Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Kon Tum là bằng chứng to lớn về việc quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng từ lâu của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã tự động nổi dậy giành chính quyền.

tải xuống

Khác với nhiều tỉnh trong nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum diễn ra khi chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng thiếu một tổ chức đảng lãnh đạo, nên chưa tạo được nòng cốt để hành động. Song, Kon Tum đã vẫn còn đó một lực lượng yêu nước đông đảo, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, đó chính là các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Sau khi đảo chính Pháp để nắm quyền cai trị Đông Dương, ở tỉnh Kon Tum, Nhật lập nên chính quyền tay sai do Hà Ngại làm tỉnh trưởng. Trước những biến đổi lớn của tình hình, một số thanh niên yêu nước trong tỉnh (chủ yếu là giáo viên, viên chức) đã đứng ra tập hợp, thành lập các tổ chức thanh niên tiến bộ, vận động quần chúng tham gia các hoạt động xã hội như bài trừ nạn cờ bạc, chống trộm cắp… Đồng bào các dân tộc trong tỉnh liên tiếp đưa yêu sách phản đối, gây áp lực, yêu cầu Tỉnh trưởng Hà Ngại điện ra chính quyền Nam triều thả 72 tù chính trị Cộng sản còn bị giam ở Đăk Tô trong tháng 3-1945. Những ngày của tháng 6 và tháng 7-1945, phong trào kháng Nhật, cứu nước phát triển mạnh trong cả nước; khí thế khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng đất nước khắp nơi dội về làm nức lòng người dân Kon Tum đang chờ ngày nổi dậy.
Chịu ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, phấn chấn trước thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều nơi trong cả nước, nhóm trí thức, viên chức yêu nước và một số binh sĩ tiến bộ như Tôn Thất Hy, Hoàng Lẫm, Nguyễn Năng Tịnh, Võ Văn Dật… đã bí mật họp vào tối 23-8-1945, vạch ra kế hoạch tổ chức giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị công phu, thống nhất do ông Võ Văn Dật phụ trách quân sự, đã thăm dò thái độ của lính bảo an ở các đồn, tìm cách thu chìa khóa các kho súng đạn và vận động binh lính hạ vũ khí, tiếp đón lực lượng khởi nghĩa; đồng thời, điện báo trước cho các đồn trưởng Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Glei và các công sở tại tỉnh lỵ như: Tòa sứ, Dinh quản đạo, Bưu điện… chuẩn bị sẵn sàng trong thế bàn giao cho cách mạng.
Sáng ngày 25-8-1945, Đoàn lực lượng khởi nghĩa với danh nghĩa Việt Minh từ Gia Lai lên phối hợp giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên suốt từ cầu Đăk Bla đến Bưu điện, Dinh Tỉnh trưởng, Đồn lính bảo an, Đoàn được đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum với hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sàng hoan nghênh chào đón, hăng hái nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Trước khí thế cách mạng của đông đảo quần chúng, Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn. Toàn bộ cơ quan hành chính, quân sự, công sở, kho bạc… đã về tay Nhân dân. Một cuộc mít tinh đã được tổ chức ngay tại Dinh Tỉnh trưởng ở thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum được thành lập.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum diễn ra nhanh gọn, thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu, hòa nhập với cao trào Tổng khởi nghĩa cả nước. Thắng lợi này, cũng như trong cả nước là một mốc son trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự đổi đời chưa từng có ở mỗi một con người, ở từng gia đình và toàn xã hội Việt Nam. Từ thân phận của người dân mất nước, Nhân dân ta đã đứng lên làm cách mạng, giành lại quyền làm người, quyền sống, làm chủ quê hương, đất nước. Đó là ước vọng chính đáng của mỗi con người Việt Nam được sống trong một nước Việt Nam mới độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Kon Tum là bằng chứng to lớn về việc quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng từ lâu của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã tự động nổi dậy giành chính quyền. Trong đó, có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp qua nhiều năm từ những chiến sĩ cộng sản bị địch bắt đày lên giam cầm ở các nhà lao tại tỉnh Kon Tum. Đó là biểu hiện sinh động, nhanh nhạy về mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản với đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum; thể hiện phương pháp đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản khi bị địch bắt, tù đày, cực hình vẫn kiên trung làm công tác đảng, công tác binh vận, dân vận, thuyết phục lôi kéo được nhiều viên chức, binh lính, cai đội của địch về với nhân dân, sớm giác ngộ đi theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Điều đó nói lên vai trò, tác động đặc biệt to lớn của đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tính năng động, cách mạng của quần chúng nhân dân đã hành động đúng mục tiêu, phương pháp cách mạng do Đảng đề ra. Đó cũng là mối quan hệ đặc biệt giữa những người cộng sản và với Nhân dân, đã tích tụ và phát triển trong nhiều năm đấu tranh chống ách nô dịch hà hiếp của ngoại bang; nhất là trong cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến áp bức bóc lột, giành chính quyền về tay Nhân dân, làm nên lịch sử trong những ngày tháng 8-1945 chói lọi.
Và chính điều kiện khách quan ấy đã đặt tiền đề trực tiếp cho sự trở lại của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Kon Tum.
Ngô Đức Hải. Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT