“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vừa là đạo lý thiêng liêng, vừa là giá trị đạo đức và lối ứng xử cao đẹp trong dời sống văn hóa của người Việt. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, đúc kết truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc thành một trong những nội dung tư tưởng của Người. Đồng thời, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ.

bh2

Bác Hồ dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sĩ tại Thủ đô Hà Nội (31/12/1954). Nguồn: https://baomoi.com

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui độc lập và cuộc sống thanh bình lại phải tiếp tục vùng lên cứu nước. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường miền nam hoặc khi trở về đã mang thương tật suốt đời vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Nhằm động viên các gia đình có người đã hi sinh, ngày 2-10-1945, Bác Hồ đã đến Nhà thờ Lớn làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền nam và trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20-11-1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng năm liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ ngày 12-11-1945[1].

Tiếp đó, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” tháng 12-1945, Bác tin tưởng rằng: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”[2].

Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ngày 7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”[3].

Trong “Thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ” tháng 1-1947, Người viết: “Tôi được báo cáo rằng: con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng!”[4].

Tiếp đó, Bác Hồ đã ký một loạt Sắc lệnh nhằm giải quyết chế độ chính sách cho thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ như: Sắc lệnh số 20-SL ngày 16-2-1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thương nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 6-6-1947, tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam và quy định việc tặng thưởng,…

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Chính quyền các cấp hoạt động, ngày 3-10-1947, Người đã ký Sắc lệnh số 101-SL về việc thành lập Sở và Ty Thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh.

Để nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6-1947, Bác đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27-7-1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày “Thương binh toàn quốc” nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”[5].

Nhân ngày này, Bác Hồ gửi tặng cho Ban Thường trực một chiếc áo lụa, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng số tiền là 1.127 đồng.

Sau này, cứ đến ngày 27-7 hàng năm, Bác vẫn đều đặn gửi thư và tặng quà cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành, đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, thương binh và gia đình các liệt sĩ cũng cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ dành cho họ.

Những món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy nhỏ nhưng vô cùng quý giá, vì đó chính là sự quan tâm, chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương binh, bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh làm ấm lòng người chiến sĩ. Ngày 20-9-1950, trong “Thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê”, Bác viết: “Các chú đã chiến đấu anh dũng và các chú đã giết được nhiều giặc, đã có công trong việc giải phóng Đông Khê. Chính phủ, đồng bào đều nhớ ơn các chú. Tôi gửi lời khen các chú và chúc các chú mau lành bệnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu, giết giặc”[6].

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc trở về sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội. Chiều 31-12-1954, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài Liệt sĩ Hà Nội. Trong lễ viếng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn từ: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Một nén hương thành. Vài lời an ủi. Anh linh các liệt sĩ bất diệt! Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!”[7].

Đón “Tết Hòa bình”, tối giao thừa năm 1956 (ngày 11-2- 1956), Người đi thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với các chiến sĩ, khen ngợi những thành tích công tác, học tập vươn lên của thương binh. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: “Tại mái trường này các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân. Như vậy, thương binh tàn nhưng không phế”[8].

Không chỉ dừng lại ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và đoàn thể hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mối xã cần tổ chức phong trào “đón anh em thương binh về làng” bằng cách trích một phần ruộng công để gặt hái. Hoa lợi để nuôi thương binh, tạo công ăn việc làm cho anh em thương binh. Anh em thầy thuốc và chị em khán hộ cứu thương phải hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Các cháu nhi đồng toàn quốc thi đua giúp đỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, nhiều thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động, sản xuất, học tập và cuộc sống. Họ không những đã tạo ra việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng bào và con em của họ, tạo dựng nên cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Người dạy: “Thương binh tàn mà không phế”.

Để tỏ lòng kính yêu với lãnh tụ của dân tộc ta, thương binh trong cả nước đã biếu Người những sản phẩm do chính họ làm ra: Thương binh trại an dưỡng Liên khu X biếu chè, thương binh liên khu III biếu bộ quần áo, thương binh trại Dệt chiếu biếu bốn chiếc chiếu, thương binh trại an dưỡng Hà Nam biếu một nải chuối…

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc đền ơn đáp nghĩa với thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 5-1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[9].

Đặc biệt, ngày 31-7-1969, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho 10 thương binh gương mẫu, tận tụy với công tác sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới. Đây là lần tặng Huy hiệu cuối cùng của Bác cho các thương binh.

Ngày 1-9-1969, chỉ trước khi Người mất một ngày, vẫn có vòng hoa của Người gửi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội (Mai Dịch).

Thực hiện Di chúc của Người, các cấp chính quyền và đoàn thể xã hội đã có những chính sách ưu tiên đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều việc để đền ơn đáp nghĩa như: tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp đỡ thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ.

Hy vọng rằng những việc làm đó sẽ nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội.


[1] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 50, tờ 94

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.134

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.435

[4] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Mục lục Tài liệu sưu tầm, hồ sơ 44, tờ 01

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.175

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.96.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.427

[8] Hồ Chí Minh biên niên, tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, trang 238

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.503

Ths. NGUYỄN LAN PHƯƠNG
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Nguồn: http://nhandan.com.vn-HT