Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức; Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2017.
Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực từ 5/9/2017.
Ngoài ra, Nghị định còn đề cập đến các biện pháp khác,cụ thể như:
– Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường;
– Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường
– Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
Kiến thức chung khi thi thăng hạng giảng viên từ hạng II lên hạng I
Bộ Giáo dục và Đào tạo vưad ban hành Thông tư 18/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo đó, bài thi kiến thức chung khi thi thăng hạng CDNN giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I) sẽ bao gồm các nội dung nổi bật như:
– Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng;
– Quan điểm, định hướng chiến lược phát triển các ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của nhà trường;
– Pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn CDNN giảng viên cao cấp (hạng I);
– Dung lượng kiến thức của đề thi và nội dung thi về lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 70%, về pháp luật viên chức là 30%.
Ngoài ra tại Thông tư 18/2017/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 05/9/2017) còn quy định bài thi kiến thức chung sẽ thi theo hình thức tự luận trong thời gian 180 phút.
Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng
Nghị định 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 10/9/2017, trong đó quy định truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng. Đồng thời, truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức
Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 15/9/2017. Trong đó, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.
Như vậy, chỉ viên chức được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới phải đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến như trên.
Thứ tự ưu tiên trong xét thăng hạng chức danh viên chức y tế
Thông tư 29/2017/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.
Theo đó, nếu số lượng người đủ tiêu chuẩn dự xét thăng hạng nhiều hơn số lượng bảo đảm cơ cấu viên chức của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ ưu tiên xét theo thứ tự sau:
– Thành tích nghiên cứu khoa học;
– Số năm giữ hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ;
– Kết quả đánh giá, xếp loại viên chức 02 năm liền kề năm xét thăng hạng;
– Kết quả phỏng vấn (nếu có).
Việc xác định người trúng tuyển thực hiện theo Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Trường hợp viên chức không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định thì không được bảo lưu kết quả cho lần sau.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y phạt đến 100 triệu đồng
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ 15/9/2017, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Văn phòng Chính phủ quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính
Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 25/9/2017.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Trong đó, về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có hiệu lực từ 25/9/2017.
Tăng trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã đã nghỉ việc
Bắt đầu từ ngày 1/9/2017, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc sẽ được điều chỉnh tăng dựa trên mức trợ cấp quy định từ ngày 1/7/2017 vừa qua. Cụ thể:
– Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã thì được hưởng: 1.846.000đ/tháng.
– Cán bộ nguyên là Phó Bí Thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng Ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã thì được hưởng: 1.786.000đ/tháng.
– Các chức danh còn lại thì được hưởng: 1.653.000đ/tháng.
Nguồn: http://www.doisongphapluat.com-HT