Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ ngày 7/3/2017 đến ngày 9/3/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội, phiên khai mạc chính thức vào sáng ngày 7/3/2017 với chủ đề “Đoàn kết – Đổi mới – Bình Đẳng – Hội nhập”. Sau 3 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017-2022) đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2012 – 2017, kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành khoá XI và bầu Ban Chấp hành khoá XII, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017 – 2022, thông qua toàn văn dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), Nghị quyết Đại hội với 7 chỉ tiêu cơ bản.

ra-mat

Nhằm giúp hội viên phụ nữ nắm được các nội dung cơ bản của Nghị quyết, các chủ trương công tác lớn của Hội xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ 5 năm, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biên soạn Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII dành cho hội viên, phụ nữ. Hy vọng rằng, mỗi hội viên, phụ nữ hiểu biết những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, luôn tích cực hưởng ứng, chủ động tham gia vào các hoạt động do Hội tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ của hội viên góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHẦN I: NỘI DUNG SINH HOẠT HỘI VIÊN

I.GỢI Ý TỔ CHỨC SINH HOẠT:

Tài liệu gồm 2 phần: phần I. Nội dung sinh hoạt là những nội dung cần cung cấp cho hội viên, phụ nữ để hiểu các nội dung chính của Nghị quyết Đại hội cũng như những việc hội viên, phụ nữ cần làm để thực hiện Nghị quyết. Phần II là nội dung tham khảo dành cho cán bộ Hội cơ sở và hội viên, phụ nữ có nhu cầu tìm hiểu sâu, kỹ hơn về các nội dung liên quan đến Nghị quyết.

Để hội viên, phụ nữ hiểu rõ và tích cực tham gia vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết XII, cán bộ Hội cơ sở cần lưu ý một số vấn đề trong tổ chức sinh hoạt như sau:

– Chi hội truởng là người trực tiếp triển khai tài liệu SHHV tới hội viên, phụ nữ. Cán bộ Hội cơ sở (Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ) tham dự và hỗ trợ chi hội trong quá trình cung cấp thông tin và thảo luận trao đổi. Trường hợp chi hội trưởng gặp khó khăn khi triển khai thì Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở sẽ trực tiếp triển khai tài liệu.

– Trong quá trình sinh hoạt cần nhấn mạnh vào các nội dung của Nghị quyết, những điểm mới liên quan trực tiếp đến hội viên, phụ nữ.

– Nội dung tài liệu có thể triển khai trong nhiều buổi sinh hoạt và cần dành thời gian cho hội viên, phụ nữ thảo luận để đưa ra các hành động cụ thể của cá nhân, của chi hội/tổ phụ nữ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết tại địa phương.

– Cán bộ Hội cơ sở cần sáng tạo, vận dụng để đa dạng hóa hình thức sinh hoạt các nội dung trong tài liệu: thảo luận chuyên đề, hái hoa dân chủ, trò chơi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế v.v

  1. NỘI DUNG SINH HOẠT:

Câu hỏi 1: Mục tiêu tổng quát trong 5 năm (nhiệm kỳ 2017-2022) được Đại hội đề ra như thế nào?

Trả lời:

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đưa ra mục tiêu tổng quát của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội trong 5 năm tới là: “Đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu gồm 3 nội dung chính:

(1) Đối với phụ nữ:Mục tiêu đề ra nhằm phát huy phẩm chất, trí tuệ, sức sáng tạo và hỗ trợ người phụ nữ phát triển toàn diện. Việc phát huy truyền thống, sức sáng tạo của phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu đối với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, đồng thời đây cũng là yêu cầu, điều kiện để phụ nữ chủ động vươn lên khẳng định vai trò, đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(2) Đối với tổ chức Hội: Mục tiêu hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thời kỳ hội nhập trong hoạt động của các cấp Hội. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh luôn là vấn đề cốt yếu, quan trọng hàng đầu đặt ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của tổ chức. Chỉ khi nào xây dựng được tổ chức vững mạnh thì Hội mới thực hiện tốt được vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.

(3) Mục tiêu chung:Phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện tốt các nội dung trên sẽ là điều kiện quan trọng để phụ nữ và tổ chức Hội góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Câu hỏi 2: Nhiệm kỳ XII có bao nhiêu chỉ tiêu chủ yếu và nội dung các chỉ tiêu đó là gì?

Trả lời:

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đề ra 7 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó có 4 chỉ tiêu được tính đến cấp cơ sở, là điều kiện thuận lợi để cụ thể hóa chỉ tiêu cho từng cấp khi xây dựng kế hoạch hoạt động.

  1. Đến cuối nhiệm kỳ, cấp trung ương tham mưu đề xuất được ít nhất 05 chính sách/đề án; cấp tỉnh và huyện tham mưu đề xuất ít nhất 02 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hàng năm, các cấp Hội giám sát ít nhất 01 chính sách; đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 01 văn bản dự thảo có liên quan.
  2. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 02 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ.
  3. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng ít nhất 02 điển hình là cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình hoặc cách làm hay; đạt chỉ tiêu ít nhất 20.000 điển hình/năm trong toàn quốc.
  4. Hàng năm, mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giúp thêm được ít nhất 02 hộ gia đình đạt các tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”, phấn đấu cả nước giúp được thêm ít nhất 20.000 hộ đạt 8 tiêu chí, trong đó ít nhất 10.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều.
  5. Hàng năm, các cấp Hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội đào tạo nghề, phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ; hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, phối hợp hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do phụ nữ quản lý.
  6. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn quốc tăng thêm 1 triệu hội viên; đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội.
  7. Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội cấp trung ương, tỉnh, huyện, 90% trở lên Chủ tịch Hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội ít nhất 03 lần/nhiệm kỳ; 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 01 lần/nhiệm kỳ.

Câu hỏi 3: Nghị quyết lần này tiếp tục đề ra các khâu đột phá. Vậy nội dung của các khâu đột phá là gì và có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Khâu đột phá là những vấn đề then chốt, quan trọng, nếu giải quyết được sẽ phá bỏ được những điểm nghẽn trong hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tác động mạnh mẽ có tính chiến lược tới các vấn đề khác của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. Các khâu đột phá là đòn bẩy thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội LHPN các cấp.

Các khâu đột phá có mối quan hệ chặt chẽ và cần được triển khai lồng ghép, cụ thể hóa trong nội dung và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Đại hội xác định 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2017-2022, đó là:

Khâu đột phá thứ nhất: Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ.

Khâu đột phá thứ hai: Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ.

Với 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ XIIthể hiện mong muốn hội viên, phụ nữ,các cấp Hội đẩy mạnh hơn nữa vào hoạt động tham mưu xây dựng chính sách, chủ động tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp quy, các vấn đề xã hội có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em tại các cấp. Thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội đa dạng hóa, nhân rộng các mô hình tập hợp nhằm thu hút các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia sinh hoạt Hội.

Khâu đột phá khẳng định nội dung phát huy quyền làm chủ của phụ nữ là phương châm xuyên suốt trong hoạt động của tổ chức Hội với mục đích phát huy vai trò, nội lực của phụ nữ để tự giải quyết các vấn đề của mình và tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, xây dựng tổ chức Hội.

Câu hỏi 4Đại hội đã phát động những phong trào thi đua, cuộc vận động nào trong nhiệm kỳ XII (2017-2022)?

Trả lời:

Nhiệm kỳ XII (2017 – 2022), Đại hội tiếp tục phát động:

Phong trào thi đuaPhụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

– Hai cuộc vận động:

+ “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”;

+ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch

Mặc dù tên của phong trào thi đua vàcuộc vận động vẫn giữ như nhiệm kỳ XI nhưng nội dung cụ thể được điều chỉnh phù hợp với các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau, các địa bàn khác nhau. Đồng thời, việc triển khai phong trảo thi đua và các cuộc vận động được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Xây dựng nông thôn mới.

Câu hỏi 5 Để thực hiện được phong trào thi đua, 2 cuộc vận động, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu thì tư tưởng cốt lõi định hướng hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022 là gì?

Trả lời:

  1. Cải tiến đồng bộ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động để thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tạo sinh lực mới cho phong trào phụ nữ.
  2. Phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ thông qua các hoạt động phát huy vai trò, nội lực để phụ nữ tự giải quyết các vấn đề của mình và tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Hội; tăng cường tính tự nguyện, tự giác, tự quản của hội viên trong tham gia hoạt động Hội. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
  3. Thu hút phụ nữ tham gia hoạt động và tổ chức Hội bằng nhiều hình thức với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, chú trọng tổ chức hoạt động, sinh hoạt Hội linh hoạt, phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ.
  4. Kiện toàn, củng cố hoạt động của cơ quan chuyên trách Hội các cấp, đẩy mạnh phân cấp cho các cấp Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, linh hoạt, khắc phục hành chính hóa; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ trong chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác Hội.
  5. Làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, chú trọng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tập trung cho đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ hội nhập kinh tế, thực hiện an sinh xã hội; lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại.
  6. Đa dạng hóa, tăng cường huy động sự tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ phụ nữ.

