Cách đây 33 năm (ngày 12/8/1991) sự kiện Kon Tum được thành lập lại là cột mốc quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới của tỉnh ta. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong suốt những năm qua, Kon Tum đã có những bước chuyển mình rõ nét, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai – Kon Tum bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, đến ngày 12/8/1991 tỉnh Gia Lai – Kon Tum chính thức được chia tách theo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII.

153723Diện mạo đô thị Kon Tum ngày càng khang trang, đổi mới. ảnh Nguyễn Ban

Diện mạo đô thị Kon Tum ngày càng khang trang, đổi mới. Ảnh: Nguyễn Ban

Trở về với vai trò đơn vị hành chính cấp tỉnh, thời gian đầu chúng ta cũng phải đối mặt không ít trở ngại, thách thức. Đó là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém; quy mô kinh tế nhỏ; y tế, giáo dục thiếu thốn; cuộc sống người dân nghèo khó.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với ý chí, khát vọng vươn lên; Đảng bộ, chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên và đã gặt hái được những thành tựu quan trọng trên mọi mặt.

Kinh tế ngày càng phát triển, đặc biệt, trong những năm gần đây, dù gặp phải nhiều khó khăn do tác động chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh  luôn duy trì ở mức khá, thuộc nhóm cao trong vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5%, năm 2023 đạt 7,32% và 6 tháng đầu năm nay đạt 6,47% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 30/63 tỉnh thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu như năm 1991, tỷ trọng khu vực nông- lâm nghiệp trong quy mô kinh tế chiếm 67,3% thì đến năm 2023 đã giảm xuống còn 19,17%; công nghiệp-xây dựng tăng từ 7,4% lên 32,37% và thương mại-dịch vụ tăng từ 25,3% lên 40,42%. Tiềm năng về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác và phát huy hiệu quả; hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú; sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Tỉnh ta đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến nghiên cứu và đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH.

Kết cấu hạ tầng ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, góp phần tạo diện mạo khang trang, tươi đẹp và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Theo đó, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta cũng đã ưu tiên dành các nguồn lực để xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông, từ đó, nhiều tuyến đường huyết mạch được hình thành, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận. Hệ thống đường liên thôn, liên xã ngày càng được nâng cấp đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân. Hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư đến tận các thôn làng, đến nay gần 100% hộ dân sử dụng điện.

153811Nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao

Nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao. Ảnh: T.H

Giáo dục, y tế ngày càng tiến bộ. Từ chỗ tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15-25 là trên 46% vào năm 1991, đến nay, tỉnh Kon Tum đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, 8/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 102/102 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; có 190 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh 99% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế có bác sĩ.

Diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới. Đến nay, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 58,42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,84% vào năm 2023. Năm 2023, thành phố Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II (theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 10/1/2023).

Cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cũng không ngừng được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định; công tác đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng được củng cố vững chắc.

Trải qua chặng đường 33 năm xây dựng, kiến thiết, phát triển, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những gì đã đạt được. Đây là kết quả từ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, quyết tâm cao trong các cấp chính quyền với các chủ trương, quyết sách, chương trình, kế hoạch, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn; sự đồng lòng, cần cù, sáng tạo của người dân, qua đó, đã đưa Kon Tum từng bước vượt qua khó khăn, tiến những bước tiến vững chắc.

Với tinh thần quyết tâm cao, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ  lớn hơn trong thời kỳ mới, tại Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng; cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18-17%, công nghiệp-xây dựng khoảng 33-35% và dịch vụ khoảng 43-45%; trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt trên 64%…

Có thể nói, những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đạt được trong 33 năm qua là cơ sở, nền tảng, sức mạnh và động lực thúc đẩy tỉnh ta tiếp tục bứt phá, vươn lên trên chặng đường mới, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước.

Thiên Hương. Nguồn: https://www.baokontum.com.vn/MT