Vận động và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã xác định. Do đó, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Theo đó, các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đưa chỉ tiêu giúp hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững thành tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên rà soát đối tượng hội viên, phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng chính sách, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích gắn với nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng trong tuyên truyền, tập huấn và định hướng sử dụng vốn vay có mục đích gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, tìm thị trường cho sản phẩm …

phong lan

Hội LHPN phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại thôn PLei Sar, xã Ia Chim, Tp Kon Tum. Ảnh: Phong Lan

Trong công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội về “thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” và thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn về “thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ”, các cấp Hội đã tham gia đầy đủ các phiên giao dịch, giao ban định kỳ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay và thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động uỷ thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng quản lý tín dụng, trong kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn… Bên cạnh đó, cơ chế ủy thác, thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng còn tạo điều kiện cho các cấp Hội tham gia quản lý tốt nguồn vốn, tạo nguồn kinh phí để thực hiện kiểm tra, giám sát, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý tín dụng và lồng ghép triển khai các chương trình, kế hoạch của Hội như: phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới….

Hiện nay, các cấp Hội đều có hoạt động ủy thác tại 102/102 xã, phường, thị trấn, quản lý 652 tổ TK&VV với hơn 30 nghìn lượt hội viên, phụ nữ được vay  trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách; 43 tổ vay vốn với 741 thành viên vay trên 20 tỷ đồng theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh còn tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm với nhiều hình loại hình tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, khả năng của phụ nữ như: tiết kiệm thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng CSXH; tiết kiệm tại chi hội phụ nữ (quy định tối thiểu 5.000đ/hội viên/tháng) và các tổ “góp vốn xoay vòng” (thành viên tham gia tự quyết định về chu kỳ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm…), “vốn vay thôn, bản” (lồng ghép triển khai các chương trình, dự án tín dụng của Hội), mô hình “hũ gạo tình thương”, “nuôi heo đất”,“tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm tự nguyện” và tiết kiệm bằng hiện vật (thông qua góp cây, con giống, ngày công lao động…)… với gần 100 ngàn lượt hội viên, phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động trên, các cấp Hội đã góp phần hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức và các dịch vụ tài chính lành mạnh để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đầu tư phát triển sản xuất; giúp chị em biết sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và thực hành tiết kiệm để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đầu nhiệm kỳ XIII Đại hội Phụ nữ tỉnh (2016-2021) đến nay, đã có 676 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều; có 30 mô hình phát triển kinh tế tập thể với hơn 1.000 hội viên, phụ nữ tham gia tại các huyện/thành phố hoạt động hiệu quả, nổi bật như: Các tổ hợp tác/tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng hồng đảng sâm của huyện ĐăkGlei, Tu Mơ Rông; tổ liên kết phụ nữ trồng cà phê xứ lạnh và thu mua nông sản xã Măng Cành, huyện Kon Plông; tổ liên kết phụ nữ trồng và kinh doanh rau an toàn của huyện Đăk Tô; Tổ liên kết phụ nữ trồng lúa thơm tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà…

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống, các cấp Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước và các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để hội viên, phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; cảnh giác với các thủ đoạn, phương thức hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, rà soát, nắm chắc nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ nhất là các đối tượng phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chị em được tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất; phối hợp với ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra hạn hán, mất mùa, mất giá .

 Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào tiết kiệm trong các tầng lớp phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ đang tham gia vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Từ đó, góp phần tạo ý thức và thói quen thực hành tiết kiệm cũng như hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát huy hiệu quả nguồn vốn được huy động thông qua các loại hình tiết kiệm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tập trung thành lập và hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế tập thể  gắn với các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý hoạt động hiệu quả. Tích cực xây dựng và biểu dương, tuyên truyền các điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ làm kinh tế giỏi; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, những cách làm hay của các cấp Hội tại các địa bàn có điều kiện tương đồng./.

Bài, ảnh: Trần Thị Phong Lan-HT