Gia đình là nơi khởi nguồn sinh ra con người, là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn của con người. Gia đình cũng là “tế bào của xã hội”, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng. Đó cũng là chủ đề hướng đến của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28/6/2023) -“Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”.

Từ năm 2001, theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg (ngày 4/5/2001) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/6 hàng năm được lấy là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh, đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội. Trải qua 22 năm, Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và mỗi gia đình.

Ngày Gia đình Việt Nam là một dịp đặc biệt để mỗi người thắp lên ngọn lửa tình yêu gia đình, cùng nhìn lại, ghi nhớ những yêu thương, sự đoàn kết và ấm áp của gia đình, xây dựng và duy trì một môi trường gia đình hạnh phúc. Đây cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội trong việc quan tâm, thực hiện xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Cùng với Ngày Gia đình Việt Nam, tháng 6 còn là Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình.

163131Nhân kỷ niệm 22 năm ngày G

Nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội thi Gia đình hạnh phúc. Ảnh: T.H

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nhận thức rõ vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển của đất nước, nhiều năm qua, công tác gia đình được Đảng, Nhà nước ta; các cấp, các ngành rất quan tâm thực hiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững. Các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương luôn dành nhiều sự chăm lo, hỗ trợ để xây dựng và phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh.

Tại tỉnh ta, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân, toàn xã hội về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các chính sách, chương trình hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, các hộ gia đình; đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình.

Các ngành, địa phương triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, hoạt động để góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”,  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, thành lập Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc bền vững”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, động lực để mỗi người dân, các gia đình ra sức phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo và làm giàu, xây dựng gia đình no ấm; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện bình đẳng giới. Vì vậy, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 80% hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị – xã hội ở mỗi  địa phương và trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình hiện nay đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là, lối sống hiện đại, cuộc sống bận rộn tác động không nhỏ đến các gia đình, các bậc cha mẹ có ít thời gian dành cho con cái, các thành viên ít quan tâm, chia sẻ với nhau hơn khiến mối quan hệ lỏng lẻo hơn. Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác gia đình nên chưa thật sự chú trọng đến việc tuyên truyền, chăm lo, hỗ trợ xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn xảy ra. Tình trạng ly hôn, ly thân có xu hướng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội như trẻ em hư, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Nhằm tạo chuyển biến rõ nét, tích cực về công tác gia đình trong tình hình mới, ngày 28/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 548/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình đến sâu rộng các tầng lớp nhân dân. Mục tiêu hướng đến là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Có thể nói, gia đình luôn là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, đất nước. Vì vậy, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc chính là góp phần xây dựng quốc gia phồn thịnh.

Nguồn: baokontum.com.vn