An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại được toàn xã hội đặc biệt quan tâm và gióng lên hồi chuông báo động như hiện nay.

“Bệnh tùng khẩu nhập”, đúng vậy. Phần lớn bệnh tật của con người đều xuất phát từ chế độ ăn uống, thành phần dinh dưỡng của các bữa ăn hàng ngày. Nếu chế độ ăn uống khoa học, nguồn thức ăn sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ giúp con người khỏe mạnh. Nguồn gốc thực phẩm không an toàn là nguyên nhân chính gây nên những vụ ngộ độc thức ăn, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người, sự duy trì nòi giống và sự suy vong của dân tộc.

Trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức, gây tâm lý hoang mang lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội. Bữa ăn gia đình ngày càng được quan trọng hơn bởi đó là nơi đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình. Trong việc chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình, người phụ nữ là người trực tiếp mua, bán và quyết định lựa chọn nguồn thực phẩm cho gia đình. Nhận thức được tầm quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn”   

Hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2016, với chủ đề “Tiếp tục tăng cường, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, các cấp Hội đã tổ chức gần 200 buổi tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm rau, thịt an toàn. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người phụ nữ trong việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn sản xuất rau, thịt; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho rau, sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đúng quy định.

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” , các chi hội đã lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hàng tháng, tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, bữa ăn dinh dưỡng hợp lý; phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tay- chân- miệng cho 21.048 hội viên, phụ nữ; vận động chị em tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tham gia các đoạn đường do phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường.

Vận động hội viên phụ nữ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo gắn liền với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như mô hình: trồng cây chanh và nuôi giun quế làm thức ăn cho cá tầm; nuôi heo sọc dưa, heo địa phương với thức ăn sạch trong vườn. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh như “cà phê Đăk Hà“; “Rượu sâm Ngọc Linh“, “Cá hồi, cá tầm, rượu sim Kon Plong” … và các sản phẩm từ các mô hình kinh tế tổ phụ nữ liên kết như mô hình “Hồng Đẳng sâm” (Tu Mơ Rông); mô hình “Trồng nấm bào ngư(Đăk Hà);Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo sọc dưa(Đăk Tô), “Tổ phụ nữ liên kết trồng chuối” (Sa Thầy), Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch xứ lạnh” (KonPLong) do Hội đang triển khai thực hiện.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2016) các cấp Hội đã chú trọng việc tổ chức giao lưu ẩm thực, Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”… hoạt động này không chỉ nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam mà điều quan trọng là hướng dẫn  chị em cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn trong chế biến thức ăn hàng ngày cho gia đình.

Để có cơ sở chỉ đạo công tác tuyên truyền thực hiện VSATTP trong hội viên, phụ nữ có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm và Quyết định số 617/QĐ-UBND, ngày 04/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Kế hoạch hành động giai đoạn đến năm 2015 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả mang lại trong công tác thực hiện VSATTP ở các cấp Hội phụ nữ vẫn còn nhiều hạn chế. Xác định được tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ, các chị em nội trợ thực hiện tốt vai trò của người “ Tay hòm chì khóa” để mang lại cho gia đình những bữa ăn không chỉ ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng mà còn là bữa ăn “ sạch-an toàn”. Các cấp Hội sẽ tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:

– Tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến hội viên, phụ nữ, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Vận động người tiêu dùng tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biến chất, đồng thời lên án các tổ chức, cá nhân vì mục đích lợi nhuận, xem thường sức khỏe người tiêu dùng cố tình sản xuất, kinh doanh những thực phẩm không bảo đảm chất lượng, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến nòi giống, dân tộc, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.

– Tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, mô hình thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể an toàn để chăm lo tốt hơn sức khỏe cho mỗi gia đình; tiếp tục cam kết thực hiện ba không “Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn”.

Thùy Linh