Đến thăm gia đình chị Đỗ Thị Thanh Long, số nhà 45 Nguyễn Bặc, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, chúng tôi đã không khỏi cảm phục trước ý chí, nghị lực của chị – một nạn nhân chất độc da cam. Chị cho biết, ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam từ cha chị, mới sinh ra mắt chị đã rất yếu và theo thời gian mọi thứ ngày càng mờ dần.

Ông Đỗ Tiến Thắng là cha của chị Long, hiện ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Lê Lợi. Ông Thắng cho biết, trong những năm tháng tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam, ông bị nhiễm chất độc da cam và nay mang trên mình di chứng của chất độc da cam 66%.

Ông Thắng kể, tháng 10/1967, khi ấy ông mới 17 tuổi, đã hăng hái tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, và trở thành người lính trực tiếp tham gia kháng chiến tại chiến trường Tây Ninh và mặt trận biên giới Việt Nam – Campuchia.

Vừa nhấp ngụm trà đặc, ông Thắng nhớ lại: Những ngày đầu tiến quân ra mặt trận Tây Ninh, cả đội phải đi bộ tận 6 tháng đường rừng núi. Trên đường hành quân, anh em phải đối mặt với máy bay địch ném bom, rải chất độc da cam… chưa kể có những lúc sốt rét đến run người. Ấy vậy mà không ai có một lời phàn nàn, than thở, mọi người động viên nhau hành quân suốt cả những chặng đường gian khổ.

20180812154846anh-1-bac-thang-va-chi-long-dang-ke-ve-qua-trinh-hoc-dai-tai-da-lat-1-

Bác Thắng và chị Long đang kể về quá trình học đại tại Đà Lạt. Ảnh: T.T

Ông Thắng cho biết, trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường khốc liệt, ngoài những anh em bị thương, hy sinh trong chiến trận, cũng có rất nhiều người bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam. Bởi, hầu hết cán bộ, chiến sĩ khi ấy phải sinh hoạt trong vùng bị rải thảm chất độc hóa học. Mặt khác, khi ấy bộ đội ta vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm mà chất độc da cam gây ra, nên việc phơi nhiễm là khó tránh khỏi.

Ông Thắng tâm sự: Tại mặt trận biên giới Việt Nam Campuchia, chiến trường rất khốc liệt, Mỹ, ngụy tấn công ngày đêm. Chúng rải chất độc hóa học khắp cả vùng. Ở những nơi này, cây cối của những cánh rừng trở nên khô héo, đến cỏ cũng không mọc được. Nguồn nước bị nhiễm, bộ đội ta ốm đau nhiều, trong đó có rất nhiều người bị nhiễm chất độc da cam. “Từ ngày bắt đầu tiến quân (tháng 10/1967), tính cả tôi là gồm 13 người xuất thân từ huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ấy vậy mà đến tháng 12/1968 chúng tôi chỉ còn lại 8 người” – ông Thắng trầm ngâm kể lại.

Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1976, ông Thắng lập gia đình và định cư tại Kon Tum. Hiện gia đình ông Thắng có 3 người con, con trai đầu và con gái út khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, chị Long – con gái thứ 2 của ông Thắng, lại có thị lực kém từ nhỏ. Tuy nhiên, chị vẫn học tập bình thường như bao bạn đồng trang lứa khác, có thành tích học tập xuất sắc. Theo thời gian, mắt của chị Long ngày càng mờ dần. Vào năm chị học lớp 8, vì thị lực bị suy giảm nghiêm trọng, nên ông Thắng quyết định đưa chị đi Hà Nội chữa bệnh.

Ông Thắng chia sẻ: Trước khi đưa Long đi khám, tôi thực sự tin rằng sẽ chữa lành hoàn toàn đôi mắt cho con. Tôi dự định sau khi chữa trị xong, sẽ đưa Long về quê chơi để thăm bà con, họ hàng. Vậy mà, khi nghe bác sĩ nói không thể làm gì được, bởi đây là di chứng từ chất độc da cam, tôi gần như chết lặng. Cảm giác như tôi không thể đứng vững được nữa. Từ hy vọng đến sụp đổ chỉ cách nhau bởi một lời nói từ bác sĩ. Phải mất 3 ngày tại nhà trọ, tôi mới có thể bình tĩnh lại. Tôi quyết định không về thăm quê  mà đi thẳng vào Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra lại kết quả lần nữa. Tuy nhiên, những gì tôi nhận được cũng chỉ là một kết quả tương tự…

Nghịch cảnh là thế, nhưng không vì vậy mà chị Thanh Long buông bỏ việc học của mình. Với sự nỗ lực hết mình và sự quan tâm động viên, giúp đỡ từ gia đình, chị Long tiếp tục việc học đến hết lớp 12. Không những thế, năm 2002, chị còn thi đậu ngành công nghệ môi trường của Đại học Đà Lạt.

