Đã thành truyền thống từ bao đời nay, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Muôn dân đất Việt dù ở đâu, làm gì, đến ngày này cũng hướng lòng mình về nơi nguồn cội với niềm tự hào là “Con Lạc cháu Hồng”.

vh

Bức tượng phác họa chân dung Quốc Tổ Hùng Vương, được trưng bày tại

Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: Trần Quang Chiến

Những ngày này, ở vùng quê trung du Phú Thọ, lễ hội đền Hùng đã và đang được tổ chức tưng bừng, các nghi lễ và các hoạt động văn hóa là minh chứng cho sự trường tồn và sức lan tỏa của tinh hoa văn hóa nơi Đất Tổ linh thiêng…

Những ngày tháng ba, dù ở khắp bốn phương trời, đồng bào Nam, Bắc, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng hành hương về Đất Tổ Phú Thọ để trẩy hội đền Hùng, tri ân công đức tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam, là dịp để hội tụ tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc và Đền Hùng là nơi để muôn dân đất Việt tụ về với lòng thành kính, niềm tự hào về nguồn cội. Hành hương về đền Hùng những ngày diễn ra lễ hội, con dân đất Việt sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa cổ truyền, phát tích từ vùng quê trung du Phú Thọ được diễn xướng ở ngay chính trung tâm của lễ hội.

Vùng quê Phú Thọ từ bao đời nay là vùng đất cội nguồn, là nơi hội tụ những truyền thuyết, những huyền tích xa xăm và ấm áp về những hành trình, những mốc son lịch sử mà cha ông ta đã làm nên trong quá khứ. Những truyền thuyết về nguồn cội của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ câu chuyện về Lạc Long Quân- Vị Quốc Tổ của muôn dân Đất Việt và Đệ nhất Tiên Thiên Công chúa- Quốc Mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng rồi mỗi người dẫn 50 người con đi về một hướng, làm nên hành trình không có điểm dừng để tạo lập giang sơn.

Về Đất Tổ những ngày tháng 3 âm lịch, bước chân lên núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững, một khung cảnh tuyệt đẹp giữa trời mây non nước và đền chùa với khói hương lan tỏa khắp không gian. Bốn phía là 99 ngọn núi như 99 con voi chầu về Đất Tổ. Mỗi điểm di tích sẽ mang lại cho khách thập phương một cảm nhận riêng và dù ở phương trời nào, khi đến đây, ai cũng như lắng lòng mình trước anh linh các Vua Hùng, những vị vua đã có công “khai thiên phá thạch”, tạo dựng giang sơn gấm vóc đời đời bền vững.

Từ trong những truyền thuyết, huyền tích, mỗi người đều cảm nhận được những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của cha ông. Điều thiêng liêng nhất trong những triết lý ấy là tinh thần đoàn kết, sự gắn kết, là sự hội tụ muôn dân đất Việt. Hình tượng bọc trăm trứng vừa là niềm tự hào của người Việt Nam về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”, vừa biểu thị cho tinh thần đoàn kết một lòng của những con người sống trên dải đất hình chữ “S”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy biểu tượng đó để cất lên tiếng xưng hô vừa gần gũi, vừa thiêng liêng là “đồng bào”. Bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bắt nguồn từ hình tượng “bọc trăm trứng”, từ sức lan tỏa của ý thức cộng đồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam cụ thể hóa thành sức mạnh dân tộc trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc và trong thời đại hôm nay.

Từ thuở xa xưa cho đến hôm nay, khi nhắc đến hình tượng Vua Hùng, mỗi người dân Đất Việt đều không cảm thấy xa lạ bởi lẽ, trong những huyền tích, truyền thuyết trong thời đại Hùng Vương, hình ảnh Vua Hùng sống gắn bó, chan hòa với nhân dân đã nói lên tư tưởng “gần dân” của bậc quân vương thời kỳ đó. Những tên đất, tên làng quanh núi Nghĩa Lĩnh còn in dấu chân Vua Hùng, lưu giữ những câu chuyện khi nhà vua đi về với cuộc sống của dân, dạy dân múa hát, dạy dân trồng lúa, trồng kê…Đó là Gò Tiên Cát, Lầu Phượng bên bờ sông Lô, Tháp Lọng (nay thuộc xã Kim Đức – thành phố Việt Trì), làng Thậm Thình là những địa danh các Vua Hùng đi tới trong những chuyến đi săn, những lần về dạy trồng lúa… Huyền tích và thơ ca kể về tình cảm gần gũi, ấm áp giữa Vua- Tôi, tình cảm thơm thảo của dân dành cho nhà Vua: “Dân dâng một quả xôi đầy/Bánh chưng mấy cặp bánh dầy mấy đôi/Đẹp lòng vua phán bầy tôi/Tìm đất, kén thợ, định nơi xây nhà” (Qua Thậm Thình- Nguyễn Bùi Vợi). Tư tưởng “gần dân”, “trọng dân”, “lấy dân làm gốc” được các triều đại áp dụng để xây dựng và bảo vệ giang sơn tổ quốc. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng thành công tư tưởng này để làm nên sức mạnh dân tộc.

Là con dân Đất Việt, có ai mà không biết đến truyền thuyết “Bánh chưng bánh dày”. Huyền tích còn lưu giữ hình ảnh người con út của Vua Hùng là hoàng tử  Lang Liêu do nghèo khó, không có của ngon vật lạ đển tiến dâng vua cha, chỉ biết lấy hạt gạo, thứ ngũ cốc nuôi sống con người hằng ngày, do chính bàn tay con người làm nên để làm thành hai thứ bánh vuông, tròn tượng trưng cho trời và đất. Vua Hùng đã dừng lại mâm bánh của Lang Liêu và thấu hiểu tấm lòng thơm thảo của người con cũng như ý nghĩa sâu xa của thứ bánh được làm nên từ đời sống nông nghiệp. Cho đến hôm nay, câu chuyện về những thức bánh thảo thơm của Lang Liêu ngày nào không còn là huyền tích nữa bởi nó đã in đậm trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục của người Việt. Để rồi truyền thuyết hiện hữu trong những ngôi nhà, những miền đất, những cái tết quê sum vầy. Trăm thứ bánh đã làm nên lòng thơm thảo, truyền thuyết đã dạy cho người dân đất Việt từ đời này sang đời khác biết quý trọng và gìn giữ hạt gạo để làm nên sự vuông tròn trong cuộc sống.

Truyền thuyết Hùng Vương vùng Đất Tổ Phú Thọ kể rằng: “Thời xưa, khi nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên  lại được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt lắm, mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem, mọi người làm theo. Cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua nghỉ tay cùng mọi người ăn uống ở dưới gốc đa lớn” (Nguồn sách Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ).

Bài học nhân sinh về cây lúa, về đời sống nông nghiệp và qúy trọng từng tấc đất đã được huyền tích thời Hùng Vương gieo vào tâm hồn người nông dân Việt Nam nói riêng và muôn dân đất Việt nói chung từ bao đời nay. Dù xã hội có hiện đại đến mấy, công nghiệp có phát triển đến đâu thì cây lúa vẫn xanh tốt trên những cánh đồng phì nhiêu. Đó là nguồn ngũ cốc nuôi sống con người, làm giàu cho dân tộc.

Từ lâu, trong đời sống của người dân đất Việt đã lan truyền câu ca: “Chim có tổ người có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Ấy là để nhắc nhở muôn dân ý thức về nguồn cội của mình và sự trường tồn của truyền thống đoàn kết của những con người mang trong mình dòng máu Việt. Hiếm có một dân tộc nào, sự tri ân nguồn cội lại gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như ở nước ta.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Về miền Đất Tổ những ngày tháng ba này để lắng lòng mình nơi tán cọ xòe linh thiêng, để nghe, để chiêm nghiệm về những câu chuyện từ xa xưa đang hiện hữu trong cuộc sống hôm nay. Để mỗi người biết tạo cho mình lẽ sống, niềm tin và niềm tự hào về nguồn cội./. 

Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT