Cặp vợ chồng trẻ Y Ngọc Trinh – Trần Chí Tâm ở thôn 3, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) luôn được mọi người biết đến là gương điển hình người khuyết tật vượt khó vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc ở khu dân cư.

Chị Y Ngọc Trinh quê ở thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy), còn anh Trần Chí Tâm quê ở tận tỉnh An Giang. Anh chị yêu nhau vào giữa năm 2014, lúc đó họ cùng tham gia lớp đào tạo tin học văn phòng dành cho người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối 2014, lớp học kết thúc, anh chị ra mắt gia đình nội, ngoại với mong muốn xây dựng tổ ấm, nhưng đều bị người thân ngăn cản.

Chị Trinh chia sẻ: Cả hai gia đình đều e ngại, phân tích những khó khăn sẽ gặp khi 2 người khuyết tật cùng về ở chung. Theo hai gia đình, tôi bị liệt hai chân bẩm sinh, không đi lại được, nên khả năng sinh con và chăm lo gia đình rất khó khăn. Anh Tâm bị liệt 1 tay trái, đôi chân bị teo cơ di chuyển có phần chậm chạp, việc trở thành trụ cột chăm sóc cho một gia đình lâu dài là điều không khả thi. Vì thế, chúng tôi chắc chắn sẽ gặp khó trong việc tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau này.

Không được người thân vun đắp, chị Trinh đã chia tay anh Tâm và rời Thành phố Hồ Chí Minh về lại thị trấn Đăk Rve sinh sống. Thế nhưng, bằng tình yêu và sự chân thành, đầu năm 2015, anh Tâm đã quyết định về thị trấn Đăk Rve xin bố mẹ chị Trinh được cưới chị và ở lại để lập nghiệp, gầy dựng cuộc sống đôi lứa cho đến hôm nay.

Chị Trinh “khoe”, nhờ quyết tâm của chồng, mà 5 năm qua, chị đã có một gia đình nhỏ thật hạnh phúc, có một cô con gái xinh xắn, một quầy hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán hàng ngày.

Nghe vợ nói như thế, anh Tâm cười hiền: Những ngày đầu mới xây dựng gia đình, vợ chồng tôi không có vốn làm ăn. Lúc đó, trong lòng tôi cứ nghĩ mãi, bản thân mình chỉ bị liệt 1 tay trái, chứ ý chí không bị liệt, tại sao không cáng đáng được việc nhà, không chăm sóc tốt cho người mình yêu thương? Những suy nghĩ trên cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi. Sau vài tuần, tôi bàn với vợ mở quán bán đồ ăn sáng tại nhà. Quán phở mở ra bị ế ẩm, vợ chồng đành phải nghỉ bán. Sau đó, tôi lại kiên trì đi tìm việc, xin phụ làm cỏ, cắt lúa, chăn thả gia súc thuê cho các hộ dân ở huyện Kon Rẫy. Thời gian đầu, công việc chân tay chưa quen khiến toàn thân tôi đều ê ẩm, cơm cũng bỏ bữa. Nhưng nghĩ đến vợ, tôi lại nỗ lực hơn. Dần dà, tôi cũng quen với công việc. Tiền công tôi kiếm được từ 50-70 ngàn đồng/ngày, sau tăng lên 100 ngàn đồng/ngày. Số tiền kiếm được tôi đều đưa cho vợ chi tiêu tiết kiệm, phần còn lại phòng khi đau ốm…

Anh Tâm còn cho biết, năm 2015, khi vợ chồng anh mới lập nghiệp nghèo lắm, nhà ở được dựng tạm bợ trên phần đất của cha mẹ vợ cho. Thấy hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kon Rẫy đã hỗ trợ 20 triệu đồng giúp xây dựng ngôi nhà vững chắc để ở. Đến cuối năm 2016, niềm vui của vợ chồng nhân đôi khi đón đứa con gái đầu lòng xinh xắn, khỏe mạnh chào đời.

Thời điểm vợ sinh con ở nhà, anh Tâm nghỉ đi làm thuê, sử dụng 2 triệu đồng (trong tổng số 4 triệu đồng tích cóp những tháng ngày đi làm thuê được) để mua sắm kệ, mở quầy hàng nhỏ buôn bán một số mặt hàng nhu yếu phẩm cho bà con trong xóm; số tiền còn lại mua heo, gà về phát triển chăn nuôi. Việc buôn bán và chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Tâm nguồn thu nhập từ 8-10 triệu đồng/năm.

20190411161946vo-chong-anh-tam-ben-quay-hang-nho-tai-nha

Vợ chồng anh Tâm bên quầy hàng nhỏ tại nhà. Ảnh: Mai Trâm

Chị Trinh bộc bạch, cuộc sống gia đình tuy đã có thu nhập nhưng vẫn có nhiều khó khăn, đôi lúc phải vay mượn thêm. Vì vậy, hai vợ chồng mong muốn có được nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng quầy tạp hóa, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Mai Trâm

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT