Đại hội đai biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV đã biểu quyết, nhất trí thông qua nhóm mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 5 năm 2021-2026. Trong đó:

ĐCT

Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: HT

Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực của tổ chức Hội, phát huy sức mạnh đoàn kết, tính tự chủ, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; huy động sự tham gia của toàn xã hội vì sự phát triển và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Biểu quyết

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: HT

Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội (và tương đương) duy trì ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ rèn luyện sức khỏe, phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng.

2. Hằng năm, giúp ít nhất 05 hộ phụ nữ/cơ sở Hội thoát nghèo, thoát cận nghèo có địa chỉ; hỗ trợ nâng cao năng lực cho trên 100 nữ doanh nghiệp, ban quản lý Hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đến cuối nhiệm kỳ, vận động 20% phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo toàn tỉnh tham gia mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ thành lập ít nhất 50 mô hình kinh tế tập thể; 10 Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

3. Đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ ít nhất 2.550 hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch bền vững; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tiếp tục duy trì mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới ” và mô hình “Đường, làng nhà tôi xanh, sạch, đẹp”.

4. Đến cuối nhiệm kỳ, có 70% phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm; có trên 40% phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư sản xuất; 25% phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.

5. Đến cuối nhiệm kỳ, có ít nhất 80% phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.

6. Đến cuối nhiệm kỳ tăng ít nhất 4.000 hội viên[1].

7. Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cơ sở Hội (và tương đương) được trang bị máy vi tính; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Hằng năm, có ít nhất 30% chi hội trưởng được nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội trong công tác Hội.

8. Hằng năm, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội.

9. Đến cuối nhiệm kỳ, cấp tỉnh đề xuất thành công 01 chương trình (đề án) liên quan đến phụ nữ.

Về phong trào thi đua, cuộc vận động và khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021-2026

Phong trào thi đua: “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”[2].

Cuộc vận động

– “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.

– “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Khâu đột phá

– Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội.

– Đồng hành xây dựng chi Hội, tổ Phụ nữ vững mạnh.

Về nhiệm vụ trọng tâm:

– Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

– Nhiệm vụ 2: Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

– Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

[1] Tỷ lệ phát triển hội viên tăng từ 3-5%/năm; tính đến cuối nhiệm kỳ đạt tỷ lệ khoảng 75%.

[2] Có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc

Hương Thơm tổng hợp-PL-HT