bầu cử lenTại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội gồm 10 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ chủ yếu và các khâu đột phá, phong trào thi đua, cuộc vận động trong công tác Hội, phong trào Phụ nữ tỉnh Kon Tum 5 năm (2016 – 2021). Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum trân trọng đăng toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI.

NGHỊ QUYẾT

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TỈNH KON TUM

 LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2016 – 2021

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021  được tổ chức từ ngày 19/10 đến ngày 21/10/ 2016 tại Hội trường Ngọc Linh- thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

QUYẾT NGHỊ

  1. Tán thành những nội dung đánh giá tình hình 5 năm 2011-2016 và mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản năm 2016-2021 nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.
  2. Về đánh giá tình hình 5 năm 2011-2016, Đại hội đã khẳng định nhiệm kỳ qua, với sự nổ lực phấn đấu của các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: nội dung, phương thức hoạt động của Hội được đổi mới, thu hút tập hợp được nhiều phụ nữ tham gia tổ chức Hội; công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo đạt được hiệu quả rõ nét; Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã từng bước phát huy được vai trò, vị thế của Hội phụ nữ các cấp; công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, chất lượng hoạt động của một số cơ sở Hội còn hạn chế, tỷ lệ phát triển hội viên mới còn thấp, công tác nắm bắt và phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong các tầng lớp phụ nữ đôi lúc chưa kịp thời; hoạt động giám sát, phản biện xã hội đôi lúc còn lúng túng; công tác hỗ trợ, giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả chưa cao.

  1. Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2016-2021, Đại hội nhất trí:

2.1. Mục tiêu

  1. Mục tiêu tổng quát: Đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.
  2. Các chỉ tiêu chủ yếu: gồm 10 chỉ tiêu

1) 100% cán bộ, 90% trở lên hội viên phụ nữ được học tập nội dung của phong trào và các Cuộc vận động, trong đó, 90% trở lên cán bộ, 80% trở lên hội viên và 50% phụ nữ đạt các tiêu chuẩn phong trào thi đua. Hàng năm, cấp tỉnh đăng tải được ít nhất 60 tin/bài về hoạt động Hội, phong trào phụ nữ trên trang thông tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Báo TW (mỗi huyện/thành phố và đơn vị trực thuộc gửi ít nhất 06 tin/bài về Hội LHPN tỉnh).

2) Hằng năm, phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng ít nhất 100 gương cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình hoặc cách làm hay (mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng 02 gương cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình hoặc cách làm hay).

3) Mỗi cơ sở Hội hàng năm giúp thêm 2 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “5 không 3 sạch”; phấn đấu cuối nhiệm kỳ có thêm 1.020 hộ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch. Đến cuối nhiệm kỳ có 102 cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền một công trình hoặc phần việc để góp phần xây dựng nông thôn mới.

4) Trong nhiệm kỳ có 40.000 trở lên bà mẹ có con dưới 16 tuổi được trang bị kiến thức, kỹ năng về nuôi dạy con theo khoa học. Trong đó, 50% trở lên bà mẹ áp dụng được kiến thức và thực hành đúng.

5) Phấn đấu trong nhiệm kỳ hỗ trợ, giúp đỡ 1.260 hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 510 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều; phối hợp tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu 545 lao động nữ trong độ tuổi tham gia học nghề và hỗ trợ 200 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thành lập và duy trì hoạt động 02 Tổ hợp tác/Hợp tác xã.

6) Trong nhiệm kỳ cấp tỉnh tham mưu, đề xuất được từ 1-2 chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ. Hàng năm cấp tỉnh giám sát từ 1-2 chính sách, cấp huyện, cấp cơ sở tổ chức giám sát ít nhất 01 chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 01 văn bản dự thảo có liên quan.

7) Hàng năm tỷ lệ phát triển hội viên tăng từ 5% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên chưa vào Hội. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ phát triển mới 10.194 hội viên, tỷ lệ thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội đạt 75% trở lên, không có cơ sở Hội thu hút dưới 50% phụ nữ trên 18 tuổi tham gia tổ chức Hội; mỗi Chi hội xây dựng thêm từ 3- 5 hội viên nòng cốt.

8) 100% cán bộ chuyên trách cấp huyện, 90% trở lên Chủ tịch Hội LHPN cơ sở đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định.100% Chi hội trưởng được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Hội.

9) Trong nhiệm kỳ xây dựng được 20 làng phụ nữ  nông thôn mới.

10) Cuối nhiệm kỳ xây dựng được 05 mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường rừng gắn với đường biên, cột mốc” tại các xã biên giới.

  1. Nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá

3.1. Thực hiện phong trào thi đua và Cuộc vận động

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và và 02 Cuộc vận động: “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

3.2. Các khâu đột phá

Tập trung nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ chi, tổ phụ nữ; nâng cao chất lượng hoạt động Hội LHPN cơ sở và cán bộ Hội cơ sở.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và hành động cho hội viên, phụ nữ trong ứng phó và biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro thiên tai; mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ trồng và chăm sóc 01 cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.

