Phát huy vai trò trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện và làm cầu nối giữa nhân dân với chính quyền các cấp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện giám sát và phản biện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

mt

Sinh hoạt Hội Phụ nữ ở cơ sở

Thực hiện phương châm gần dân, sát việc, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum luôn gắn bó với người dân trên địa bàn. Từ đó, Mặt trận nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để chuyển đến cấp ủy, chính quyền và đề đạt với cấp trên qua các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ông Lê Quang Lâm, Chủ tịch UBMTTQVN phường Lê Lợi nói: “Trong ý kiến của người dân mình phải sàng lọc nó có trọng tâm, trọng điểm hay không. Nếu có trọng tâm, trọng điểm mình phải có ý kiến tham gia góp ý với chính quyền phải giải quyết cho dứt điểm những việc người dân đưa lên, đừng để ý kiến đó vượt cấp”.

Kết quả đạt được của UBMTTQVN phường Lê Lợi đã góp phần xây dựng chính quyền và củng cố lòng tin của người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động giám sát, phản biện, lắng nghe ý kiến của người dân của Mặt trận và đoàn thể ở cơ sở không phải lúc nào cũng thuận lợi. Việc chị Y Khoan (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ya Tăng, Sa Thầy) gặp khó khăn khi nắm bắt tâm tư của hội viên ở chi hội các làng là thực tế. Chị Y Khoan cho biết: “Mỗi lần họp chỉ có 1-2 chị nói được tiếng nói của mình, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình hay những vướng mắc. Hầu như chị em chỉ nghe,  không dám bày tỏ tiếng nói riêng của mình cho Hội Phụ nữ xã tổng hợp ý kiến”.

Mặc dù là địa bàn thuận lợi, nhưng chị Trần Thị Mai (Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thị trấn Đăk Hà) cũng gặp nhiều khó khăn trong thực thi trọng trách được giao. Chị Trần Thị Mai cho biết: “Quá trình giám sát, thanh tra liên quan đến các văn bản pháp luật thì rất là khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ. Cái khó khăn thứ hai là về kinh phí thì phụ cấp đối với trưởng ban giám sát cộng đồng không có”.

Không chỉ cấp cơ sở gặp khó khăn trong giám sát, phản biện, lắng nghe ý kiến người dân, mà Mặt trận và đoàn thể cấp huyện, thành phố cũng gặp nhiều vướng mắc. Thiếu kinh nghiệm, thiếu kinh phí và chưa nhận được sự hợp tác tốt ở một vài cơ quan đơn vị;  đặc biệt, một số quy định, văn bản của Trung ương còn chồng chéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phản biện, giám sát của Mặt trận và đoàn thể. Chị Đỗ Thị Thúy Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà nói: “Chúng tôi giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm thì nảy sinh bất cập là văn bản cấp trên chưa phân cấp rõ ràng, công tác quản lý ATTP còn chồng chéo giữa Trung ương, địa phương cũng như công tác quản lý thực tế tại địa bàn thị trấn, các xã gặp nhiều khó khăn”.

Thông qua giám sát, phản biện theo tinh thần Quyết định số 217-218 ngày 12/12/2103 của Bộ Chính trị, Mặt trận và các đoàn thể các cấp của tỉnh Kon Tum đã góp phần phát huy quy chế dân chủ, giúp cấp ủy chính quyền nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp. Nổi bật trong hoạt động này có UBMTTQVN tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác phản biện, giám sát tại cơ sở cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ để hoạt động giám sát, phản biện, làm cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền của Mặt trận và đoàn thể các cấp phát huy hiệu quả tốt hơn.

Văn Hiển – Tấn Thành

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT