Cùng với việc trồng cà phê, bời lời, chăn nuôi, chị Y Bia và Y Ni ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) còn mạnh dạn trồng thử nghiệm sâm dây, sâm đương quy để phát triển kinh tế. Đến nay, diện tích sâm đã cho thu hoạch, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi ra vườn sâm dây, sâm đương quy xanh mướt, chị Y Bia phấn khởi cho biết, chị mới xuống giống trồng thử nghiệm vài luống sâm dây vào tháng 6/2016 và vừa rồi, đã thu hoạch được 40kg củ lớn. Với giá bán 150 ngàn đồng/kg, chị thu về được 6 triệu đồng. Cùng với đó, chị cũng thu bói củ lớn sâm đương quy, bán được 5-6 triệu đồng. “Công chăm bón không bao nhiêu nhưng hiệu quả kinh tế từ 2 loại này rất cao” – chị Y Bia nói.

Theo lời chị Y Bia, trước đây, bà con trong làng chủ yếu khai thác sâm từ trong rừng về để sử dụng, bán lấy tiền chứ ít ai biết trồng sâm dây, sâm đương quy. Năm 2016, thấy việc khai thác rồi sâm cũng sẽ cạn kiện, trong khi hiệu quả kinh tế từ 2 loài cây dược liệu này lại cao nên chị mạnh dạn làm đất, xuống giống trồng.

Chị Y Bia bên vườn sâm dây

Chị Y Bia bên vườn sâm dây. Ảnh: B.A

“Mình mua củ về, cải tạo đất rồi trồng. Lúc đầu trồng thử nghiệm mình cũng lo lo không biết cây có sống hay không nhưng rồi qua quá trình chăm bón, sâm phát triển rất tốt” – chị Y Bia nói.

Đầu tiên chị trồng sâm đương quy, sau đó chị tiếp tục trồng sâm dây. Qua quá trình thu hoạch, vừa rồi, chị Y Bia quyết định nhân rộng diện tích lên 3 sào sâm dây và đương quy. Chị nói rằng, giá cả sâm tương đối ổn định, việc chăm sóc cây cũng dễ dàng nên trong thời gian tới, nếu có điều kiện, chị sẽ tiếp tục vay vốn, mở rộng diện tích.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Y Bia nói rằng, cùng với sâm dây, 2 năm nay, 1ha cà phê, bời lời của chị đã cho thu hoạch, giá cả tương đối ổn định, đem lại thu nhập mỗi năm của gia đình lên gần 100 triệu đồng.

Tương tự chị Y Bia, trên mảnh đất Mường Hoong còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị Y Ni ở thôn Làng Mới cũng cố gắng bắt đất đẻ ra tiền. Chị Y Ni cho biết, thoạt đầu gia đình chị trồng 2ha cà phê, bời lời (trồng xen). Khoảng giữa năm 2016, nhận thấy sâm dây, sâm đương quy cho giá trị kinh tế cao, chị mạnh dạn làm đất và trồng khoảng 1 sào sâm dây và đương quy.

Sau nửa năm, tháng 2/2017 vừa qua, vườn sâm nhà chị đã cho thu hoạch. “Khi sâm có củ, tôi chọn củ to bán trước. Vừa rồi, sâm dây có giá 130 ngàn đồng/kg, tôi bán được 5 triệu tiền sâm dây và hơn 3 triệu tiền sâm đương quy (40 ngàn đồng/kg)” – chị Y Ni nói.

Hiện tại, 1 sào sâm dây, sâm đương quy của chị đang tiếp tục phát triển, ngoài bán củ lớn, chị còn bán thêm được hơn 1 triệu tiền giống cho chị em trong làng. Trước hiệu quả kinh tế mà 1 sào sâm đưa lại, chị cho biết, sắp tới sẽ trồng 3 sào sâm.

“Việc chăm sóc sâm dây, đương quy đỡ vất vả hơn cây cà phê. Hơn thế, đây là cây ngắn ngày, giá cả cũng tương đối ổn định nên trồng sâm có thể giúp phát triển kinh tế. Ngoài trồng sâm bán, sắp tới tôi sẽ thu mua sâm của bà con” – chị Y Ni cho biết.

Chị Y Ni với sâm đã thu hoạch

Chị Y Ni với sâm đã thu hoạch. Ảnh: B.A

Ngoài trồng sâm dây, sâm đương quy, chị Y Ni cũng nuôi thêm 20 con heo, chăm bón thêm cà phê, bời lời để có thêm thu nhập. Đến nay, bình quân, mỗi năm chị thu vào hơn 100 triệu đồng.

“Chị Y Ni, chị Y Bia là những phụ nữ dám nghĩ, dám làm, vươn lên phát triển kinh tế. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh thành lập 1 tổ phụ nữ DTTS liên kết trồng sâm dây tại xã và hiện tại các chị em đã xuống giống trồng. Với những kinh nghiệm sẵn có, chị Y Bia và Y Ni sẽ cùng với Hội LHPN xã giúp cho các chị em trong tổ liên kết kĩ thuật trồng, chăm bón để đem lại hiệu quả kinh tế từ 2 loại cây dược liệu này” – chị Y Đương – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết.

Bình An 

Nguồn: baokontum.com.vn-HT