Đội quân tóc dài là tên gọi chung cho các phong trào đấu tranh chống Mỹ của phụ nữ miền Nam Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng khởi đầu thập kỷ 60, sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Những người cộng sản miền Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đã cùng với quần chúng nổi dậy thành cao trào Đồng khởi do cố Nữ tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, nguyên chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước lãnh đạo.
Đầu năm 1960 tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre dấy lên phong trào chống giặc sôi nổi. Sau đó phong trào lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre tiến hành phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho nhân dân.
Trong đó, đội quân tóc dài do đồng chí Nguyễn Thị Định lãnh đạo đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, và vũ trang để tấn công quân Mỹ – Ngụy. Danh xưng “Đội quân tóc dài” lại bắt nguồn từ chính sự khiếp sợ của viên Đại tá, chỉ huy trưởng cuộc hành quân Nguyễn Văn Y. Viên đại tá này thốt lên: “Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc”.
Nhiều lần thất bại trước đội quân toàn phụ nữ, địch càng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để đối phó. Chúng lấy kéo xông vào cắt tóc của các cô, bắt bớ, giam cầm; dùng những đòn tra tấn dã man như ngâm nước, phơi nắng, hãm hiếp, truy bức… Tuy vậy, những hành động tàn độc trên vẫn không khuất phục được ý chí gan dạ đấu tranh chống lại bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tai sai của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Điển hình như bà Nguyễn Thị Đời ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm nguyên là chỉ huy trưởng đấu tranh chính trị tại địa phương đã hiều lần đấu tranh trực diện với kẻ thù. Có lần bà Năm Đời bị địch bắt, tra tấn buộc phải dẫn về cơ sở cách mạng. Bằng sự khéo léo và chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng đội, cô đã dẫn bọn địch vào bãi mìn. Bị mìn nổ, địch tổn thất nặng còn cô Năm Đời chỉ bị thương. Chúng tức tối túm tóc cô lôi đi khoảng 5 cây số khiến da đầu rách toạc, máu chảy đầm đìa.
Còn bà Nguyễn Thị Xinh, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre trong quá trình đấu tranh chính trị, bà Xinh bị giặc bắt rất nhiều lần. Có lần bị bắt lúc đang mang thai chuyển dạ. Hậu quả những đòn tra tấn dẫn đến thai nhi trong bụng bị chết.
Còn tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm có đội lân nữ đã từng phục vụ cho kháng chiến. Đội lân ra đời để nhờ tiếng đàn hát, tiếng trống lân rộn ràng nhằm che mắt địch trong lúc có thể tập hợp lực lượng để đấu tranh chính trị. Bà Võ Thị Kiển, thành viên của đội lân xã Lương Hòa bị địch phát hiện đã tra tấn dã man, đứa con 8 tháng trong bụng mẹ phải tử vong. Dù vậy, bà vẫn nén nỗi đau gia đình tiếp tục đi tuyên truyền chính trị. Đây là ba trong số hàng nghìn phụ nữ bị địch bắt bớ, giam cầm, khảo tra ở miền Nam trong những năm Đồng Khởi.
Bà Võ Thị Kiển kể lại: “Mấy chị trong đội lân này trước kia là phụ nữ giải phóng miền Nam. Giặc áp đánh dữ lắm, xô dưới nước, trấn nước, phơi nắng, chở đầu này đổ đầu kia, gian nan lắm. Hồi đó mình chỉ chọn 2 con đường: một là giải phóng thì thôi, bằng không thì chết chứ không thể sống với giặc. Trong năm 1963, tôi bị phơi nắng tại huyện Giồng Trôm, đứa nhỏ 8 tháng phơi nắng bữa trước đến bữa sau bệnh chết. Thì mình cũng sợ nhưng mình quyết tâm làm thì làm, phải đi thôi”.
Cùng với phong trào Đồng khởi năm 1960, sự phát triển của Đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre là hiện tượng độc đáo của phong trào chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.
Đội quân tóc dài của tỉnh Bến Tre đã vang danh và nhân rộng khắp miền Nam, đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.
Nguồn: vovgiaothong.vn-HT