

– Hội nghị cần thảo luận và thống nhất các nội dung sau:

+ Phương hướng sản xuất-kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã (Mẫu 05/ĐKKD-HTX);

+ Kế hoạch hoạt động của hợp tác xã;

+ Dự thảo Điều lệ hợp tác xã;

+ Tên, biểu tượng của hợp tác xã và danh sách thành viên tham gia;

–  Thảo luận và biểu quyết theo đa số các vấn đề sau:

+ Thông qua danh sách thành viên, số lượng thành viên từ 7 người trở lên;

+ Thông qua Điều lệ, Nội quy hợp tác xã;

+ Quyết định thành lập riêng hay không thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành hợp tác xã.

Đối với hợp tác xã thành lập một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành thì bầu hội đồng quản trị và giám đốc; Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã, quyết định số lượng phó giám đốc.

Đối với hợp tác xã thành lập riêng bộ máy quản lý và điều hành thì bầu hội đồng quản trị và chủ tịch Hội đồng quản trị trong số thành viên Hội đồng quản trị; quyết định bầu hoặc thuê Giám đốc điều hành và số lượng Phó Giám đốc hợp tác xã

Và các chức danh của hợp tác xã thành viên bầu trực tiếp gồm:

+ Ban kiểm soát và Trưởng Ban kiểm soát trong số thành viên Ban kiểm soát

+ Thông qua biên bản Hội nghị thành lập hợp tác xã

Sau Hội nghị, việc điều hành hợp tác xã do Hội đồng quản trị và Giám đốc hợp tác xã đảm trách.

  1. Bước 4: Đăng ký kinh doanh

Sau Đại hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã thực hiện các thủ tục để đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm có:

– Đơn đăng ký kinh doanh (Mẫu 02/ĐKKD-HTX);

– Điều lệ hợp tác xã;

– Số lượng thành viên, danh sách Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hợp tác xã;

– Nghị quyết, Biên bản hội nghị thành lập hợp tác xã, các thủ tục khác theo yêu cầu

Sau khi hoàn tất hồ sơ, hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính, tùy theo điều kiện của cụ thể của hợp tác xã (tùy theo hợp tác xã chọn…):

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư.

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là phòng Tài chánh – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.

          Người đại diện theo pháp luật của HTX sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh đã chọn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản.

          Hợp tác xã có tư cách pháp nhân và có quyền hoạt động kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà hợp tác xã đăng ký hoạt động thì hợp tác xã được kinh doanh những ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đồng ý với quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã sẽ có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Pháp luật./.

  1. Trách nhiệm các cấp Hội

– Xây dựng kế hoạch đi cơ sở nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, đời sống, kinh tế, việc làm và nhu cầu của hội viên, phụ nữ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

– Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp tại các cuộc sinh hoạt hội viên tại các chi/tổ phụ nữ, trêncác phương tiện thông tin đại chúng về Luật hợp tác xã năm 2012; Nghị định 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác; Chỉ Thị 19/CT-TTg, ngày 24/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp- nông dân- nông thôn; Nghị quyết số 03/NQ-TW, ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy KonTum về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020…;

– Vận động hội viên, phụ nữ tự nguyện tham gia các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thủ công nghiệp; dịch vụ sản xuất; tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

– Đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện hoạt động tập huấn về thành lập tổ hợp tác/hợp tác xã; chuyển giao khoa học- kỹ thuật; kỹ năng về tổ chức và quản lý mô hình, tiếp thị và giới thiệu sản phẩm…

– Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh KonTum hỗ trợ cho các thành viên tham gia mô hình được tiếp cận các nguồn vốn vay phù hợp, vận động các thành viên tham gia tiết kiệm hình thành nguồn vốn nội lực.

Ban HTPNPTKT Hội LHPN tỉnh