Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV – Ngày hội lớn của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh sẽ diễn ra trong 02 ngày (ngày 6 đến ngày 7/10/2021) tại Hội trường Ngọc Linh – TP. Kon Tum. Nhân sự kiện chính trị quan trọng này, Ban biên tập (BBT) Trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y Phương, Uỷ viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam- Tỉnh uỷ viên- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về những kết quả nổi bật của công tác Hội, phong trào phụ nữ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2016-2021 và phương hướng nhiệm kỳ 2021 -2026.

BBT: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của công tác Hội, phong trào phụ nữ toàn tỉnh trên chặng đường 5 năm 2016-2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII?

Đồng chí Y Phương: Phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, trong 5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

PHƯƠQNG

Đồng chí Y Phương, Uỷ viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam- Tỉnh uỷ viên- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Ảnh: HT

Các cấp Hội đã giữ vững vai trò nòng cốt, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công tác tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em được thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh phát động và triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động và khâu đột phá: “Phụ nữ Kon Tum tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; “Nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, chi/tổ phụ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động Hội LHPN cơ sở giai đoạn 2017-2021”; “Nâng cao nhận thức và hành động cho hội viên, phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường”.

Sau một nhiệm kỳ nỗ lực phấn đấu, đã có 10/10 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII đã đạt và vượt như: Tỷ lệ phát triển hội viên, thu hút phụ nữ vào tổ chức Hội; hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; mô hình “5 hộ trong một xã”, giúp hộ gia đình đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không,3 sạch”; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thành lập tổ hợp tác; giám sát chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; xây dựng làng phụ nữ DTTS nông thôn mới;…

Với những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ, đã có 642 tập thể, 376 cá nhân phụ nữ tiêu biểu được nhận các giải thưởng, danh hiệu cao quý, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

BBT: Bên cạnh những kết quả đạt, công tác Hội và phong trào phụ nữ còn những tồn tại, hạn chế gì cần tập trung khắc phục trong nhiệm kỳ đến?

Đồng chí Y Phương: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào phụ nữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong hội viên, phụ nữ có lúc, có việc, có địa bàn hiệu quả chưa cao. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác tập hợp, thu hút quần chúng tham gia hoạt động Hội vẫn còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, tôn giáo. Việc tuyên truyền, vận động phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS tham gia phát triển kinh tế tập thể còn nhiều thách thức. Kết quả hỗ trợ hộ phụ nữ DTTS thoát nghèo chưa bền vững.

BBT: Đại hội đại biểu Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần XIV diễn ra trong bối cảnh, thách thức như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Y Phương: Trên tinh thần “Đoàn kết – Năng động- Sáng tạo- Phát triển”, nhiệm kỳ 2021-2026 đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đối với các tầng lớp phụ nữ trước yêu cầu phát triển kinh tế gắn với cuộc cách mạng 4.0 và đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong tỉnh và đất nước có những sự thay đổi lớn, đòi hỏi tổ chức Hội phải thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong kỳ Đại hội lần này, nhiệm vụ phát triển tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả được đặt lên hàng đầu.

BBT: Được biết, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, Hội LHPN tỉnh sẽ xây dựng nhóm mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đồng chí có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?

Đồng chí Y Phương: Với khẩu hiệu hành động “Phụ nữ Kon Tum phát huy sức mạnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần đưa tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển“, tại Đại hội lần này, các mục tiêu, nhiệm vụ được xây dựng gắn kết với các chỉ tiêu đề ra, đồng thời phù hợp với tình hình địa phương và đặc thù hội viên, phụ nữ. Theo đó, ngoài 9 chỉ tiêu và 3 nhiệm vụ trọng tâm, công tác Hội, phong trào phụ nữ toàn tỉnh sẽ tập trung vào các khâu đột phá, phong trào thi đua, cuộc vận động theo chỉ đạo của tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam như: “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội.

Như vậy, xuất phát từ mục tiêu nắm rõ nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ theo phương châm “Tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, điểm mới của Đại hội lần này sẽ tập trung đề các hoạt động, phong trào, nhiệm vụ phù hợp để thu hút, tập hợp hội viên. Đại hội cũng nêu cao vấn đề xây dựng người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong thời đại mới, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, tư duy đổi mới, có kỹ năng vận động phụ nữ và khả năng thích ứng với thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, yêu cầu công tác phụ nữ. Một điểm mới nữa được lựa chọn để trở thành khâu đột phá trong công tác Hội là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Đây là điểm thể hiện sự linh hoạt, năng động đáp ứng kịp thời yêu cầu của xã hội hiện nay.

BBT: Với những nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, Hội LHPN tỉnh tập trung vào những giải pháp gì để đưa công tác Hội thực sự đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực?

Đồng chí Y Phương: Mỗi một nhiệm vụ trọng tâm đề ra, Hội LHPN tỉnh đều đưa ra các giải pháp cụ thể để phát huy sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ. Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp cụ thể gồm: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, phụ nữ trong công tác giảm nghèo, làm giàu hợp pháp gắn với các nội dung phát triển kinh tế-xã hội, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; Phát huy vai trò làm chủ, thực hành dân chủ của hội viên, phụ nữ; Nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội; Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; Nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp, vận động nguồn lực triển khai công tác Hội, phong trào phụ nữ.

BBT: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                                               Hương Thơm-PL-HT

 

[1] Tựa đề do BBT đặt