Vậy là ông đã về cõi sử thi, về với núi Ngọk Ngát, về với suối Tea Ui, để lại cho không chỉ đất Đăk Ui, người Đăk Ui niềm thương tiếc xen lẫn tự hào về người con anh hùng nhưng cuộc đời bình dị, khoáng đạt như suối và vững chãi, kiên trung như núi quê hương…

1. Già A Tranh ơi, tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi quắc thước trước sân nhà, nhớ như in nụ cười hiền hòa khi tôi hỏi chuyện. Hôm ấy, một ngày cuối năm 2015, khi đẩy cánh cổng sắt đi vào khoảng sân rộng, đã thấy một cụ ông ngồi chuốt nan đan gùi. Thỉnh thoảng, cụ ông buông dao, xa xăm nhìn về đỉnh Ngọk La mờ sương phía trước, nơi lưu giữ lại những dấu ấn một thời đạn bom, hào hùng

Dù mắt không còn nhìn rõ ngọn núi Ngọk Ngát, Ngọk La, tai không còn nghe được tiếng suối Tea Ui chảy, nhưng mỗi buổi chiều về, ông vẫn bắc ghế ngồi trước sân nhà nhìn xa về hướng núi đồi, sông suối.

Nơi ấy, phía núi đồi chập chùng và sông suối vây quanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Tranh đã sống qua tuổi thơ dữ dội, qua tuổi trẻ mưa bom bão đạn, bằng những chiến công góp phần làm nên một Đăk Ui “lá cờ đầu đánh Mỹ” của Tây Nguyên anh hùng…

a tranh

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Tranh

Và rồi, làng Kon Pông hiện lên qua lời kể run run của ông. Hồi ấy, Kon Pông là một làng khá giàu có, nằm dựa lưng vào núi Ngọk Ngát, hướng về phía mặt trời mọc, suối Tea Ui uốn quanh. Con suối ấy lúc hiền hòa như người con gái Xơ Đăng, khi hung dữ, chỉ có những trai tráng dũng mãnh, nhanh nhẹn và gan dạ mới có thể vượt qua.

Giữa làng là nhà rông cao vút và thiêng liêng, kết nối mọi nóc nhà trong làng. Bếp lửa giữa nhà rông âm ỉ cháy, suốt ngày đêm không bao giờ tắt, dù là vào những ngày gian khổ nhất…

A Tranh không phải là tên thật của già đâu – tôi còn nhớ già rủ rỉ như vậy – hồi nhỏ, mình được cha mẹ đặt tên là A Niếc…

Từ khi còn nhỏ, cậu bé A Niếc đã đắm mình trong những câu chuyện người già kể bên bếp lửa nhà rông. Từ chuyện đuổi thú dữ giữ làng, giữ gia súc; chuyện săn bắn, mùa màng đến chuyện nổi lên chống thực dân Pháp bắt xâu, bắt lính.

Cũng như người lớn trong làng, nhiều đêm A Niếc thức chong mắt không ngủ, nghĩ mà thù giặc Pháp đốt nhà, cướp heo, bò, rượu ghè của người Xơ Đăng ta. Có những chuyện từ ngày nào ngày nào, cũng có những câu chuyện đang xảy ra…

Người già nói, tụi Pháp ác như con hổ, con báo trên rừng. Chúng xộc vào làng đốt nhà, bắt heo, gà; bắt người Xơ Đăng, người Ba Na, Giẻ Triêng… đi xâu, đi lính. Chúng đánh đập, hành hạ, bỏ đói người mình…

A Niếc thích nhất là chuyện dân làng Ngọk Rằng, Kon Tu, Kon Hra, Wang Tó, Kon Klâng, Tam Năng, Kon Pông (Đăk Ui ngày nay) thành lập một đội quân do A Pờ ở làng Tam Năng làm chỉ huy, đóng trên đồi Ngọk Kôm để tập luyện.

Du kích lấy khúc cây quấn vải rồi đeo vào sau lưng làm súng, tập hợp thành hàng dài, thắng tắp. Đội du kích chỉ có cung, ná, chông, thò… nhưng được bà con dân làng ủng hộ dựng hàng rào bố phòng, sẵn sàng đánh trả đến cùng.

Những câu chuyện kể ngấm vào lòng A Niếc khi nào không rõ. Từ đó, lũ trẻ con như A Niếc cũng học theo người lớn, tập đánh trận. Vũ khí là mác bằng tre, súng bốc bằng ống le, đạn bằng hạt bời lời.

Lớn hơn một chút, A Niếc đã tự làm cho mình 1 cái nỏ, tuy nhỏ hơn của người lớn, những cũng có thể bắn được.

Rồi một ngày, A Niếc cũng bị bắt đi xâu. Trong suốt 6 năm (1947-1953), A Niếc bị ép đi làm đường, làm cầu Đăk Bla, Đăk Cấm, Đăk Ui, Kon Rẫy…

Sau khi về làng (năm 1954), A Niếc cùng thanh niên trong làng tham gia du kích. Đầu năm 1954, Kon Tum hoàn toàn giải phóng, cán bộ cách mạng về làng giúp bà con xây dựng cuộc sống mới, A Niếc tích cực tham gia hoạt động, xây dựng cơ sở bí mật, lập căn cứ cách mạng, vận động người dân che chở, cưu mang cán bộ cách mạng trong giai đoạn đen tối nhất sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Trải qua rèn luyện, chiến đấu, A Niếc trở thành lớp cán bộ kiên trung, vững vàng trên vùng đất Đăk Ui quật cường, và cũng bị địch lùng bắt ráo riết nhất. Chúng giao cho 6 chủ làng tìm cách bắt hoặc giết anh cho bằng được.

A Niếc đổi tên thành A Tranh từ đó…

2. Cuộc “thử lửa” đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ của Đăk Ui là trận chống càn tháng 3/1961.

Già A Tranh nhớ lại: Trong những ngày đen tối nhất sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 2/1957, già vinh dự được kết nạp vào Đảng; năm 1960, Chi bộ Đăk Ui được thành lập, già được cử làm Bí thư, tháng 1/1961, làm Chủ tịch xã Đăk Ui, thì tháng 3/1961, lần đầu tiên ở Đăk Ui đã nổ ra đấu tranh vũ trang.

Hôm ấy, hơn một trăm tên địch kéo lên lên càn vùng căn cứ Đăk Ui. Theo kế hoạch, du kích và dân làng đã cắm chông, làm hầm chông, thò, bẫy và bí mật phục ở bìa rừng.

Hơn 100 tên địch ngênh ngang kéo vào làng Kon Pông thì du kích và dân làng bắn tên, giật bẫy. Địch rú lên, bỏ chạy, thằng bị sập hầm chông, thằng bị bẫy thò xuyên thủng người…

Trong trận ấy, A Tranh chỉ huy 3 du kích với 3 khẩu súng trường phục kích ở đồi Ngó Ngách tiêu diệt nhiều tên địch.

Trận chống càn đầu tiên thắng lợi, quân ta không ai bị thương vong, du kích Đăk Ui được Huyện đội H16 biểu dương, khen ngợi.

Sau đó, địch càn quét liên tục vì Đăk Ui được Khu ủy 5 chọn xây dựng một phân xưởng quân giới, xây dựng lò nấu sắt, luyện gang để đúc vũ khí, dân làng phải chuyển làng liên miên.

A Tranh nói với bà con trong làng: “Muốn đánh thắng giặc xâm lược phải cần rất nhiều người, làm rất nhiều việc… và chỉ đi theo Bác Hồ, có Đảng, có cách mạng chỉ lối thì chúng ta mới được ăn no, mặc ấm, được tự do, hạnh phúc thực sự…”. Người dân Đăk Ui một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên cường bám làng, đánh địch.

Năm 1962, khoảng 100 tên địch từ Kon Tum theo đường mòn qua làng Kon Rgõ để đến làng Ngọk Rằng, Wang Tó rồi đến Tam Năng để bắt dân. A Tranh đã tổ chức đưa dân tránh hết vào rừng.

Địch vào làng không có người đã tức tối châm lửa đốt nhà rông. A Tranh chỉ huy 20 du kích quần nhau với địch quanh đồi Ngọk Ngát. Với 2 khẩu súng trường và 5 viên đạn, A Tranh và 1 du kích nữa đã bắn chết tại chỗ 4 tên địch.

Năm 1965, A Tranh đã vận động đưa 600 dân từ ấp chiến lược của địch về vùng căn cứ. Năm 1966, A Tranh được điều về làm Huyện đội phó H16 phụ trách tác chiến chỉ huy bộ đội kết hợp với các đồng chí xã đội phối hợp tác chiến chống càn, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.

Năm 1968, chiến tranh càng ác liệt, A Tranh bị đạn pháo cối găm vào chân phải, bác sĩ quân y bảo phải cắt ngón chân nhưng ông vẫn quyết cắn răng chịu đau – quyết giữ bằng được cái chân để không bị ghép vào đội ngũ bị thương phải trở về tuyến sau, không đánh giặc được

Cuối năm 1970, A Tranh được Đảng cho ra Miền Bắc học nhưng luôn theo dõi tình hình ở quê hương. Năm 1971, A Tranh liên tiếp nhận được tin vui vì được biết Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương xã Đăk Ui là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng căn cứ giỏi, sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi trong toàn B3, được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; bản thân ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 7/1974, từ miền Bắc về lại Đăk Ui, điều khiến A Tranh buồn nhất là ông không còn được gặp những người con trai, con gái của Đăk Ui (có đến 70 người nam, nữ của Đăk Ui đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước); nhiều người bạn cùng thời còn sống thì chịu cảnh đơn chiếc.

Những năm sau, A Tranh được điều động về làm Chủ tịch Mặt trận huyện Kon Plông làm nhiệm vụ tìm và đưa đón dân trở về làng cũ hoặc những vùng đất tương đối bằng phẳng để tiện sản xuất. Tháng 8/1979, ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế mới của thị xã Kon Tum làm nhiệm vụ đưa bà con về làng cũ định canh định cư, đón bà con vùng xuôi ở nơi khác đến, vận động bà con làm ăn theo phương thức mới. Ông lại bắt đầu những ngày bám dân tuyên truyền tách hộ, lập vườn; vận động và hướng dẫn bà con trồng lúa nước…

Đến bây giờ, người già vẫn còn nhớ, kể lại cho con cháu nghe chuyện già A Tranh và bộ đội bền gan vận động bà con đã thay đổi suy nghĩ, làm nên một cuộc cách mạng trên đồng ruộng: khắp nơi đều đua nhau làm lúa nước. Từ chỗ không làm lúa nước đến việc chỗ nào dẫn được nước là làm. Những cánh đồng lúa nước cứ mở rộng, cứ trải dài mãi, quanh năm xanh tốt…

Bây giờ thì già A Tranh của Đăk Ui, Anh hùng lực lượng vũ trang A Tranh đã về với núi đồi, sông suối quê hương. Những ngày nay mưa sụt sùi, như tiễn đưa, như tiếc thương người con anh hùng đã về với đất mẹ anh hùng. Nhưng tôi như vẫn thấy già bắc ghế ngồi trước sân nhà nhìn về hướng núi đồi, sông suối, dù mắt không còn nhìn rõ ngọn núi Ngọk Ngát vững chãi, tai không còn nghe được tiếng suối Tea Ui chảy…

Tú Quyên

Nguồn: http://baokontum.com.vn (24/7-HT)