Cấm công chức tổ chức họp kết hợp tham quan; Cách tính mới tiền lương ngày lễ; Điều chỉnh lương cho lao động nữ… là quy định mới có hiệu lực từ tháng 12/2018.

thamphan_acps

Theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TAND tối cao, khi xét xử những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi, Thẩm phán không mặc áo choàng

Không được tổ chức họp kết hợp tham quan, nghỉ mát
Một trong những nội dung nổi bật tại Quyết định 45/2018/QĐ-TTg ngày 9.11.2018 của Thủ tướng Chính phủ, về chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước là quy định 5 trường hợp không tổ chức họp.
Cụ thể 5 trường hợp không tổ chức họp gồm: Họp kết hợp tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; Họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết; Họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định giải quyết bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp; Và họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.
Cũng theo Quyết định này, thời gian tiến hành các cuộc họp giao ban, họp giải quyết công việc, họp tham mưu, tư vấn, họp điều phối không quá 1/2 ngày làm việc. Họp chuyên môn từ 01 buổi làm việc đến 01 ngày, trường hợp những đề án, dự án lớn có thể kéo dài hơn. Còn họp sơ kết, tổng kết công tác thì thời gian họp không quá 01 ngày, họp chuyên đề không quá 01 ngày và họp tập huấn, triển khai từ 01 – 02 ngày.
Quyết định 45/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25.12.2018.
Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ
Nghị định 148/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15.12.2018) sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP tiền lương, làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, trong những ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.
Trước đây, tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Ngày 7.11.2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 24.12.2018) quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng.
Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.
Cụ thể, nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH; Nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH….
Tới 2022, người lao động nước ngoài phải đóng 8% BHXH bắt buộc
Nghị định 143/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.12.2018, quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Theo đó, từ ngày 01.01.2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1.12.2018) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với 5 trường hợp, trong đó: Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với người có công với cách mạng; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…;
Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã; Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (Hiện nay lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng)… Đối với các trường hợp khác, mức hưởng bảo hiểm y tế chỉ từ 80 – 95%.
27 loại phế liệu tạm ngừng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu
Bộ Công Thương ban hành Thông tư 41/2018/TT-BCT ngày 6.11.2018 về Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuỷen khẩu.
Danh mục này bao gồm 27 loại phế liệu, trong đó có: Thạch cao; Xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; Tơ tằm phế liệu; Lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc thô tái chế; Phế liệu bông; Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20.12.2018 đến ngày 31.12.2019, những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày 20.12.2018 được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu.
Từ năm học 2018 – 2019, thêm một trường hợp được miễn học phí
Nghị định 145/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1.12.2018) sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí đến năm 2020 – 2021, bổ sung thêm một trường hợp được miễn học phí, bên cạnh 15 trường hợp đã được quy định trước đây tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, từ năm học 2018 – 2019 (tức từ ngày 01.9.2018), miễn học phí đối với trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Xét xử bị cáo dưới 18 tuổi, Thẩm phán không mặc áo choàng
Theo Thông tư 02/2018/TT-TANDTC TAND tối cao, có hiệu lực từ ngày 1.12.2018, những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ được xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.
Khi xét xử vụ án này, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND và không mặc áo choàng. Phòng xử án được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Với vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, Tòa án phải xét xử kín. Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc để bảo vệ bí mật đời tư cho người dưới 18 tuổi thì cũng có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Đặc biệt, không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Nguồn tin: thanhnien.vn

Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT