Ảnh minh họa
Mới đây Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 9 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14 ngày 6/5/2013 về hướng dẫn khám sức khỏe. Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục liên quan đến sổ khám sức khỏe và nội dung khám sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong nội dung khám sức khoẻ định kỳ đối với lao động nữ được bổ sung thêm 2 nội dung khám sàng lọc là ung thư vú và ung thư cổ tử cung – 2 loại ung thư rất hay gặp ở phụ nữ Việt Nam.
Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú và cổ tử cung định kỳ. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
– Theo thông tư này, lao động nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật gồm:
+ Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic;
+ Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol;
+ Xét nghiệm tế bào cổ tử cung;
+ Xét nghiệm HPV.
– Nữ lao động sẽ được thực hiện ít nhất 1 trong các kỹ thuật này trong 1 lần khám sức khỏe định kỳ
– Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ theo quy định hiện hành ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
+ Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động nữ theo như quy định trên.
+ Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản.
– Đối với ung thư vú, lao động nữ được sàng lọc bằng ít nhất một trong các kỹ thuật gồm:
+ Khám lâm sàng vú;
+ Siêu âm tuyến vú hai bên;
+ Chụp X-quang tuyến vú.
Ngoài ra, các nội dung khám phụ khoa mà lao động nữ được khám trong kỳ khám định kỳ được quy định tại Thông tư 09/2023/TT-BYT bao gồm:
– Khám phụ khoa
+ Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn.
+ Khám bộ phận sinh dục ngoài.
+ Khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường.
+ Khám âm đạo phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
+ Khám trực tràng phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
+ Siêu âm tử cung-phần phụ: Việc khám siêu âm này chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám.
Việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản như Thông tư 09 rất hữu ích, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
Tại Việt Nam, ung thư vú hiện là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và cũng là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu. Theo tổ chức Ung thư Toàn cầu, năm 2020 Việt Nam ghi nhận 21.000 ca mắc mới và có 9.000 trường hợp tử vong do ung thư vú.
Mặc dù số ca bệnh mới tăng nhiều, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tầm soát ung thư thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á do thiếu vắng những chương trình sàng lọc đồng bộ trên toàn quốc. Hệ quả là nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, với cơ hội sống sót thấp.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, cần phải khuyến khích phụ nữ chủ động khám sàng lọc, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như những người có người thân trong gia đình mắc bệnh.
Trong khi đó, ung thư cổ tử cung cũng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 4.000 ca mắc mới, hơn 2.000 ca tử vong vì loại ung thư này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.