Vốn hội tụ nhiều đức tính tốt đẹp: chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con, vì thế từ bao đời nay, trong mỗi gia đình Việt Nam, phụ nữ luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Đến tuổi xế chiều- độ tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, an nhàn, nhưng với nhiều phụ nữ, nỗi vất vả, cực nhọc vẫn luôn đeo bám…

Theo lẽ thông thường, phụ nữ đến tuổi nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động cũng là lúc con cái đã trưởng thành, lúc này các bà, các mẹ sẽ được thảnh thơi, có thời gian, điều kiện để chăm lo cho bản thân. Thế nhưng trên thực tế, với rất nhiều phụ nữ, tuy không còn phải lo mưu sinh, vướng bận kinh tế gia đình, song vì trách nhiệm “hết chăm con lại đến chăm cháu” đã khiến cuộc sống về già của họ thêm phần vất vả.

Chưt và bà Banh mới chắc chiu để lo cho các con mình học đại học (1)

Ảnh: Tư liệu

Chị H, ở đường Thi Sách (thành phố Kon Tum) vừa đến tuổi nghỉ hưu cũng là lúc anh chị hoàn thành việc dựng vợ gả chồng cho 4 đứa con. Cứ nghĩ chị sẽ được chia tay với những chuỗi ngày vất vả, cực nhọc- vừa tham gia công tác xã hội, vừa bươn chải kiếm thêm thu nhập ngoài đồng lương công chức ít ỏi của hai vợ chồng để lo cho các con ăn học. Tuy nhiên, nhận quyết định nghỉ hưu chưa đầy 01 tháng, chị đã phải bước vào “cuộc chiến đấu mới”, bởi liên tiếp trong vòng 6 tháng sau đó, 3 cô con gái của chị lần lượt sinh con, trong khi nhà nội đều ở xa, nên đành “cháu ông nội, tội bà ngoại”. Vậy là kế hoạch về thăm quê, gặp gỡ bạn bè, kết hợp đi du lịch dài ngày mà chị dự tính trước đó đành gác lại, không biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Không có con gái “gả chồng gần” như chị H, các con của cô giáo T (tổ 13 phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) đều làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận quyết định nghỉ hưu được đúng 1 tuần, chưa kịp “xả hơi” thì cô con gái sinh con đầu lòng. Tất bật đón con về Kon Tum chăm sóc 6 tháng, cô lại phải khăn gói theo con vào thành phố để giữ cháu, rồi đều đặn mỗi tháng một lần, cô về Kon Tum họp chi bộ, kết hợp mua sắm những thứ cần thiết cho chồng. Không đành lòng bỏ mặc chồng ở nhà một mình, khi cháu ngoại tròn 1 tuổi, cô đưa cháu về Kon Tum nuôi để “tiện cả đôi đường”, vừa giúp được con, vừa chăm được chồng, lại đỡ phải đi lại tốn kém. Tiếng là được nghỉ hưu, nhưng trên thực tế, cô lại bận bịu, vất vả hơn khi còn đang công tác.

Không phải là cán bộ, công chức nhà nước như các trường hợp nêu trên, anh chị tôi ở quê, là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng vườn. Để con cái sau này không phải vất vả như bố mẹ, anh chị quyết tâm đầu tư cho các con ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, 4 người con của anh chị đều chăm chỉ học hành, tìm được công ăn việc làm ổn định. Ở tuổi 60, anh chị ngập tràn niềm vui vì các con đã yên bề gia thất, các cháu nội ngoại đủ đầy. Vậy nhưng cũng từ đó, cuộc sống của anh chị bắt đầu đảo lộn. Theo yêu cầu của các con, và cũng vì thương con thương cháu, “nước mắt chảy xuôi”, hơn chục năm nay, chị bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn, hết vào Sài Gòn chăm cháu nội, lại tất tả lên Kon Tum chăm cháu ngoại, rồi đôi ba tháng một lần về quê làm bổn phận của con dâu trưởng cúng giỗ ông bà, tổ tiên…Đi lại như con thoi, người gầy rộc, đôi mắt chị trũng sâu vì thiếu ngủ, vì lo cho các cháu mỗi khi trái gió trở trời, không biết đến khi nào chị mới được thảnh thơi?

Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Lúc trẻ chăm con, về già chăm cháu, gánh nặng chăm sóc gia đình lại tiếp tục đặt lên vai các bà, các mẹ.

Có lẽ, đây là câu chuyện phổ biến của rất nhiều gia đình hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có những nguyên nhân chính như:

Thứ nhất, định kiến giới với quan niệm “việc nhà là của đàn bà” còn tồn tại đã làm giảm đi sự cảm thông, chia sẻ việc nhà của các thành viên trong gia đình với người phụ nữ.

Thứ hai, đó chính là sự dựa dẫm, ỷ lại của con cái vào cha mẹ. Trong rất nhiều gia đình, con cái hầu như không quan tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi, giao lưu, gặp gỡ bạn bè của bà, của mẹ, mà mặc nhiên cho rằng nghĩa vụ và trách nhiệm của bà là phải trông cháu, chăm cháu, và đó mới là niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự của tuổi già.

Thứ ba là sự cam chịu, đức hi sinh tất cả vì chồng, con, gia đình của chính bản thân người phụ nữ. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến người phụ nữ, dù cao tuổi vẫn không thể buông bỏ được “bổn phận” của mình.

Đằng đẵng chuỗi ngày vất vả, đến tuổi xế chiều, các bà, các mẹ cũng cần được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Để vơi bớt gánh nặng trên đôi vai, ngoài việc tự “cởi trói” cho mình, các bà, các mẹ cần nhận được sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các con.

Hãy suy nghĩ và hành động công bằng hơn để phụ nữ có cơ hội bình đẳng cả bên trong lẫn bên ngoài tổ ấm của mình.

Hoàng Thúy

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT