Măng Ri bây giờ đã vào mùa mưa. Những cơn mưa không báo trước chẳng có gì là bất ngờ nhưng đôi khi cũng khiến mọi người phiền lòng vì phải dang dở công việc.

Cũng may là vừa lên rẫy chiều qua, thì sáng nay đổ mưa. Y HLạng dậy sớm, dọn dẹp lại nhà cửa. Nếp sàn thoáng rộng. Chiếc khung cửi mắc ở chỗ sáng, gần cửa được chị gỡ xuống, nhẩn nha từng đường sợi. Chăm chú phối ghép nhiều đoạn đen, đỏ, xanh, trắng…, chẳng mấy chốc, đã dần thành hình tấm thổ cẩm sắc màu.

Căn nhà sàn đơn sơ bằng nứa gỗ được vợ chồng Y HLạng dựng lên 4 năm nay. Bà con trong làng thường xuyên qua lại hỏi han công việc, chuyện trò những khi rảnh rỗi. Ngày trước, đây là nơi anh chị em cán bộ các cấp thường ghé qua; có hôm nghỉ lại, mỗi lần về Măng Ri công tác. Gần đây, nhà chị còn là nơi tìm tới của du khách gần xa; những mong được tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng ở vùng căn cứ kháng chiến dưới chân núi Ngọc Linh, nơi đứng chân cơ quan Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hôm nay, lại có khách từ nơi xa ghé thăm. Không chỉ hòa mình vào sinh hoạt hàng ngày đơn sơ, dân dã cùng gia đình Y HLạng, điều quan tâm nhất là họ muốn tìm hiểu về sâm dây và mua sâm dây về sử dụng.

Gùi củ sâm dây “vừa tuổi” đã được Y Hlạng nhổ từ rẫy về, rửa sạch, để sẵn. Rẫy trồng sâm dây cách nhà cả chục cây số. Ngày trước, chị thường đi bộ. Bây giờ,  xe máy vẫn chưa thể tới nơi.

Cũng như sâm Ngọc Linh, sâm dây là cây truyền thống của vùng núi có đỉnh cao được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Tuy vậy, trong khi sâm Ngọc Linh là loài “thuốc giấu” quý hiếm, chỉ mọc dưới tán rừng vùng sâu, địa hình đặc thù; thì sâm dây “dễ tính” hơn, vì mọc lan ở trên đồi rẫy, đất trống, cũng bởi nó là loại thân thảo cần nhiều ánh nắng để quang hợp.

Ngày trước, sâm dây mọc nhiều ở vùng rẫy cao, không cần chăm sóc; nhưng khi đã được biết đến với giá trị hàng hóa không thể phủ nhận, mọi việc đã khác. Từ năm 2014, sâm dây hoang dã được đưa về trồng trên rẫy, trong vườn ở làng Pu Tá (xã Măng Ri). Chính Y HLạng là người đi đầu trong “hành trình đổi mới”, để có thể tạo ra một “cuộc cách mạng” trong sản xuất của đồng bào Xơ đăng; tuy chưa hẳn to tát, lớn lao, nhưng thực sự mang lại ý nghĩa và hiệu quả trong lối nghĩ, cách làm của người dân địa phương.

Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ, chị Y HLạng mạnh dạn triển khai mô hình thí điểm. Vừa làm vừa học, chẳng màng nhọc nhằn, vườn sâm dây của chị Y HLạng đã mang lại kết quả khá tốt khiến mọi người yên lòng, vững tin. Thành công của mô hình là cơ sở để Hội LHPN tỉnh rút kinh nghiệm, nhân rộng, hỗ trợ các chị em phụ nữ ở các xã Măng Ri, Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông và các xã Ngọc Linh, Mường Hoong của huyện Đăk Glei.

Nhờ chịu khó vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những năm qua, Y HLạng luôn duy trì vườn sâm dây 1ha. Lần đầu tiên, một sào chị thu 1,5 tạ củ sâm dây tươi. 2 năm gần đây, năng suất tăng lên từ 2,5-3 tạ/sào. Giá sâm dây bán từ 60.000-100.000 đồng/kg (củ tươi) và dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg (củ khô). Với giá cả như trên đã giúp người trồng sâm dây yên tâm chuyển hướng đầu tư trên đất rẫy.

20190704154450trang-4-chi-y-hlang-voi-sam-day

Chị Y HLạng với sản phẩm sâm dây. Ảnh: TN

Với Y HLạng, sâm dây không chỉ góp phần giúp gia đình chị thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng, mà còn mang lại nguồn giống đáng kể để cung ứng và hỗ trợ bà con có nhu cầu trồng, chăm sóc loại cây này.

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Măng Ri, những năm qua, chị Y HLạng luôn bám sát địa bàn, gần gũi bà con; quan tâm tập hợp, đoàn kết rộng rãi quần chúng vào các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đặc biệt, chị tiên phong cùng các hội đoàn thể của xã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trong làng, trong xã học cách trồng, chăm sóc cây sâm dây, sâm Ngọc Linh và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê xứ lạnh, bời lời đỏ.

Đến nay, Măng Ri đã phát triển được 2ha sâm Ngọc Linh, gần 40ha sâm dây. Thu nhập của các hộ dân trên địa bàn từng bước nâng cao, góp phần giảm được tỉ lệ hộ nghèo. Riêng thôn Pu Tá, tỉ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2012- 2018 giảm từ 54% xuống 45%.

Với những đóng góp tích cực cho địa phương, những năm qua, chị Y Hlạng đã vinh dự 2 lần được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen.

Song song với tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện tại, chị Y Hlạng còn cố gắng vận động bà con thôn Pu Tá chuẩn bị chu đáo các điều kiện để làm quen với hướng đi mới – du lịch cộng đồng, mà chính chị cũng là người đang tiên phong tạo lập.

Thanh Như

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT