brau-detail-8-170100429395411028

Ảnh minh họa

Thực hiện công cuộc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum đã có nhiều khởi sắc, góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Dấu ấn của hội viên, phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới 

Mới đây, thôn 8, làng Kon Nhên xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, được công nhận nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đạt được kết quả này, có phần nỗ lực và đóng góp của chị Y BRang – Bí thư Chi bộ thôn. Không chỉ tiên phong, gương mẫu trong trong mọi hoạt động, chị Y BRang còn thường xuyên tuyên truyền, động viên người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, giữa gìn an ninh trật tự thôn, xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn làng vững mạnh.

Chị Y BRang cho biết, từ khi thực hiện làng nông thôn mới, nếp sinh hoạt, tập quán của người dân thôn 8, làng Kon Nhên, đã từng bước thay đổi theo hướng tích cực, văn minh. Mỗi gia đình thi đua chăm sóc khuôn viên quanh nhà, thực hiện nếp sống xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ các phong trào, đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, hộ gia đình hội viên phụ nữ nói riêng, từng bước được nâng lên rõ rệt.

au-hon-3-nam-thuc-hien-viec-xay

Phát triển mô hình làng du lịch cộng đồng ở Kon Tum. Ảnh: TL

Chị Rơ Châm Đan, hội viên phụ nữ thôn 8, làng Kon Nhên, xã Đăk Ruồng, chia sẻ: “Chúng tôi tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, thay đổi cây trồng, vật nuôi để gia đình vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ như trồng hoa, trông cây xanh dọc đường và vệ sinh nhà sạch sẽ, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Được biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay của các Hội, đoàn thể, đặc biệt là hội viên, phụ nữ trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, thôn 8 làng Kon Nhên, xã Đăk Ruồng, đã đạt 10/10 tiêu chí làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của làng đã giảm từ 20,61% xuống 6,11% (tính đến cuối năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, toàn huyện Kon Rẫy có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 thôn, làng đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thôn, làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Diện mạo của thôn ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, giao thông, thủy lợi được cải tạo, tu bổ, xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong thôn, hộ gia đình của hội viên, phụ nữ tham gia hiến đất làm đường; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà cũng như các tuyến đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân.

Nhất quán thực hiện từ tỉnh Hội đến cơ sở 

Triển khai từ năm 2018, đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 27 mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” ở 10/10 huyện, thành phố. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, các cấp Hội Phụ nữ đã linh hoạt, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn kết và thực hiện hiệu quả 11 tiêu chí của “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Các “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, cụ thể: Các hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định; phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương phát huy năng lực, vai trò nòng cốt của hội viên phụ nữ chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng các tiêu chí nông thôn mới…

Đánh giá về phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum, cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều cách làm, mô hình hay giúp hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

Tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54%; có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Toàn tỉnh hiện có 99.203 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 53%). Để giúp hội viên, phụ nữ có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN tỉnh đã chủ động thực hiện tốt các hoạt động ủy thác vốn vay với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua ký kết các thỏa thuận hợp tác, các chương trình phối hợp.

lang-phu-nu-dtts-nong-thon-moi-k

Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Ảnh baokontum.com.vn

Qua đó đã phối hợp giải ngân trên 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hơn 60.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; 2.500 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cấp Hội đã vận động gần 100.000 lượt hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng để tạo lập nguồn vốn chủ động giúp nhau phát triển sản xuất.

Cùng với đó, các cấp Hội đã xây dựng 130 mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã (trong đó 4 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác, 87 tổ liên kết) về sản xuất, chăn nuôi tại các huyện, thành phố, thu hút hơn 2.000 hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó có trên 90% là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đã có 9 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Kon Tum đạt giải Cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, các tổ chức, dự án kết nối, hiện thực hóa 51 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ Kon Tum với tổng số vốn hơn 6,6 tỷ đồng; xây dựng các gian hàng tiêu thụ, quảng bá, kết nối sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ quản lý được thành lập.

Thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội thực hiện đồng bộ hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh với việc duy trì và nhân rộng được 27 mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, duy trì chăm sóc 21 mô hình “Đường, làng nhà tôi xanh, sạch đẹp”; 19 mô hình về “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn”; 144 mô hình về bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Phong Lan khẳng định, từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động trên đã hỗ trợ, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho hội viên, phụ nữ, góp phần hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời bước đầu đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đến nay, đa số hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số đã biết xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với khả năng và phát huy lợi thế ngay tại địa phương, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để bắt đầu chuyển sang tổ chức hoặc tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể; biết xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nguồn:phunuvietnam.vn