Nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn hoàn thiện Báo cáo chuyên đề phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ TW của Bộ Chính trị khóa X về Công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (NQ 11), chiều 28/7, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo về xây dựng gia đình và xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong tình hình mới.

h

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: http://hoilhpn.org.vn

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 11 Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 11 Nguyễn Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đồng chủ trì hội thảo.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 11, Ban Bí thư đã giao Ban Chỉ đạo tổng kết NQ xây dựng 5 báo cáo chuyên đề, trong đó Hội LHPN Việt Nam chủ trì xây dựng 3 báo cáo gồm: Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới và xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu và chuyên đề Xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ theo tinh thần NQ 11.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, sau 10 năm thực hiện NQ, nhiều nội dung trong NQ vẫn còn giữ nguyên giá trị, cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên cũng đã có rất nhiều vấn đề mới hình thành, đặt ra trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Phụ nữ hiện nay đang phải đối diện với những vấn đề như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, cuộc cách mạng 4.0; các vấn đề xã hội hiện đại như giá trị gia đình, chuẩn mực đạo đức, vấn đề bạo lực, việc làm, thu nhập… Chính vì vậy, tổng kết đúng, chính xác những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện NQ; đồng thời chỉ ra những vấn đề đang đặt ra trong công tác phụ nữ hiện nay, từ đó tham mưu xây dựng được các giải pháp cụ thể, khả thi về công tác phụ nữ trong thời gian tới là vô cùng quan trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi về khá nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ hiện nay. Trong đó, những vấn đề được phân tích sâu như: gia đình Việt Nam hiện đại với các chuẩn mực giá trị mới; lao động nữ di cư, lao động nữ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; phụ nữ cao tuổi; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

  1. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ, hiện nay, vấn đề phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị cũng như phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động đã tác động lớn đếnthể chế an sinh xã hội, trong đó tạo ra khoảng trống trong chăm sóc gia đình, con cái. Khi bố mẹ đi làm ăn xa, con cái thường để lại cho ông bàtrông nom. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tâm sinh lý, ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ mà còn vô tình tạo ra gánh nặng kép cho người cao tuổi, khi họ không được con cái chăm sóc mà còn phải thay con chăm các cháu. Bà Trần Minh Thi kiến nghị, cần phải đưa vấn đề chăm sóc con cái, người cao tuổi vào các dịch vụ xã hội, từ đó giúp người phụ nữ vừa duy trì được vai trò trong gia đình, vừa có cơ hội tham gia tốt công tác xã hội, làm kinh tế…
  2. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Viện Khoa học Lao động và Xã hội, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lạiđi sâu phân tíchvấn đề nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông Vinh, phụ nữ chiếm lực lượng rất đông trong các KCN, KCX nhưng tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo lại rất cao (74,3%), cao hơn rất nhiều so với nam giới (62%), điều đó dẫn đến nhiều bất lợi cho lao động nữ trong cơ hội tìm việc tốt, ổn định cũng như mức lương. Bên cạnh đó,vấn đề lao động nữ làm thêm giờ, tăng ca nhiều, vấn đề lao động nữ bị sa thải sau tuổi 35 cũng là vấn đề xã hội phải quan tâm. Ông Vinh khuyến nghị, Hội LHPN Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể cần quan tâm, phát huy vai trò đại diện, chăm lo tốt hơn cho nữ lao động về nhà ở, chăm sóc con cái, đào tạo việc làm, tranh chấp lao động…

Trăn trở về các vấn đề trẻ em đang phải đối mặt hiện nay, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng và Phát triển đề cập đến những vấn đề mới đặt ra trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em có liên quan đến thực hiện mục tiêu của NQ 11. Trong đó, ông An nhấn mạnh tới tệ nạn bạo lực và xâm hại trẻ em, buôn bán phụ nữ- trẻ em, vấn đề trẻ em bỏ học, đặc biệt là trẻ em miền Tây Nam Bộ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, vấn đề bạo lực học đường ở trẻ em gái… Theo ông An, một trong những gốc rễ sâu xa của mọi chuyệnlà từ giáo dục gia đình, chính vì vậy, cần nhìn nhận thật rõ các vấn đề đang đặt ra đối với gia đình Việt Nam hiện đại để có được những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã tiếp cận đến các vấn đề khác như: bạo lực gia đình, người cao tuổi, phụ nữ dân tộc thiểu số…

Các ý kiến đã đi sát vào các nội dung quan tâm, mục tiêu đặt ra của cuộc hội thảo. Nhiều ý kiến mới, ý tưởng mới, chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu có giá trị để Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu làm cơ sở dữ liệu đầu vào bổ sung, hoàn thiện Báo cáo chuyên đề phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11.

VH

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT