Suốt 12 năm qua, bà Y Thảo (50 tuổi, ở thôn 8 xã Đăk La, huyện Đăk Hà) vượt qua điều tiếng của dư luận và sự cấm cản của gia đình để cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài ruộng.

Những tia nắng chiều phủ lên căn nhà xập xệ cuối thôn 8 (Đăk La, Đăk Hà). Đây là nơi ở của 2 mảnh đời không máu mủ ruột rà bà Y Thảo và cháu Y Thương.

Theo lời kể của bà Y Thảo, 12 năm trước, khi đang làm ruộng, bà phát hiện một bé gái sơ sinh chừng hai tháng tuổi ở con đường nhỏ ven ruộng. Xót thương, bà bế về làm thủ tục nhận nuôi và đặt tên là Y Thương. Thời gian đầu, cháu Y Thương đau ốm triền miên do thiếu chất và bà chưa có kinh nghiệm chăm nuôi. Nhà nghèo, bà Thảo phải chạy vạy khắp nơi để có tiền lo cho con. Đến khi tiền chữa bệnh và mua sữa cho con quá nhiều, bà phải xin gia đình bán đi hai con bò lấy tiền trang trải cuộc sống và nuôi con.

Khi Thương lớn hơn chút nữa, bà phải tìm đủ nghề để kiếm sống. Từ cắt cỏ bò, làm cỏ cà phê, gặt lúa, ngày công chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng, bà đều dành mua sữa cho con.

“Không có tiền, mình phải đi làm chứ sao. Trên lưng gùi hàng, phía trước bụng thì địu con. Sáng hay chiều, nắng mưa cũng mang bé đi theo. Nhiều hôm tôi và con bị ngã vì mệt và quá nặng. Dù khổ nhưng phải cố gắng vì con” – bà Y Thảo kể.

154050Dù không máu mủ nhưng hai mẹ con vẫn vui vẻ, yêu thương nhau suốt bao năm qua - Ảnh Thu Hiền

Bà Y Thảo và con gái. Ảnh: T.H

Những ngày đầu tập làm mẹ, bà Y Thảo cứ lúng túng như “gà mắc tóc” vì không có kinh nghiệm. Lâu dần, bà Thảo đã biết cách pha sữa, xắt nhỏ thịt nấu cháo, chắt nước gạo thay sữa cho con. Từ đứa trẻ non nớt đau ốm triền miên, nay Y Thương đã là cô bé 12 tuổi khỏe mạnh và đang theo học lớp 7 (Trường Tiểu học – THCS Lương Thế Vinh, thôn 9, xã Đăk La).

Điều đáng trân trọng ở bà Thảo chính là ý chí, dũng cảm và tấm lòng nhân hậu. Khi bà Thảo nhận nuôi đứa trẻ sơ sinh đã gặp phải sự cấm cản từ gia đình và sự bàn tán xôn xao của xóm giềng. Những người độc miệng thì mỉa mai, dè bỉu. Thậm chí, bà con xóm giềng còn nói bà bị “khùng”.

Bà Y Thảo kể, có lần Y Thương cuống cuồng chạy về nhà tìm mẹ khóc nức nở vì bị trêu ghẹo là con rơi. Khi ấy, bà Thảo chỉ biết ôm con vào lòng mà dỗ dành, an ủi.

“Thấy con vậy tôi xót lắm. Chẳng thà mình không đem về nuôi, chứ nuôi rồi lại bỏ thì tội lắm. Mình thương người ta như thế nào thì sau này cũng có người thương mình như thế”- bà Y Thảo bộc bạch.

Bà Thảo vốn sống cùng mẹ già và người em gái đã có gia đình. Nay có thêm người con nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng hơn nhưng bà Thảo vẫn cố gắng chăm sóc và quyết cho Y Thương được đến trường.

“Tôi hối hận vì trước đây không đi học. Biết cái chữ đi ra ngoài đỡ vất vả hơn nhiều. Tôi không muốn con giống mình khi trước, nên giờ  dù khó khăn, vẫn quyết tâm cho con đi học. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì miễn là kiếm được tiền để lo cho Y Thương ăn học”- bà Y Thảo nói.

154143Hoàn cảnh khó khăn Y Thương phải sấp người trên chiếu học bài - Ảnh Thu Hiền

Y Thương luôn cố gắng học tập. Ảnh: TH

Ngồi nép bên mẹ, Y Thương cho biết, đường từ nhà đến trường hơn 2km nhưng Thương chưa bỏ buổi học nào. Hai năm trở lại đây, ngoài giờ học, em phụ giúp mẹ việc nhà; buổi nào được nghỉ thì đi lượm phân bò, cắt cỏ để phụ giúp cùng mẹ.

“Lúc lên lớp 4 em mới biết mình không phải con ruột của mẹ. Em buồn lắm. Sau đó mẹ đã giải thích, em hiểu ra mẹ đã vất vả nuôi em từ bé. Em không buồn nữa mà yêu thương, càng kính trọng mẹ nhiều hơn”- Y Thương kể.

Nói về ước mơ sau này, Y Thương cho hay em muốn được đi học và xa hơn là học đại học. Nhưng giờ thấy mẹ khổ quá nên chỉ mong có sức khoẻ để giúp mẹ nhiều hơn, đồng thời sẽ cố gắng học tập, lao động để sau này đỡ khổ.

Ông Trần Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết, hoàn cảnh của chị Y Thảo rất khó khăn. Tuy nhiên vì hai mẹ con sống chung với mẹ và em gái nên không thuộc diện hộ nghèo. Nhưng, khi nào có các nguồn xã hội hoá, các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm, xã đều tạo điều kiện để hỗ trợ cho hai mẹ con chị Thảo giúp chị bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thu Hiền. Nguồn: https://www.baokontum.com.vn/MT