Hướng dẫn số 07/HD-BTV, ngày 29/8/2017 của BTV Hội LHPN tỉnh Kon Tum về Quy trình phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, giai đoạn 2017 – 2021

HỘI LHPN TỈNH KON TUM           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     BAN THƯỜNG VỤ                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

        Số: 07 /HD-BTV                                     Kon Tum, ngày 29  tháng 8 năm 2017

HƯỚNG DẪN

Quy trình phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến,

giai đoạn 2017 – 2021

Thực hiện Hướng dẫn số 122/HD-ĐCT-TG, ngày 17/8/2017 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội; Kế hoạch số 72/KH-BCH, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Kon Tum về việc xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến, giai đoạn 2017 – 2021; Công văn số 953-CV/BTGTU, ngày 11/7/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum về việc triển khai Hướng dẫn số 6091/HD-BTĐKT của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Kon Tum hướng dẫn quy trình phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, giai đoạn 2017 – 2021, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Là cơ sở giúp cho các cấp Hội xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác phát hiện, xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến ở cơ quan, đơn vị, địa phương một cách thiết thực, hiệu quả.

Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến được thực hiện đồng bộ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng gương điển hình tiên tiến là phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo.

II. QUY TRÌNH

1. Cách phát hiện điển hình tiên tiến

– Thông qua sinh hoạt, giao ban định kỳ, các buổi sinh hoạt chuyên đề, gặp mặt,…các chi/tổ phụ nữ phát hiện điển hình tiên tiến; đồng thời, lập sổ theo dõi (ghi rõ tên, địa chỉ, lĩnh vực điển hình) và đăng ký số lượng gương điển hình tiên tiến với Hội LHPN xã/phường/thị trấn (định kỳ hằng quý và đột xuất).

– Cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, xã khi đi công tác cơ sở có trách nhiệm phát hiện điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ở cơ sở.

– Thu thập các điển hình tiên tiến thông qua thông tin được tuyên truyền, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.

2. Cách bồi dưỡng điển hình tiên tiến:

Khi đã phát hiện được điển hình tiên tiến, các cấp Hội tập trung:

– Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ điển hình trong hoạt động thực tế, giải quyết các khó khăn gặp phải và rút ra các bài học kinh nghiệm. Chủ động báo cáo với chính quyền địa phương để phối hợp bồi dưỡng điển hình tiên tiến.

– Hướng dẫn điển hình tiên tiến viết lại những kinh nghiệm, cách làm hay của mình để làm tài liệu tuyên truyền, nhân rộng.

3. Cách nhân rộng điển hình tiên tiến

3.1. Thẩm định điển hình tiên tiến

– Phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương hoặc nơi công tác để xác định những thông tin chính xác về điển hình tiên tiến, chú trọng các yếu tố: việc chấp hành các chủ trương, chính sách, quy định của địa phương, mối quan hệ, uy tín với nhân dân, hội viên, phụ nữ…  của điển hình. Ngoài ra, cần tìm hiểu thông tin về điển hình tiên tiến thông qua người dân ở cùng địa phương hoặc nơi công tác để xác định về uy tín, các mối quan hệ của điển hình tiên tiến.

– Xác định những kinh nghiệm/cách làm hay của điển hình tiên tiến có thể nhân rộng được, các điều kiện để nhân rộng.

– Lựa chọn hoặc đề xuất phương thức nhân rộng điển hình tiên tiến.

3.2. Nhân rộng điển hình tiên tiến

– Lựa chọn địa bàn, đối tượng có nhiều đặc điểm tương đồng với đặc điểm của điển hình tiên tiến để nhân rộng.

– Chỉ đạo/phối hợp với Hội phụ nữ cơ sở nơi muốn nhân điển hình tiên tiến để cung cấp thông tin đầy đủ về điển hình, xây dựng kế hoạch để triển khai nhân rộng điển hình.

– Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các điển hình tiên tiến đã được công nhận ở một số cơ sở Hội.

– Tổ chức các hội nghị, diễn đàn để tôn vinh, biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến.

– Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ việc nhân rộng điển hình tiên tiến.

4. Cách biểu dương, tuyên truyền điển hình tiên tiến

4.1. Nội dung biểu dương, tuyên truyền

– Những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của điển hình tiên tiến.

– Các giải pháp của điển hình tiên tiến để vượt qua khó khăn.

– Gương sáng người tốt, việc tốt.

4.2. Hình thức biểu dương, tuyên truyền: thực hiện theo Hướng dẫn số 6091/HD-BTĐKT, ngày 11/7/2017 của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Trong đó, các cấp Hội lưu ý:

– Biểu dương, tuyên truyền điển hình tiên tiến trong các cuộc sinh hoạt chi/tổ phụ nữ:

+ Cung cấp thông tin về điển hình tiên tiến trong các cuộc sinh hoạt, tổ chức thảo luận về những bài học kinh nghiệm và cách học tập theo gương điển hình tiên tiến.

+ Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để cung cấp thông tin về các điển hình tiên tiến theo từng chuyên đề, lĩnh vực của các buổi thuyết trình, tọa đàm, phổ biến kiến thức…

– Tuyên truyền điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Đài truyền thanh truyền hình địa phương để tuyên truyền về điển hình tiên tiến.

+ Cán bộ Hội các cấp chủ động viết tin, bài về điển hình tiên tiến để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở và các ấn phẩm thông tin của Hội LHPN tỉnh.

– Tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo: Tùy theo chủ đề các hội nghị, hội thảo để mời các điển hình tiên tiến đến báo cáo kinh nghiệm. Lựa chọn điển hình tiên tiến tiêu biểu toàn diện báo cáo tại các hội nghị sơ kết, tổng kết.

– Tổ chức thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm các điển hình tiên tiến: Tổ chức cho hội viên, phụ nữ đến thăm và học tập các mô hình có những điều kiện tương đồng. Lưu ý, dành thời gian để trao đổi, chia sẻ trực tiếp các kinh nghiệm và rút ra bài học cho bản thân.

5. Cách viết bài phản ánh điển hình tiên tiến

 5.1. Về thể thức bài viết: Bài viết bằng tiếng Việt, phông chữ Time new roman, cỡ chữ 14, tối đa 800 từ, đảm bảo tính chính xác, chân thực về điển hình tiên tiến (nhân vật) được phản ánh (Bài viết phải ghi tên tác giả, đơn vị và đính kèm ít nhất 01 ảnh liên quan đến hoạt động cụ thể của nhân vật).

 5.2. Trình tự bài viết

 – Bước 1: Gặp gỡ, phỏng vấn, thu thập tư liệu, thông tin liên quan đến nhân vật (Ai? tuổi? địa chỉ? Câu chuyện xảy ra như thế nào? Hoàn cảnh ra sao? Cách giải quyết hay của nhân vật? Kết quả hoặc ý nghĩa mang lại lợi ích cho xã hội). Cần phải tìm hiểu trước về nhân vật càng nhiều càng tốt sau đó mới tiến  hành phỏng vấn, quan sát, lựa chọn những chi tiết “đắt” cho bài viết. Sau khi có đầy đủ tư liệu, thông tin về nhân vật sẽ tiến hành viết bài.

 – Bước 2: Bố cục bài viết gồm:

 +  Tiêu đề: nêu bật ý tưởng, hành động tiên tiến của nhân vật một cách khái quát, có thể khái quát bằng lời bình của quần chúng, hoặc dùng từ hình ảnh hay phương pháp chơi chữ…gây sự chú ý của độc giả về chân dung nhân vật mà chúng ta sắp đặc tả.

  + Mở đầu: là phần rất quan trọng nhằm thu hút người đọc; có thể nêu ý nghĩa việc tốt của nhân vật; có thể đưa mâu thuẫn giữa khả năng của nhân vật với khó khăn khách quan để tăng ý nghĩa của việc tốt; hoặc nêu thành tích của nhân vật; hoặc nêu dư luận của xã hội đánh giá về ý nghĩa, hành động tốt của nhân vật; hoặc nêu lên những đặc tả riêng biệt trong lai lịch của nhân vật.

 +  Nội dung: đây là phần quan trọng chứa đựng nội dung trọng tâm của bài, gồm những diễn biến chính: suy nghĩ hành động của nhân vật, có thể sắp xếp thứ tự thời gian hoặc xen kẽ suy nghĩ và hành động của nhân vật.