3.3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Nhiệm vụ 1: Vận động phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, tổ chức phát động các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tố mới, biểu dương khen thưởng kịp thời.

Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống; giáo dục chính trị, tư tưởng, cho phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có nhân cách đạo đức, lối sống tốt đẹp, rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 04/NQ-ĐĐ, ngày 10/11/2004 của Đảng đoàn TW Hội LHPN Việt Nam về về đổi mới và tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, cộng đồng, thôn, làng, khu dân cư, cơ quan.

Tăng cường vận động phụ nữ học tập nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác, trong lao động, sản xuất…Vận động phụ nữ trong độ tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, biên giới; tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng; giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền gắn với phối hợp giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống cho phụ nữ, nữ sinh trong hệ thống các Nhà trường.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-BCH của BCHTW Hội LHPN Việt Nam về “Một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái“. Tổ chức các hoạt động truyền thông và xây dựng mô hình để hỗ trợ phụ nữ nâng cao kỹ năng tổ chức cuộc sống, giáo dục gia đình, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức giảm vấn đề tảo hôn trong trẻ em gái vị thành niên, phòng, chống BLGĐ và nâng cao chất lượng dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Đề án Khởi nghiệp và vận động phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội khi được Chính phủ phê duyệt; Thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ gia đình chính sách, đơn thân, tàn tật; hoạt động nhân đạo từ thiện và công tác hậu phương quân đội.

Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng kinh doanh; ý chí tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình; tư vấn, giới thiệu phụ nữ tham gia học nghề gắn với hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giới thiệu việc làm, chú trọng đối tượng vay vốn từ các nguồn do Hội quản lý, phụ nữ khu vực chuyển đổi đất nông nghiệp, khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tiếp tục vận động phụ nữ tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ liên kết/tổ hợp tác/hợp tác xã kiểu mới do Hội hỗ trợ thành lập; từng bước nâng cao thay đổi hành vi của phụ nữ thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch” tại địa phương.

Thực hiện Chương trình hành động khâu đột phá “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của BCH TW Hội LHPN Việt Nam, làm tốt công tác hỗ trợ giúp phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, trong đó tập trung phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, thông qua triển khai giới thiệu học nghề, hỗ trợ tạo việc làm, phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phong trào “Phụ nữ Kon Tum làm kinh tế giỏi”…và huy động các hình thức tiết kiệm nhằm hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo.

Tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT và các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thông qua mở rộng hoạt động tín chấp, ủy thác với Ngân hàng; chú trọng đến chất lượng hoạt động ủy thác cho vay do Hội quản lý đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia hoạt động Hội.

Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo quy định

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay“; đổi mới nội dung phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội phụ nữ; chất lượng sinh hoạt hội viên theo hướng linh hoạt, thiết thực, hấp dẫn; chất lượng mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ dân tộc Kinh, ban, tổ nữ công với Chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-BCH, ngày 19/02/2014 của BCH TW Hội LHPN Việt Nam “về tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay“.

Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp, các mô hình. Chỉ đạo xây dựng các mô hình thu hút, tập hợp hội viên; định kỳ kiểm tra đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các ban ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện Kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo Quy định số 282/QĐ-TW, ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Ban Chính sách – Luật pháp trong cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh; từng bước khắc phục tình trạng “hành chính hoá” công tác Hội.

Phối hợp tổ chức tổng kết và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước.

Tổ chức giám sát các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn có liên quan đến phụ nữ, trong đó tập trung giám sát các vấn đề: chế độ thai sản cho lao động nữ; cấp thẻ BHYT cho phụ nữ nghèo; chế độ BHXH cán bộ có 15 năm trở lên đóng BHXH, vệ sinh an toàn thực phẩm…; kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Tích cực phối hợp giải quyết đơn thư, không để đơn thư tồn đọng và vượt cấp.

Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại của Hội. Tăng cường thông tin cho phụ nữ về phong trào phụ nữ thế giới, thực trạng về Bình đẳng giới trên thế giới.

Phổ biến cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các kiến thức bảo vệ an ninh biên giới, không xâm canh, xâm cư, không vượt biên trái phép qua biên giới. Phối hợp thực hiện chương trình đã ký kết với Hội phụ nữ các tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào), Rattanakiri (Campuchia) về công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, đặc biệt là buôn bán người qua biên giới.

  1. Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011-2016. Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIII cần phát huy ưu điểm, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hội, đảm bảo lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.

III. Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của Hội LHPN các cấp và hội viên, phụ nữ đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIII tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để Báo cáo Trung ương Hội theo quy định.

  1. Bầu BCH Hội LHPN tỉnh Kon Tum khóa XIII gồm 35 đồng chí và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII gồm 11 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIII hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Tỉnh ủy, Hội LHPN Việt Nam để chuẩn y theo quy định.
  2. V. Giao BCH Hội LHPN tỉnh Kon Tum khóa XIII căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, khẩn trương xây dựng Chương trình toàn khóa, các Kế hoạch công tác để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống.

Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, tiếp tục phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử trách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Quyết tâm “ Tiếp tục phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững”, góp phần cùng phụ nữ cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

BBT-HT