Câu hỏi 6: Các nhiệm vụ trọng tâm trongnhiệm kỳ XII mà Đại hội đề ra là gì?

Trả lời: Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là:

Nhiệm vụ 1:Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân.

Nếu Nhiệm kỳ XI đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, thì Nhiệm kỳ XII đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ 1 và nhiệm vụ 2 tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, để họ có thể làm tốt vai trò người lao động và vai trò là thành viên quan trọng trong gia đình. Nhiệm vụ 2 cũng là để cụ thể hóa phong trào Khởi nghiệp được Chính phủ phát động nhằm thúc đẩy các tầng lớp nhân dân lập nghiệp theo hướng đổi mới, sáng tạo. Nhiệm vụ 3 hướng đến việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp để có thể thực hiện tốt chức năng đại diện của Hội và triển khai tốt nhiệm vụ 1 và 2.

Câu hỏi 7: Hãy nêu nội dung chính, những điểm mới của nhiệm vụ 1 vàhội viên, phụ nữ cần làm gì để triển khai hiệu quả nội dung hoạt động nhiệm vụ 1?

Trả lời:

1.Nhiệm vụ 1 hướng đến sự phát triển của phụ nữ như một chủ thể của xã hội và một thành viên quan trọng của gia đình.Nhiệm vụ 1 gồm 2 nội dung chính:

-Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện

-Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

2.Điểm mới của nhiệm vụ:

– Trong nhiệm kỳ XII, các hoạt động nhằm phát triển nguồn nhân lực nữ, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện với ý nghĩa rộng hơn, không chỉ về phẩm chất đạo đức mà còn cả về trí tuệ, thể chất.

– Nhiệm vụ phát triển người phụ nữ toàn diện không phải chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn là để phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

– Hỗ trợ phụ nữ ở các lứa tuổi khác nhau dựa trên nhu cầu, khả năng của từng nhóm đối tượng phụ nữ.

– Tập trung hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về tổ chức cuộc sống, giáo dục đời sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em gái.

Làm rõ khái niệm “Người phụ nữ phát triển toàn diện”: Là phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.

3.Để thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động của nhiệm vụ 1, mỗi hội viên và phụ nữ cần:

– Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần tự trọng, tự tôn dân tộc, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; tự giác chấp hành và vận động người thân trong gia đình, mọi người trong cộng đồng chấp hành chủ trương đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

– Mỗi phụ nữ xác định những điểm còn hạn chế để có hành động cụ thể rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”; làm gương cho con cháu và những thành viên khác trong gia đình, cộng đồng về rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức.

– Chủ động, tích cực học tập bằng nhiều hình thức, học tập ở mọi nơi, mọi lúc; nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng sống, các kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập. Luôn có tinh thần học hỏi, cầu thị, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh để chọn lọc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

-Chủ động đọc sách, báo, tài liệu để nắm bắt thông tin, kiến thức phục vụ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc.

– Lựa chọn môn thể thao thích hợp để rèn luyện sức khỏe; vận động các thành viên trong gia đình tham gia các môn thể thao rèn luyện sức khỏe, xây dựng chế độ ăn uống hợp lí đảm bảo dinh dưỡng cho mọi thành viên trong gia đình, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

– Tham gia bảo hiểm y tế để có thể khám chữa bệnh định kỳ đảm bảo sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

– Giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, đạo lý nhân ái, thủy chung, nghĩa tình; nghiêm túc thực hiện quy định về chế độ hôn nhân, đảm bảo mức sinh thay thế, không lựa chọn giới tính khi sinh con.

– Tạo dựng môi trường gia đình văn hóa; quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ các thành viên trong gia đình, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

– Nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt để giáo dục, dạy dỗ con em trong gia đình trở thành những công dân có ích cho xã hội; biết bảo vệ, phòng tránh cho con em trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội, tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

– Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh, không xa hoa, lãng phí trong việc cưới, việc tang. Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ các gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn ảnh khó khăn trong cộng đồng.

Câu hỏi 8: Hãy nêu nội dung chính và điểm mới của nhiệm vụ 2. Hội viên, phụ nữ cần làm gì để triển khai hiệu quả nội dung hoạt động nhiệm vụ 2?

Trả lời:

  1. Nội dung chính của nhiệm vụ 2 gồm:

– Vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

– Vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.