Đến làng Dục Nhầy 1 – xã Đăk Dục – huyện Ngọc Hồi, ai cũng ngạc nhiên vì màu hoa tươi thắm trải dài từ đầu làng đến cuối làng. Sắc đỏ của hoa xen với màu xanh cây cỏ, nhà cửa hai bên đường sạch đẹp với sân vườn rộng rãi, thoáng đãng. Diện mạo làng Dục Nhầy 1 thay đổi như hôm nay chính là nhờ một phần công sức của chị em hội viên, phụ nữ, trong đó nổi bật là “đường hoa phụ nữ”.
Những đường hoa làm đẹp nông thôn mới
Để thực hiện đường hoa, chị em không chỉ cam kết thực hiện tốt các tiêu chí của mô hình “Đường làng, nhà tôi xanh, sạch, đẹp” mà còn tuyên truyền, vận động các hộ dân sống xung quanh cùng hưởng ứng tham gia. Chị Y Chon- Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ trồng hoa, cây xanh tại điểm cổng chào hoặc nhà rông, nhưng sau khi triển khai tuyến đường hoa tại thôn Dục Nhầy 1 thấy cảnh quan đường làng trở nên rạng rỡ, tràn đầy sức sống, thì các hộ dân khác cũng xin giống hoa về trồng trước nhà mình. Đây cũng là mô hình được Đảng ủy xã Đăk Dục chọn làm điểm nhân rộng ra toàn xã”.
Từ hiệu quả của đường hoa thôn Dục Nhầy 1, qua hơn 02 năm triển khai, đến nay, 10 đường hoa khác với tổng chiều dài gần 1,1km gồm các loại hoa, cây cỏ phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương đã thu hút 714 chị, em hội viên, phụ nữ các thôn, làng ở xã Đăk Dục tham gia và góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn mới trên địa bàn. Chị Y Chon cho biết thêm: “Để duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “Đường làng, nhà tôi xanh, sạch, đẹp” và đường hoa, ngoài công tác tuyên truyền, vận động từng hội viên, phụ nữ và người dân nâng cao ý thức chăm sóc cây hoa trước nhà mình, chúng tôi còn ban hành quy chế hoạt động rõ ràng vào ngày 15 hằng tháng sẽ tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, chăm sóc cây hoa cho tươi tốt hơn nữa”.
Đường hoa thôn làng Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục làm đẹp nông thôn mới
“Biến rác thành tiền” góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch- đẹp
Cùng với đường hoa, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Dục duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình “Biến rác thành tiền” vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, cứ đến ngày 15 hằng tháng, hội viên, phụ nữ, mỗi chị em sẽ góp 1kg các loại vỏ chai, nhựa, giấy thải có thể bán được về cho chi hội trưởng. Chi hội trưởng sẽ gom lại, bán ngay tại buổi đóng góp và số tiền thu được dùng để giúp đỡ, thăm hỏi, động viên chị em khó khăn, hoạn nạn, ốm đau…
Là địa bàn đầu tiên thực hiện mô hình, chị Y Del – chi hội trưởng chi hội phụ nữ làng Chả Nội 1 phấn khởi cho biết: “Từ khi tham gia mô hình, chị em trong làng cứ thấy chai lọ, giấy loại đều gom lại, để cẩn thận rồi đến tháng mang lên góp, bán gây quỹ. “Biến rác thành tiền” không chỉ vừa giúp nhà cửa sạch sẽ, bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp mà còn giúp chi hội tiết kiệm được một khoản tiền để giúp đỡ chị em lúc khó khăn, hoạn nạn”.
Dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao, nên sau gần 4 năm hoạt động, từ 15 thành viên ban đầu, đến nay mô hình đã phát triển lên 699 thành viên thuộc 11 chi hội trên địa bàn tham gia. Với tổng số tiền bán rác thải thu được trên 46.000.000 đồng được các chi hội sử dụng hợp lý, công khai để giúp đỡ chị em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Như chi hội phụ nữ làng Dục Nhầy 1 đã trích hơn 2 triệu đồng giúp hội viên Y Nhau mượn để trang trải trong lúc đi sinh; ủng hộ, thăm hỏi, giúp gia đình chị Y Mim ở thôn Đăk Ba (có con bị ung thư)…
“Mô hình tuy nhỏ nhưng hiệu quả lớn, bằng hình thức hoạt động đơn giản, không tốn thời gian, mô hình góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thôn làng xanh, sạch, đẹp, thúc đẩy việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ngoài ra, mô hình còn giúp tổ chức Hội có nguồn quỹ tích lũy, thu hút chị em tham gia sinh hoạt chi, tổ phụ nữ đều đặn hơn. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục duy trì và vận động, thu hút nhiều chị em tham gia hơn nữa” – chị Y Chon – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục khẳng định.
Tổ liên kết “Nuôi heo sọc dưa” đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế
Đồng hành, hỗ trợ chị em phụ nữ địa phương phát triển kinh tế, thoát nghèo, từ nguồn vốn hỗ trợ 43 triệu đồng từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh Kon Tum vận động, tháng 8/2018, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Dục đã thành lập tổ liên kết “Nuôi heo sọc dưa” với 15 thành viên tham gia, trong đó có 8 thành viên được chọn hỗ trợ vốn trước để xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 40 con heo giống. Bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác các điều kiện sản xuất nông nghiệp thuận lợi để chăn nuôi, qua gần 01 năm thực hiện, đến nay, đàn heo phát triển tốt, trong đó đã có 8 con heo giống sinh sản được 98 con và thu về lợi nhuận 27,5 triệu đồng.
Nhờ tổ liên kết “Nuôi heo sọc dưa” mà nhiều hội viên, phụ nữ có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chị Y Lát – thôn Ngọc Hiệp – xã Đăk Dục cho biết: “Gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhờ nguồn hỗ trợ mua 2 con heo giống trị giá 5 triệu đồng của Hội phụ nữ, tôi có cơ hội kiếm thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.
Niềm vui càng nhân lên khi cuối tháng 6/2019 vừa qua, mô hình “Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa” tiếp tục nhận được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dành cho những ý tưởng khởi nghiệp hay của hội viên, phụ nữ.
Bằng các hoạt động thiết thực, hội viên, phụ nữ xã Đăk Dục đã tham gia thực hiện, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thời gian tới, Hội LHPN xã Đăk Dục tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên, phụ nữ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình, đặc biệt là mô hình “Đường hoa phụ nữ” và tham gia bảo vệ môi trường; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; thực hiện có hiệu quả các đề án của tổ chức Hội về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027”…
Bài và ảnh: Hương Giang-PL-HT