Thống kê chưa đầy đủ, 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 lao động; trong đó, khoảng 650 lao động là phụ nữ DTTS đã đi xuất khẩu lao động với mong ước cải thiện cuộc sống gia đình. Thay vợ, những người chồng đảm nhận cả vai trò làm cha, làm mẹ để chăm sóc các con và quán xuyến việc nhà.

Năm 2016, anh A Long ở xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) có vợ Y Ngăm đăng ký đi xuất khẩu khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út. Đến nay, chị đã xa quê hương được 2 năm. Ngần ấy thời gian không có vợ ở nhà, anh Long đã phải sắp xếp thời gian đi rẫy, chăm sóc 2 con nhỏ đang tuổi đến lớp và quán xuyến cả việc đối nội, đối ngoại khi cần.

Đều đặn hàng tháng vào một ngày cố định, anh Long xong việc đưa các con đến trường đã tranh thủ về huyện Đăk Hà nhận tiền vợ chuyển từ nước ngoài về, (thông qua công ty đưa chị Ngăm đi làm việc). Gặp anh tại đây, A Long chia sẻ, gia đình chỉ có 2 sào đất sản xuất lúa, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, nên cuộc sống quá khó khăn khi sinh lần lượt 2 con nhỏ dưới 10 tuổi. Ngăm đi làm ở nước ngoài, suốt thời gian làm việc ở đấy, vợ của anh may mắn được chủ sử dụng lao động quan tâm. Hai tháng một lần, số tiền lương cộng thêm các khoản cho khác gần 16 triệu đồng được gửi về Việt Nam. Đến nay, anh đã có 4 lần nhận các khoản tiền vợ chuyển về để trang trải mọi sinh hoạt trong nhà.

xk

A Long trò chuyện và nhận tiền vợ gửi lương lao động ở nước ngoài về

(thông qua tài khoản nhận dùm của cán bộ công ty hoạt động XKLĐ). Ảnh: M.T

Anh đã sử dụng 35 triệu đồng trong tổng số gần 100 triệu đồng do vợ gửi về để mua 2 con bò mẹ sinh sản, với hy vọng phát triển thành đàn gia súc lớn. Anh còn thông tin, lúc rảnh rỗi, vợ chồng còn điện thoại, bàn bạc sẽ xây nhà trong năm 2018, khi các khoản tiền lương của chị được chuyển về thêm. “Em cũng gọi điện thoại động viên Ngăm cố gắng làm việc tích cóp ít vốn  để dành mua đất sản xuất. Bản thân em ở Kon Tum cũng nỗ lực chịu khó đi làm thêm, lo cho 2 con có cuộc sống tốt hơn” – Long nói thêm.

Vợ chồng chị Y Ngol ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) còn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn gia đình trẻ A Long. Đó là, bố mẹ chồng chị Y Ngol đã lớn tuổi, quanh năm đau ốm. “Gần 10 năm lấy nhau, vợ chồng không có tài sản gì quý giá. Ngôi nhà đang ở cũng thuộc đất của bố mẹ. Năm 2015, vợ chồng thấy quá khó tìm việc ổn định, nên cả hai quyết định đăng ký tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” – anh A Linh (chồng chị Y Ngol) tâm sự.

Tuy nhiên, sau thời gian đi phỏng vấn, chị Ngol được tuyển dụng. Anh Linh đã  quyết định để vợ đi xuất khẩu lao động. 3 năm qua, anh đã thay chị đưa đón các con đi học hàng ngày. Công việc nấu nước, quét dọn nhà cửa và chăm sóc bố mẹ thường xuyên đau ốm lúc trước Y Ngol đảm đương, nay anh Linh phải xắn tay tự giải quyết. Anh Linh kể: Khi vợ mới đi, tôi đi chợ mua mớ cá, bó rau cũng hơi…xấu hổ. Nhiều lúc mua thứ này, lại quên thứ khác. Một ngày đi chợ tới lui đến vài lần. Hôm khác giặt đồ cho cả nhà, các con cứ ca thán giặt quần áo không sạch bằng mẹ…

Anh Linh chịu cảnh vất vả quán xuyến việc nhà gần 3 năm qua, nhưng đổi lại, chị Y Ngol đi làm ở Ả Rập Xê út gửi tiền về từ 9 – 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này cũng đủ anh chi tiêu cho 5 nhân khẩu ở nhà. Bản thân anh còn tranh thủ đi làm thuê để cố gắng tích cóp cùng vợ, chăm các con học hành đạt loại khá giỏi ở địa phương.

Anh còn tâm sự, vợ  hy sinh, xa chồng con, xóm làng đi làm, kiếm tiền ở nước ngoài không có người quen bên cạnh, khó khăn, vất vả bội phần. Vậy nên tôi cố gắng thật nhiều, vì đó còn là tình thương và trách nhiệm với thành viên còn lại của gia đình.

 Chị T.T.M.H – Cán bộ của Văn phòng đại diện Công ty Thăng Long hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh cho hay, từ  năm 2015 đến nay, đã tuyển hơn 70 lao động đi làm việc ở ngoài, thì trong đó có khoảng 50 phụ nữ chủ yếu là giúp việc gia đình tại Malaysia và Ả Rập Xê út.

Chị H cũng nhận xét, quá trình tư vấn lao động nữ đi làm việc xa quê hương, công ty chị thường tổ chức nói chuyện với cả gia đình hiểu rõ mục đích, thông điệp tốt đẹp của việc đi xuất khẩu lao động là cải thiện, nâng cao mức sống. Qua đó, không ít nam giới tại các làng DTTS có ý thức vươn lên, sẵn sàng cho vợ đi làm thêm, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều người còn nói vui việc nấu cơm, giặt quần áo, đưa đón các con có thể lúc đầu sẽ khó khăn, nhưng không thể không vượt qua được.

Đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, vài năm trở lại đây, nhiều gia đình DTTS có người thân xuất khẩu lao động đã có sự chuyển biến tích cực về tăng thu nhập, nâng cao ý thức và tay nghề đào tạo. Tuy nhiên, ông A Kang – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhận xét: Bên cạnh ưu điểm là tạo thói quen, tính tích cực và có thu nhập ổn định qua lao động cho bà con thì qua báo cáo của các phòng chuyên môn, qua phản ánh cơ sở, vẫn có trường hợp vợ đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, người chồng lại đưa tiền đi uống rượu, tiêu xài phung phí.

Chung phản ánh của ngành chức năng, chị T.T.M.H cũng chia sẻ, bản thân chị đã phải đứng ra can thiệp 4 trường hợp phụ nữ đi làm nước ngoài gửi tiền về, nhưng chồng đến đơn vị ký nhận 10 – 20 triệu đồng mang ra quán nhậu mời bạn bè. Có trường hợp con rể thường xuyên say rượu, bố mẹ vợ thấy xót thương đồng tiền làm lụng quá cực khổ của con gái ở nước ngoài chuyển về, nên đã xuống công ty đề nghị liên lạc với con gái, thống nhất nguồn tiền lương của lao động chuyển về không đưa cho chồng, ngược lại khoản tiền này được trả nợ gốc, lãi nguồn vay hộ nghèo mà gia đình nợ nần các năm trước. “Đây là mặt tiêu cực cần có hướng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người chồng. Để việc này không tăng gánh nặng lo lắng cho người lao động xa nhà, dẫn đến không phát huy năng lực làm việc, phá vỡ hợp đồng trước thời hạn và ảnh hưởng đến hoạt động chung của xuất khẩu lao động trên địa bàn” – chị H đề xuất.

Mai Trâm

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT