Đó là khẳng định của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, tại Hội thảo về công tác phụ nữ giai đoạn hiện nay.

ba-truong-thi-mai-1-of-1

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H. Hòa

Ngày 4/8, Hội LHPNVN tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra với công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay và giải pháp” nhằm phục vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, cho rằng: Năm 2007, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ban hành đã đề cập đến thách thức với phụ nữ liên quan đến trình độ, việc làm; ảnh hưởng của quá trình phát triển, sự thay đổi giá trị văn hóa truyền thống tác động đến gia đình hiện đại; bạo lực đối với phụ nữ…  Sau 10 năm, chúng ta cần làm rõ trong những thách thức này, có những thách thức nào đã trở thành cơ hội và xuất hiện thách thức mới. Qua đó đưa ra mục tiêu cụ thể, tìm giải pháp đột phá, hướng đi phù hợp để đưa Nghị quyết 11 có bước tiến lên.
Theo bà Trương Thị Mai, trong các nội dung này thì việc tiếp tục cải tiến thể chế, yêu cầu lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật là trọng điểm.

Xem thêm video phát biểu của bà Trương Thị Mai: tại đây

Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị, thời gian tới, Hội LHPNVN cần tiếp tục quán triệt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ về công tác phụ nữ, bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức, cũng như của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các đại biểu cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả thực thi và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới; tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chăm lo xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện và xây dựng gia đình hạnh phúc…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chung nhận định việc đảm bảo bình đẳng giới ở nước ta có nhiều tiến bộ vượt bậc. Phụ nữ được nâng cao trình độ về học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống. Phụ nữ tham gia nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng hơn trên nhiều lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn cho gia đình và xã hội; điều kiện sống của đại đa số phụ nữ, trẻ em gái được cải thiện; kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, về chăm sóc sức khoẻ được nâng lên; tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, sức khoẻ tiếp tục được cải thiện…

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp cơ bản tăng qua các nhiệm kỳ; 40% các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương có nữ lãnh đạo chủ chốt; 38% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân…

PVH

Nguồn: http://phunuvietnam.vn-HT