 Lưu ý: cần nêu những chi tiết then chốt biểu lộ cái tốt, cái hơn người của nhân vật để người đọc hiểu biết và khâm phục hoặc có thể áp dụng làm theo…

+ Kết thúc: cô đọng thêm chủ đề, khái quát lại những ưu điểm tiêu biểu, vượt trội của nhân vật; có thể nêu uy tín của nhân vật đối với quần chúng và những phần thưởng của các cấp, ngành, tổ chức Hội dành cho nhân vật…

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội LHPN tỉnh

 – Các ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN các huyện/thành phố/các đơn vị: phát hiện điển hình; hỗ trợ, bồi dưỡng các điển hình theo lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh và địa phương có điển hình để tìm nguồn hỗ trợ tạo điều kiện cho điển hình phát triển; tổ chức kiểm tra, giám sát, thẩm định và nhân rộng các điển hình tiêu biểu.

– Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh:

+ Là đầu mối thu thập thông tin điển hình và bài viết điển hình từ các ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh, các huyện/thành Hội và đơn vị trực thuộc, các cơ quan báo chí và truyền thông của Trung ương và địa phương để tổ chức tuyên truyền trên Trang TTĐT của Hội và tờ Thông tin phụ nữ Kon Tum, chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống” của Đài PT- TH tỉnh và Báo Kon Tum. Định kỳ hằng quý, chọn lọc và thẩm định 3-5 điển hình, mô hình, cách làm hay của các cấp Hội để gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương Hội.

+ Lập hồ sơ theo dõi điển hình của các cấp Hội trên địa bàn toàn tỉnh.

+ Chủ trì, phối hợp các ban chuyên môn Hội LHPN tỉnh tham mưu triển khai, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch số 72/KH-BCH, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Kon Tum về việc xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến, giai đoạn 2017 – 2021; các hình thức biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình phù hợp với điều kiện của địa phương.

2. Hội LHPN các huyện/thành phố và các đơn vị

– Trên cơ sở Hướng dẫn này, cụ thể hóa Kế hoạch số 72/KH-BCH, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Kon Tum về việc xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến, giai đoạn 2017 – 2021 phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình.

– Quan tâm bồi dưỡng, hỗ trợ, động viên, khuyến khích các điển hình tiên tiến là cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo đảm bảo hằng năm: Mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng ít nhất 02 điển hình là cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình, cách làm hay; trong đó, có ít nhất 50% điển hình tiên tiến là cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo.

– Viết tin, bài giới thiệu điển hình tiên tiến để tuyên truyền trên các ấn phẩm xuất bản của Hội, chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống” của Đài PT- TH tỉnh và Báo Kon Tum.

– Thẩm định điển hình tiên tiến ở địa phương mình; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay phù hợp với điều kiện của địa phương. Kịp thời đề xuất Chủ tịch Hội LHPN tỉnh biểu dương, khen thưởng đối với các điển hình tiên tiến tiêu biểu.

– Lập biểu thu thập thông tin (theo mẫu gửi kèm) theo dõi gương điển hình tiên tiến ở địa phương, đơn vị mình.    

3. Hội LHPN cấp cơ sở

– Trực tiếp phát hiện, lựa chọn và đăng ký cụ thể gương ĐHTT của địa phương, đơn vị với Hội cấp trên (mỗi cơ sở Hội giới thiệu ít nhất 02 gương điển hình tiên tiến).

– Chủ động báo cáo cấp ủy và phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp trong công tác xây dựng và tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến ở cơ sở./.

Nơi nhận:                                                                                 TM. BAN THƯỜNG VỤ

– BTG Hội LHPN VN (B/cáo);                                                             PHÓ CHỦ TỊCH

– Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (B/cáo);

– Thường trực Hội LHPN tỉnh (C/đạo);                                                   (Đã ký)

– Các đồng chí UVBCH khóa XIII (T/hiện);

– Hội LHPN các huyện, thành phố

– Ban TG-NC LĐLĐ tỉnh                (T/hiện);                                    Trần Thị Phong Lan

– Hội PN LLVT

– VP và các ban chuyên môn

– Lưu BTG, VT.