Tranh thủ ngày nghỉ trong thời điểm nông nhàn, bà Y Đăng ở làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy lại đem khung cửi ra dệt thổ cẩm. Bà bảo rằng, cứ đôi ngày bận việc, không bày khung ra dệt, bà lại thấy nhớ. Dệt thổ cẩm với bà như là cách để trải lòng, để kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai và cảm nhận niềm vui từ cuộc sống.

Vang bóng một thời

Mới 8 giờ sáng, khi tôi đến nhà, bà Y Đăng ở làng Lút đã ngồi vào khung dệt từ lúc nào. Nở nụ cười hiền chào khách, đôi bàn tay bà lại thoăn thoắt bên khung dệt. Nhìn cách bắt chỉ, chăm chút từng hoa văn, chúng tôi cảm nhận tình cảm bà dành cho từng sản phẩm thổ cẩm và nỗi niềm của một nghệ nhân.

Như hiểu được thâm ý của tôi, anh A Bin, cán bộ phụ trách Văn hóa – thông tin xã Ya Tăng bộc bạch: Bà dệt đẹp nhất làng, yêu nghề, nặng nợ với nghề và có công trong việc giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng, ở xã. Xã đề nghị cấp trên công nhận bà là nghệ nhân, nhưng đến nay, không biết vì lý do gì vẫn chưa được công nhận. Xã đang chờ Nhà nước công nhận bà là nghệ nhân để bà tiếp tục phát huy tay nghề và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở địa phương.

Gắn bó và nặng nợ với nghề, bà Y Đăng thổ lộ việc dệt thổ cẩm là cách để trải lòng, để chân tay khỏi thô cứng, để vận động trí não lưu giữ lại hoa văn tinh tế qua từng sợi chỉ, để kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai và cảm nhận niềm vui từ cuộc sống.

Vừa đắm mình với khung dệt, bà Y Đăng vừa trao đổi: Ngày trước, người phụ nữ Gia Rai nào ở làng Lút, xã Ya Tăng cũng biết trồng bông, xe sợi và dệt thổ cẩm. Dệt thổ cẩm là nhu cầu thiết thân để có sản phẩm dùng cho chính mình và gia đình. Nếu như người con gái nào lớn lên không biết dệt thổ cẩm thì được dân làng cho là kém cỏi, khó “bắt” được chồng.

153351Niềm vui người dệt

Niềm vui nghề dệt. Ảnh: VN

Ý thức được điều này, cũng như chúng bạn cùng trang lứa, khi còn niên thiếu, mặc dù mẹ, bà mình mất sớm, nhưng cô gái Y Đăng chịu khó học dệt từ các bà, các mẹ trong làng. Chăm chỉ và sáng trí, Y Đăng sớm thành thạo việc dệt thổ cẩm. Trước khi có chồng, Y Đăng đã tự trồng bông, xe sợi, nhộm sợi và dệt được những tấm thổ cẩm có các hoa văn tinh xảo khác nhau.

Để làm nên một tấm vải, bà Y Đăng cho rằng, bà cũng như phụ nữ Gia Rai phải tốn nhiều thời gian. Thường thì cuối mùa khô, khi con ong kết những giọt mật đặc trong tổ trên rừng, người phụ nữ Gia Rai phát dọn nương rẫy, chọn những khoảnh đất tốt để chuẩn bị gieo hạt bông. Sau những cơn mưa đầu mùa đất ẩm, cùng với tỉa lúa, bắp, người phụ nữ gieo những hạt bông lên các khoảnh đất tốt được chọn đó. Đất tốt, cây bông phát triển tốt, quả bông nở to, đều. Và khi thu hoạch bông đem về xe sợi, sợi bông sẽ mịn, đều và đẹp.

Để nhộm sợi bông dệt nên những tấm thổ cẩm là một quá trình. Theo bà Y Đăng, để có nước nhộm sợi bông, người phụ nữ phải xuống suối bắt những con prơêch (ốc) nung chín thành than; vào rừng chặt cây chuối phơi khô đốt lấy tro, chặt cành lá cây hlamo (chàm) đem về vò nát bỏ vào nồi, đổ nước vào rồi đậy kín lại. Sau 1-2 tháng, vớt xác lá hlamo trong nồi ra, để lại nước lá cây màu xanh. Lấy bột tro than ốc, tro chuối đổ vào nồi nước màu lá cây ngâm cho màu lắng xuống đáy son nồi và lấy nước màu để nhộm sợi bông.

Thường thì màu sợi bông xanh đen, đậm, nhạt là do màu lá cây hlamo pha chế với các sản phẩm trên. Các màu vàng, màu đỏ của sợi bông được nhộm bằng nước màu từ củ nghệ, vỏ cây, rễ cây rừng.

Nặng nợ với thổ cẩm

Trầm tư ôn lại các công đoạn làm thổ cẩm một thời, bà Y Đăng lại cất giọng trầm ấm: Việc trồng bông, xe sợi, nhộm sợi, dệt thổ cẩm tốn nhiều công sức. Do vậy, khi sợi len, sợi chỉ trên thị trường ngày càng nhiều, giá rẻ, bà cũng như các chị em phụ nữ không còn trồng bông, xe sợi để làm nên những tấm thổ cẩm tự nhiên nữa. Ngày nay, bà và các chị em trong làng Lút giữ nghề dệt bằng sợi chỉ, sợi len.

Tuy không còn trồng bông, xe sợi như xưa, nhưng bà Y Đăng vẫn còn giữ những sản phẩm thổ cẩm tinh tế bằng sợi bông, mát bền, đẹp do chính mình làm ra. Những sản phẩm thổ cẩm này, bà cất giữ như báu vật, thi thoảng có sự kiện lớn mới đem ra dùng hoặc giới thiệu với du khách.

153432Cán bộ xã Ya Tăng và bà Y Đăng đang giới thiệu hoa văn trên sản phẩm thổ cẩm

Cán bộ xã Ya Tăng và bà Y Đăng đang giới thiệu hoa văn trên sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: VN

Sản phẩm thổ cẩm giá trị, chất lượng, tinh tế hay không là bên cạnh sợi bông, sợi chỉ mịn màng, còn ở đường nét hoa văn sắc nét, đối xứng và không lỗi khi dệt. Sản phẩm thổ cẩm của người Gia Rai ở làng Lút nói riêng và ở địa phương khác trong tỉnh nói chung mà tôi thường gặp là những hoa văn hình bông lau, vuông, thoi, tam giác, chân rết, úp móc nhau, mắt chim, xoắn. Sắc màu trên các hoa văn thường là hồng, vàng, xanh, tím, trắng được kết hợp một cách hài hòa nền xanh đen, xanh thẫm một cách trang nhã, làm tôn vinh vẻ đẹp người sử dụng.

“Trong các hoa văn thổ cẩm của người Gia Rai, khó nhất là dệt hoa văn bông lau. Chỉ có những người phụ nữ lành nghề, yêu nghề mới dệt được hoa văn bông lau. Không như thêu, người thêu thường thêu chỉ trên nền mẫu màu có sẵn. Dệt hoa văn, đòi hỏi người phụ nữ phải ghi nhớ từng đường nét hoa văn trong đầu mới có thể lựa chọn từng sợi bông, sợi chỉ để bắt chỉ và dệt”- bà Y Đăng giãi bày.

Thật vậy, nhìn các tấm thổ cẩm và các sản phẩm thổ cẩm do bà Y Đăng dệt, tôi thấy các hoa văn khá cầu kỳ và bắt mắt. Đường nét hoa văn tỉ mẩn, đối xứng, hài hòa và tinh tế. Người dệt chỉ cần lơ đễnh khi bắt chỉ hay khi dệt là làm hỏng hoa văn. Nếu hoa văn không đúng hình thù, tấm thổ cẩm sau khi dệt sẽ bị chị em dệt lành nghề chê cười, mất giá trị.

Để nghề dệt thổ cẩm phát triển

Điều làm bà Y Đăng lo lắng hiện nay là lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến nghề dệt. Ở làng Lút, lớp trẻ đến nhà bà chơi, thấy dệt thổ cẩm chỉ nhìn lướt qua, cười, rồi bỏ đi, không mặn mà với thổ cẩm. Gặp những trẻ như vậy, bà Y Đăng cảm thấy buồn.

“Không phải bà không yêu thương, không mặn mà chỉ dạy, mà lũ trẻ trong làng không muốn học dệt. Chính vì vậy, mấy năm nay, bà chỉ truyền nghề dệt được cho hai cháu gái Y Til, Y Dắt nhà bên thôi”- bà Y Đăng phân trần.

Nhìn các sản phẩm thổ cẩm (chăn đắp, áo, váy, khố…) được bày biện, giới thiệu, tôi biết bà Y Đăng nặng nợ, đau đáu với nghề dệt thổ cẩm. Mà không lo, không đau đáu sao được khi những người mặn mà với nghề dệt thổ cẩm như bà Y Đăng ở làng Lút chỉ đếm không quá 5 đầu ngón tay. Người dệt thường xuyên như bà Y Đăng, ở làng Lút chỉ còn hai người nữa là Y Tắt, Y Rỗi.

Làm gì để giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ với bà Y Đăng mà còn là với cấp ủy, chính quyền địa phương. Để trả lời câu hỏi này không dễ, nếu không gắn với việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trước yêu cầu từ cuộc sống đặt ra và từ mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TU đang hướng đến, dưới góc độ cán bộ phụ trách Văn hóa – thông tin xã, A Bin mạnh dạn đề nghị: Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, công nhận những người tâm huyết, có khả năng truyền dạy thổ cẩm ở địa phương như bà Y Đăng là nghệ nhân để động viên tinh thần và đồng thời chính quyền địa phương có cơ sở mời nghệ nhân truyền nghề dệt thổ cẩm khi có kế hoạch; đồng thời gắn việc phát triển thổ cẩm ở xã Ya Tăng với việc phát triển các điểm du lịch như thác nước Ya Yang (xã Ya Tăng), khu tưởng niệm Chư Tan Kra (Ya Xiêr), Vườn quốc gia Chư Mom Ray để giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với du khách.

Gắn việc phát triển nghề thổ cẩm, sản phẩm thổ cẩm cũng như các nghề, sản phẩm truyền thống khác với các điểm du lịch để vừa góp phần thu hút khách du lịch, tiêu thụ sản phẩm, vừa giới thiệu giá trị bản sắc văn hóa với du khách là vấn đề đòi hỏi các địa phương tính đến. Và đây cũng là mục tiêu mà Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã xác định./.

Văn Nhiên. Nguồn: baokontum.com.vn