Chị Long chia sẻ: Những năm tháng đi học, chị luôn phải tập trung cao độ, trong lúc thầy cô giảng bài. Bởi bản thân không thể tham khảo sách vở được, nên phần lớn kiến thức chị tiếp thu đều thông qua nghe giảng. Sau thời gian trên trường, mỗi tối, chị đều nhờ bố mẹ đọc lại những phần bạn bè chép hộ. Có những lúc, chị phải sử dụng kính lúp để soi từng chữ để đọc…

Ông Thắng nhớ lại: Vào năm Long thi đại học, tôi dẫn con đến tận phòng thi. Lúc đầu giám thị phòng thi không cho, nhưng khi biết đến tình cảnh của cháu, thầy cô đã đồng ý. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in lời của thầy giám thị: “Ra nhanh lên bác ơi, đến giờ phát đề là không thể ra được nữa đâu!”

Chị Long kể lại: Đỗ đại học, bước vào môi trường mới,  đối với tôi là cả một thách thức lớn. Không có gia đình bên cạnh, việc sinh hoạt, đi lại cũng gặp không ít khó khăn. Việc học tập ở trường đại học cũng khác khi học phổ thông, thầy, cô giảng bài thông qua trình chiếu, không còn đọc chép như khi học cấp 3, vậy nên việc tiếp thu kiến thức của tôi rất hạn chế. Có những lúc, nghe tiếng bạn bè hí hoáy chép bài trong khi mình chẳng thể làm gì mà bật khóc. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa! Tuy nhiên may mắn thay, trong thời gian đi học, tôi đã có một người bạn thân luôn tận tình giúp đỡ tôi vượt qua những mặc cảm và cản trở trong sinh hoạt, học tập…

Tốt nghiệp đại học, vì thị lực hạn chế, chị Long biết không thể tìm được công việc phù hợp với ngành mình đã học. Vậy nên, chị đã quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghiệp vụ sư phạm 6 tháng để có thể đi theo con đường dạy học.

Trời không phụ công người, sau bao cố gắng, tháng 9/2007, chị được nhận vào làm việc tại Trung tâm Khiếm thị Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Long nói: Lúc đó, tôi thấy hạnh phúc lắm, bởi những cố gắng, nỗ lực mà mình bỏ ra đã không lãng phí. Tôi đã có thể kiếm được tiền để tự nuôi sống mình và đỡ đần bố mẹ!

Gắn bó với công việc dạy học được 3-4 năm, chị Long mong ước được làm việc tại Kon Tum để có thể  gần gũi với gia đình. Năm 2010, chị nộp đơn xin việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum và đã được đơn vị nhận. Tại Kon Tum, Trung tâm đã phân công chị dạy học tại lớp dành cho trẻ khiếm thị của điểm trường Tiểu học Quang Trung, và chị đã gắn bó cho đến tận bây giờ.

Năm 2014, chị kết hôn với anh Nguyễn Hoàng Hội. Sau khi kết hôn, gia đình chị đã chào đón 2 thành viên. Cả 2 cháu nhỏ đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Chị cũng cho biết, chồng chị rất quan tâm và đỡ dần chị trong cuộc sống hàng ngày.

Tâm sự với tôi, chị Long nói: Em thấy không, cuộc sống này không bao giờ lấy đi của ai tất cả mọi thứ. Cũng giống như cuộc đời chị, dù bị thiệt thòi đôi mắt, nhưng luôn gặp được những người tốt trên mọi con đường mà chị đi qua. Dù không được như những người khác, nhưng chị cảm thấy hài lòng, và hạnh phúc với những gì mình đang có.

Trước ý chí, nghị lực và cách nhìn của chị Long về cuộc sống, tôi chợt nhớ đến câu nói: “Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn, 90% còn lại là cách bạn phản ứng lại với nó”.

Tất Thành

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT