Trong 5 năm qua, chị Đặng Thị Ngọc Trang ở thôn 8, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư trồng nấm hữu cơ sạch nhằm phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, mô hình của chị Trang khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển trang trại nấm của mình, chị Trang cho biết: Nhận thấy việc nuôi cấy nấm theo hướng hữu cơ phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng của người tiêu dùng, lại có chút kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm từ trước, năm 2015, tôi cùng gia đình quyết định xây dựng trang trại trồng nấm sạch. Với số vốn tích góp được cộng với tiền vay ngân hàng, tôi xây dựng trang trại nấm với quy mô hơn 1.000m2 (gồm 2 nhà kín để trồng nấm). Đến nay, trang trại duy trì sản xuất trên 30.000 bịch phôi/năm; trong đó, nấm bào ngư duy trì số lượng 20.000 bịch/năm, còn lại là các loại nấm khác như linh chi, nấm mèo và sò trắng.

Chị Trang cho hay, để trồng nấm phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là quy trình xử lý meo giống. Nếu xử lý meo tốt sẽ cho chất lượng nấm đẹp, năng suất cao, ít bệnh; ngược lại, nếu không làm tốt công đoạn trên thì sẽ dễ bị bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nấm.

chi-dang-thi-ngoc-trang-trong-khu-san-xuat-nam-bao-ngu-cua-minh

Chị Đặng Thị Ngọc Trang trong khu sản xuất nấm bào ngư của mình. Ảnh: HT

Chị Trang giải thích, mỗi loại nấm thích hợp với những điều kiện chăm sóc nhất định, nếu không cẩn thận có thể gây thất thoát hàng loạt, dẫn đến thua lỗ. Nhưng nếu nắm được kiến thức về nấm, ưu nhược điểm của từng loại thích hợp với môi trường khí hậu ra sao và kỹ thuật làm trại nuôi trồng, việc chọn nguyên liệu, chăm sóc… đầy đủ thì việc triển khai mô hình trồng nấm này hoàn toàn không khó.

“Để sản xuất phôi giống phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc cấy meo giống vào túi lúa rồi tiến hành đóng vào bịch nguyên liệu… cho đến việc hấp thanh trùng, khử độc tất cả các bịch phôi giống trước khi đưa vào nhà kín để nuôi trồng. Sau thời gian khoảng 2 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng. Mỗi năm trang trại xuất bán khoảng 15 tấn nấm, mang về lợi nhuận trên 400 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập trung bình mỗi tháng 4 triệu đồng/người” – chị Trang cho biết.

Với mong muốn đưa nghề trồng nấm hữu cơ của gia đình mình phát triển, chị Trang đã nhân rộng mô hình trồng nấm tại Tân Cảnh bằng việc hỗ trợ giống và kỹ thuật cho các hộ có mong muốn vươn lên làm giàu từ trồng nấm. Hiện tại, chị Trang đang hoàn tất thủ tục hồ sơ pháp lý để thành lập HTX nấm sạch tại địa phương với 7 thành viên tham gia. Ngoài ra, chị còn ấp ủ nhiều dự định lớn như mở thêm trang trại trồng nấm mối và nấm dược liệu.

Chị Trang chia sẻ: “Với thời gian thu hoạch nhanh, hiệu quả cao lại tận dụng được nguyên liệu sản xuất từ nông nghiệp như mùn cưa, rơm, rạ… triển vọng từ mô hình trồng nấm đang rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về các sản phẩm từ nấm đang ngày càng tăng cao; vì đây là loại thực phẩm sạch, không có chất bảo quản hay thực phẩm làm thuốc…”.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, trồng nấm đang là hướng đi mới trong định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn, định hướng trong sản xuất. Hiện, xã đang rà soát và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nấm sạch trên địa bàn; qua đó thúc đẩy việc sản xuất gắn với tiêu thụ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo ra bước phát triển mới cho mô hình trồng nấm sạch tại địa phương trong thời gian tới.

Hoàng Thanh. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT