Những thành tựu 31 năm qua đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho Kon Tum sự ổn định và phát triển bền vững trong thời gian tới.

5104_thanh_phy_kon_tum_1_1

Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh trên Internet

1. Khái quát đặc điểm tình hình
Kon Tum là một tỉnh thuộc cực Bắc của Tây Nguyên, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, trong tọa độ từ 107020’15” đến 108032’30” kinh độ Đông và từ 13055’10” đến 15027’15” vĩ độ Bắc. Phía Bắc Kon Tum giáp tỉnh Quảng Nam với chiều dài ranh giới 142 km, phía Nam giáp với tỉnh Gia Lai chiều dài ranh giới 203 km, phía Đông giáp với tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài ranh giới dài 74 km, phía Tây giáp với nước CHDCND Lào (chiều dài ranh giới 142,4 km) và Vương quốc Campuchia (chiều dài ranh giới 138,3 km).
Ngày 12.8.1991, tại kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai – Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh: tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Vậy là đã 31 năm trôi qua, đến nay tỉnh Kon Tum đã trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành; ba năm gần đây mặc dù dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Kon Tum vẫn là vùng đất “tương đối yên ổn” và thu hút được đầu tư lớn từ các tập đoàn kinh tế lớn…Cùng nhìn nhận lại những thành tựu đạt được và những hạn chế cần khắc phục, tìm ra giải pháp phát huy ưu thế, hạn chế tồn tại thời gian tới nhằm xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển bền vững là việc làm cần thiết.
2. Những thành tựu và hạn chế
Trải qua 31 năm xây dựng và trưởng thành, tỉnh Kon Tum đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận sau:
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 9,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD năm 2016 lên 2000 USD năm 2021. Các nguồn lực được huy động, khai thác có hiệu quả; cải cách hành chính được đẩy mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 9,69% . Mức tăng trưởng trên là rất quan trọng, thể hiện tỉnh đã chủ động, kịp thời triển khai có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,56% so với tháng trước; tăng 3,09% so với cùng tháng năm trước; tăng 2,52% so với tháng 12 năm trước; tăng 6,78% so với kỳ gốc 2019. CPI bình quân 6 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,39%.
Môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, Kon Tum tự hào là 1 trong số ít tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên được hai tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh là TH True Milk và Vingroup với số vốn lên đến hơn 1.332 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính tăng 17,96 % so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước). Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được duy trì. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 208 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ hơn 3.931 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Hiện có 2.769 DN đang hoạt động, tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2021.    Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định, đối ngoại được đẩy mạnh; văn hóa xã hội cso nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh Kon Tum còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục như: về tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm; tính cạnh tranh về thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra: “phấn đấu đến 2025 xây dựng được ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia”[1] những đến nay đã là tháng 8/2022 tương ứng nữa nhiệm kỳ nhưng mục tiêu này chưa đạt 50%, nếu hai năm tới không có sự đột phá lớn e rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được, so với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Kon Tum vẫn còn là một tỉnh kinh tế chậm phát triển, quy mô nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên, phụ thuộc vào đầu tư của Trung ương; tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm, hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ chưa cao. Các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh chưa được khai thác, phát huy tối đa hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn là điểm nghẽn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Văn hóa, giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế; một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết triệt để. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có nơi, có lúc còn hạn chế. An ninh chính trị còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định (như vụ việc xã Ia Chim 2017-2019).
3Nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn tới
Những thành tựu 31 năm qua đã và đang tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới. Để phát huy những thành tựu đã đạt được, hạn chế những khuyết điểm, nhằm hướng đến mục tiêu như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI xác định, cần triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một làtập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại
Rà soát, bổ sung các quy hoạch về kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức huy động để khắc phục điểm yếu về kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân khi thực hiện các công trình, dự án có thu hồi đất. Hoàn thiện hệ thống giao thông có tính chất kết nối đối ngoại và nội tỉnh, phối hợp đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 14C, 24, 40, đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thành phố Kon Tum. Nâng cấp một số tỉnh lộ, đầu tư đường ra biên giới, đến cửa khẩu và đến trung tâm xã, cụm xã.
Ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, trước hết tập trung khắc phục vấn đề tiêu thoát nước, xử lý rác thải, cấp nước, điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa… lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư trung tâm xã, cụm xã, công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới và vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Hai là, thực hiện tái cơ cấu đồng bộ nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh gắn với đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà
Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật ngân sách, xử lý có kết quả tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ đọng thuế. Sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp, giảm dần trợ cấp từ ngân sách. Quản lý chặt chẽ doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực vào địa bàn, hình thành đơn vị kinh tế mạnh của tỉnh. Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân
Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại tỉnh; hình thành thị trường cung ứng nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giữ vững thành tích phòng, chống dịch bệnh sắp tới như sốt xuất huyết; đậu mùa khỉ, biến chủng BA.4 BA.5 của dịch bệnh COVID như đã từng làm với đại dịch COVID-19 (tính đến 20/10/2021, Kon Tum là 1 trong 2 tỉnh duy nhất chưa có ca COVID lây nhiễm trong cộng đồng). Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở nghiên cứu có tiềm lực và kinh nghiệm để triển khai các dự án khoa học phục vụ nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến phát triển sản phẩm mới, sản phẩm dược liệu… Rà soát, bổ sung, sửa đổi quy trình, tiêu chí lựa chọn và ứng dụng các đề tài khoa học; có chế độ khen thưởng hợp lý và hỗ trợ đối với những tổ chức, cá nhân có sáng kiến khoa học tiêu biểu.
Bốn là, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động; không để xảy ra biểu tình, vượt biên, trốn đi nước ngoài trái phép, nhen nhóm hình thành tổ chức phản động; đấu tranh xóa bỏ triệt để tà đạo Hà Mòn, ngăn chặn hoạt động trái pháp luật. Thực hiện nghiêm Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên, tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp. Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum (Ban mới được thành lập ngày 06/7/2022).
Năm là, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Có biện pháp tuyên truyền đa dạng, sát cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; đấu tranh ngăn ngừa biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng và bố trí đội ngũ báo cáo viên cấp uỷ các cấp, tuyên truyền viên thực sự có năng lực, chuyên môn phù hợp. Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính Trị chuyên đề 2022; không ngừng đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ, tích cực tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới để đạt chỉ tiêu đề ra (6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ tỉnh chỉ kết nạp được 304 đảng viên, đạt có 30,4% chỉ tiêu của năm 2022). Thực hiện tốt việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức  theo tiêu chuẩn chức danh; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Sáu là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp
Không ngừng nâng cao chất lượng của Hội đồng nhân dân các cấp trong hoạt động quyết định và giám sát. Triển khai ngay tập huấn bồi dưỡng cho Đại biểu cấp tỉnh (hiện chỉ mới triển khai tập huấn bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng cấp cơ sở và huyện). Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở tất cả các cơ quan hành chính, tiến tới từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; chăm lo xây dựng các thôn, tổ dân phố vững mạnh, an toàn.
Bảy là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh cần phát huy vai trò trong việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền; kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, tham gia với các cơ quan chức năng để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống Nhân dân ngay tại cơ sở; kiện toàn, củng cố các cơ sở hoạt động yếu kém; phân công đoàn viên, hội viên phụ trách hộ, nhóm hộ; xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở góp phần xây dựng thôn, tổ dân phố vững mạnh toàn diện.
Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị trong tỉnh, cùng sự ủng hộ và góp sức của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, hy vọng trong thời gian không xa Kon Tum sẽ trở thành một tỉnh có hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ổn định phát triển nhanh và bền vững như chủ đề mà Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Nguồn: https://www.tuyengiaokontum.org.vn/Lich-su/ky-niem-31-nam-ngay-thanh-lap-lai-tinh-kon-tum-12-8-1991-12-8-2022-kon-tum-31-nam-mot-chang-duong-4777.html


[1] Tỉnh ủy Kon Tum, Văn kiện ĐHĐB Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kon tum 2020 trang 70