1. Tắt điện thoại
Khi các thành viên trở về nhà sau ngày làm việc, học tập, bạn nên tắt điện thoại di động và dành hết mọi sự quan tâm cho các con. Bạn nên dành ít nhất một tiếng đồng hồ đầu tiên khi mọi người gặp nhau vào buổi tối.
Trẻ sẽ cảm nhận mình được quan tâm hơn khi bố mẹ không còn bận rộn với những cú điện thoại hay tin nhắn. Các con chắc chắn rất hào hứng để kể cho bạn nghe những gì diễn ra ở trường trong ngày hôm đó.
Bạn hãy bỏ bớt công việc để dành thời gian cho con cái
2. Tắt tivi và các thiết bị điện tử trong giờ ăn cơm
Không nên để trẻ nhỏ chăm chú vào xem quảng cáo trên tivi hay bạn mải miết nhắn tin trong giờ ăn tối của cả gia đình. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi mà tất cả thành viên tụ họp. Hơn nữa, nếu được bố mẹ hào hứng chuyện trò, trẻ sẽ có thói quen ăn uống từ tốn, tốt hơn và cảm nhận được mối quan hệ gần gũi.
3. Luôn đi ngủ đúng giờ
Trẻ nhỏ rất thích thú những khoảnh khắc như bạn đọc một câu chuyện trước giờ đi ngủ. Đó là cầu nối để thắt chặt tình cảm cha mẹ và con cái, đồng thời giúp não bộ trẻ phát triển tốt hơn. Do vậy, bạn nên thu xếp mọi việc để cùng con đi ngủ vào một giờ cố định nào đó mỗi ngày.
4. Cử chỉ âu yếm
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những cử chỉ thể hiện sự âu yếm, ấm áp tác động rất tích cực tới tinh thần của trẻ nhỏ. Chỉ cần dành cho con những cái ôm, thơm nhẹ nhàng mỗi ngày, cả bạn và con đều thấy gắn kết hơn. Ngoài ra, hành động ấy còn giảm bớt khả năng trẻ gặp vấn đề về kiểm soát hành vi hay xa lánh xã hội.
5. Kỷ luật bằng tình yêu thương
Vẫn còn nhiều cha mẹ tin rằng dùng bạo lực là cách hiệu quả để dạy dỗ trẻ nhỏ và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, từ thói quen đó, trẻ dần hình thành phản xạ giải quyết xung đột, bất hòa bằng bạo lực. Giải pháp nên là cho trẻ thấy tình yêu thương nếu chúng làm đúng.
6. Để lại những mẩu giấy nhắn hài hước
Bạn có thể để giấy nhắn dưới gối về câu chuyện hài hước hay bất kỳ điều gì cho thấy trẻ vẫn luôn nằm trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.
7. Quan tâm tới ánh mắt, nụ cười của con
Cách tốt nhất để giao tiếp với trẻ nhỏ là nhìn thẳng vào mắt chúng khi nói. Trẻ sẽ cảm nhận được bạn đang dành hết mọi sự chú ý cho chúng. Cùng với đó, hãy luôn nở nụ cười khi bước vào phòng của con. Do vậy, trẻ mới vui vẻ đón nhận sự hiện diện của bạn vào bất cứ khi nào.
8. Là tấm gương cho trẻ học hỏi
Cha mẹ dạy con bất kỳ điều gì, thì hãy thực hiện nghiêm túc trước tiên. Bởi lẽ trẻ luôn coi bạn là tấm gương sáng và bị ảnh hưởng rất lớn về phong cách sống.
Ngoài ra, bạn nên góp mặt trong các quyết định của trẻ, từ việc nhỏ như chọn đồng phục tới trường cho ngày mai hay con sẽ đi đâu chơi vào kỳ nghỉ. Đó là phương pháp hữu hiệu dạy trẻ cách đưa ra quyết định dưới sự hướng dẫn của ba mẹ chứ không phải sự áp đặt.
9. Hành động khi trẻ buồn
Vấn đề ở trường lớp, bị bắt nạt hay vài hiểu lầm với bạn bè, chắc chắn sẽ làm con trẻ buồn. Hãy thể hiện sự quan tâm, hỏi han những người liên quan và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Có thể là do lỗi của con, nhưng ít nhất cũng chứng minh được rằng bạn luôn sẵn sàng bên con để giúp vượt khó khăn.
10. Giữ mọi tấm thiệp, tin nhắn con gửi tặng
Giữ cẩn thận những gì con dành tặng, từ tấm thiệp ngộ nghĩnh, mẩu giấy nhớ hay bài thơ, bức tranh nhỏ cho thấy bạn luôn đặt chúng ở vị trí quan trọng. Hãy cho trẻ xem bức ảnh chụp góc làm việc ở văn phòng với ảnh yêu thích của hai mẹ con. Trẻ sẽ cảm nhận được bạn nâng niu chúng ra sao.
Nguồn: phunudanang.org.vn-HT