Sáng chủ nhật, hơn 8 giờ, căn nhà nhỏ của chị Ngô Thị Ly ở làng Kon Nhên, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đã tập trung khá đông bọn trẻ. Hơn 30 chục cháu trai, gái, lớn, nhỏ ngồi trật tự, say sưa nghe chị Ly kể chuyện theo sách.Giữa đoạn, nhiều cháu giơ tay xung phong trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung tiếp thu.

ly

Chị Ngô Thị Ly – cùng các em nhỏ đọc sách tại “Thư viện của bé”

Em Y Quỳnh – HS lớp 8, trường THCS Đăk Ruồng chia sẻ: Từ khi cô Ly mở “thư viện” tại nhà, chúng cháu có chỗ đọc sách, sinh hoạt vui lắm. Cô còn tổ chức trò chơi, liên hoan văn nghệ. Thỉnh thoảng, chúng cháu lại được ăn bánh kẹo, ăn chè … Bạn nào cũng thích đến đây…

Thư viện nhỏ tại gia của chị Ngô Thị Ly mang tên “Thư viện của bé”, được ra đời cuối tháng tư năm 2016, nhờ tâm huyết của “gia chủ” và sự chung tay góp sức của những người “ tình nguyện”.
Nguyên là cán bộ, Bí thư Chi đoàn Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Kon Rẫy, đầu năm 2016, chị Ly được chuyển về công tác tại xã Đăk Ruồng, phụ trách địa chính- xây dựng. Gia đình ở làng Kon Nhên (Thôn 8), nơi có 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na địa phương. Gần gũi với bà con, trong những lần sang chơi ở các gia đình hàng xóm, chị  Ly  nhận thấy một thực tế, là mặc dù cuộc sống còn khó khăn, song không ít gia đình đã cố gắng mua sách, truyện cho con đọc. Tuy vậy, sau khi đọc xong, nhiều cháu tùy tiện xé bỏ, rất lãng phí. Không bỏ qua “chuyện không phải của nhà mình”, chị trao đổi với các bậc cha mẹ và gợi ý để các cháu có truyện, sách, sau khi đọc xong, tự góp lại, mang tới “ gửi” ở nhà cô Ly để các bạn đến chơi cùng đọc. Vận động các cháu, chị Ly bảo, đó cũng là cách “trao đổi”, để các cháu có thể cùng đọc nhiều quyển sách hay.
Việc nhỏ tưởng ít người để ý, đã nhanh chóng được các cháu ủng hộ. Vài ba chục đầu sách ban đầu đã thu hút các cháu đến đọc, hỏi han, trao đổi. Nung nấu ý định thành lập tủ sách để giúp các cháu có nơi vui chơi, sinh hoạt  của chị Ly chưa có điều kiện thực hiện. Tuy vậy, một dịp may đã đến, biến ước mơ của người nữ Đảng viên trẻ thành hiện thực. Cuối tháng 4/2016, là thành viên nhóm tình nguyện “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” của hội Liên hiệp thanh niên huyện, chị Ly tham gia hoạt động  phối hợp với nhóm “Xe Bus yêu thương” của các bạn trẻ thành phố Hồ Chí Minh về thăm và tặng quà trẻ em xã Đăk Tơ Lung. Đồng cảm với ý định của chị, nhóm “Xe bus yêu thương” đã tặng 50 đầu sách mới. Phấn khởi, tự tin, Ly tiếp tục “mở lời” qua mạng xã hội, may mắn được bạn bè, anh em ủng hộ. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ thiết thực của các cô giáo trường Tiểu học Đăk Tơ Lung, Tiểu học Lê quý Đôn, Trung học cơ sở Đăk Ruồng…, số đầu sách, truyện được bổ sung nhanh chóng.
Hiện nay, “Thư viện của bé” đã có “vốn liếng” khoảng 1.000 đầu sách các loại dành cho thiếu nhi. Thu hút các cháu đọc nhiều nhất là truyện cổ tích, truyện tranh, truyện về  tuổi nhỏ của các danh nhân, sách tìm hiểu về tự nhiên… Ngô Thị Ly chia sẻ, là mẹ của hai con nhỏ, chị không tránh khỏi băn khoăn, lo ngại trước tình trạng các cháu bị lôi kéo vào Net, các trò Game tầm phào, bạo lực, hoặc rong chơi, lêu lổng.Vì vậy, hình thành “Thư viện của bé”, chị đã thỏa ước muốn nho nhỏ góp phần tạo địa điểm sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các cháu ở khu dân cư.
Sau gần một năm ra đời, “Thư viện của bé” đã duy trì hoạt động đều đặn mỗi tuần hai buổi vào thứ 6, thứ 7, hoặc thứ 7, chủ nhật. Ngoài ra, khi cần, các cháu cũng có thể đến mượn sách đọc và tham khảo. Căn nhà nhỏ của chị Ly đã trở thành điạ chỉ quen thuộc của lũ trẻ làng Kon Nhên.Ở đây, không chỉ đọc sách, các cháu còn được cô Ly kết hợp chỉ dạy kỹ năng sống, hướng dẫn làm một số đồ dùng đồ chơi đơn giản … Em Y Ngang – HS lớp 4, Trường tiểu học Lê quý Đôn ( Xã Đăk Ruồng) bảo, có gì thắc mắc, nhờ giải thích, cô chỉ bảo chúng em rất tận tình.
Hình thành tự phát song hoạt động hiệu quả, “Thư viện của bé” đã nhận được  sự quan tâm động viên, khích lệ của xã Đăk Ruồng. Từ tháng 11/2016, mỗi tháng, xã hỗ trợ 300.000 đồng để tổ chức sinh hoạt tập thể, vui chơi, liên hoan cho các cháu. Chị Trần Thị Thúy – Cán bộ phụ trách dân số – kế hoạch hóa gia đình, thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em xã Đăk Ruồng cho biết.
Không tính toán, vụ lợi, “Thư viện của bé” của chị Ngô Thị Ly ra đời bằng cái tâm cái tình với các cháu nhỏ và cộng đồng, thực sự là việc làm vô cùng ý nghĩa. Sẽ càng ý nghĩa hơn, khi mô hình thiết thực này được tổ chức Đoàn, Hội, cơ quan chức năng tìm hiểu, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng, góp phần  xã hội hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở khu dân cư, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân  tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà
Nguồn: http://www.kontum.gov.vn-HT