Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới trong tương lai sẽ tăng hình ảnh tích cực của phụ nữ nhằm góp phần giáo dục, tuyên truyền về bình đẳng giới.

Phụ nữ không chỉ yếu mềm, đau khổ

Chị Hồ Ngọc Hương (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ: ở nhà, tôi và con gái thường thay nhau lo chuyện nội trợ, bếp núc. Có hôm con gái đi chơi với bạn, tôi đi làm về muộn, nhờ con trai lớp 7 cùng mẹ chuẩn bị bữa tối thì con lắc đầu từ chối với lý do “đó là việc của…phụ nữ”. Tôi nghĩ con có suy nghĩ đó một phần do chịu ảnh hưởng bởi sự phân chia công việc quá thiên lệch trong SGK”.

GS Hoàng Bá Thịnh, đại diện Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK phổ thông (bộ GD&ĐT), thừa nhận: hiện trong SGK sự phân chia nghề nghiệp 2 giới khá rõ. “Nam giới thường là những nhân vật có vị trí trong xã hội như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, anh hùng, công an, bộ đội. Thực tế ở lĩnh vực này có cả nữ nhưng trong SGK phần lớn phụ nữ được nhắc đến ở những công việc như làm ruộng, làm nông nghiệp, chăn nuôi, giáo viên… Như vậy vô tình đã phản ánh địa vị, vị trí trong xã hội của phụ nữ thấp hơn nam giới”, ông Thịnh phân tích.

phu nu tham chinh

Hình minh họa trong SGK luôn đặt khuôn mẫu về phân công lao động giữa nam và nữ khiến khó thực hiện về việc bình đẳng giới như yêu cầu của xã hội

Cùng theo GS Thịnh, bài học trong gia đình, những việc sinh hoạt như nội trợ, trồng rau, nuôi gà chỉ thấy hình ảnh người mẹ hoặc em gái. Nếu tiếp tục duy trì hình ảnh này sẽ ảnh hưởng đến tư duy của học sinh là những công việc đó chỉ dành cho phụ nữ. Hoặc trong Ngữ văn lớp 10 có trích dẫn những bài văn, đoạn văn cổ điển chủ yếu về thân phận người phụ nữ. Thời gian tới, trong các câu ca dao tục ngữ cần giảm bớt những câu than thở, nói về nỗi mất mát của người phụ nữ. Thay vào đó, SGK mới sẽ sử dụng những câu tục ngữ tươi sáng hơn về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong xã hội.

Tuy nhiên, theo GS Thịnh, việc xóa bỏ bất bình đẳng giới không chỉ dừng ở phụ nữ mà cần cân đối ở hai giới. Bởi cái nhìn cũng có sự thiên lệch tiêu cực với nam giới trong SGK. Ví dụ, những hành vi như nghịch ngợm, làm hư hỏng đồ, vi phạm luật giao thông…hầu hết gắn với nam giới. Bộ SGK mới sẽ có sửa đổi về hình ảnh và nội dung nhằm tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới, sẽ không còn mô tuýp người phụ nữ gắn liền với những việc yếu, việc nhỏ còn nam giới làm những việc lớn, nhiều sức mạnh.

Mẹ nai lưng làm, bố ngồi đọc sách

Bà Trần Phương Nhung, Giám đốc chương trình về giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, cho rằng, không thể thay đổi những câu chuyện, sự kiện lịch sử nhưng khi lấy các tư liệu biên soạn chương trình SGK cần lưu ý tỷ lệ. Các nhân vật lịch sử chúng ta có cả nam, nữ. Tại sao không đưa một cách công bằng để giảm suy nghĩ sai lệch rằng, chỉ có nam giới mới có thể làm được những việc lớn. Điều này càng không đúng với xã hội hiện nay. Như ở cuốn Tự nhiên Xã hội lớp 1, người mẹ thì phơi quần áo, giặt giũ, nấu cơm, đi chợ còn bố ngồi đọc sách.

Câu chuyện định kiến giới không thể giải quyết được nếu chỉ trông đợi vào SGK. “Khi chúng tôi tiếp xúc với đội ngũ các nhà quản lý, giảng viên của các trường sư phạm, là nơi đào tạo ra các thầy cô giáo tương lai thì nhận thấy định kiến giới vẫn tồn tại ngay ở những giảng viên. Có cô giáo nói rằng: phụ nữ chỉ nên dịu dàng còn nam giới mới phải mạnh mẽ. Phụ nữ phải đi kiếm tiền thì mệt lắm!”, bà Nhung nói. Thậm chí, nhiều giảng viên sau khi được tập huấn, nhìn lại những bài đã soạn mới ngỡ ngàng nhận ra những bài soạn của mình trước đây cũng có những định kiến giới mà bản thân không biết.

Tăng hình ảnh tích cực về phụ nữ trong SGK là một trong những điểm mới trong dự án “Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn” do Bộ GD&ĐT và UNESCO tại Việt Nam phối hợp thực hiện.


Nguồn: phunudanang.org.vn-HT