Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng.
Khi đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú ý đến người phụ nữ. Bởi phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những “người cùng khổ”. Họ không những phải chịu đựng nỗi đau của một người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Người căm ghét bọn thống trị đã “đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ, xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ”.
Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất của thực dân Pháp đó là chế độ “ăn cướp và giết người”, “hãm hiếp đàn bà và trẻ nhỏ”. Người đã tố cáo những hành động phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược đối với phụ nữ: “Một người Âu mắng phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn… bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ bắt họ tránh không làm nghẽn lối đi”
Xuất phát từ lòng nhân ái bao la và sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ tột cùng mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến nên Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”.
Đây chính là một trong những động lực giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng với toàn Đảng và toàn dân ta lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm thực hiện “nam nữ bình quyền”.
Ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày mồng 6 tháng 01 năm 1946, Người vui sướng nhận ra rằng “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, mặc dầu bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn luôn giành cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam sự quan tâm, yêu thương, tôn trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta”, Người đã khẳng định:”Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Vì vậy, Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ (8/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối bức thư Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng.
Tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người Phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Người đã thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng nương, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ… đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của các chị, các mẹ. Do đó nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng – Bất khuất- Trung hậu – Đảm đang”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người nhận thấy rằng phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở từ cơ sở đến trung ương, nhiều người rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.
Người đã thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ nên Người yêu cầu phải kịp thời sữa chữa.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên động viên, nhắc nhở chị em phải cố gắng vươn lên để “tự giải phóng mình” chứ không được trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Một lần, tới một hội nghị, thấy phụ nữ ngồi hết ở dãy ghế cuối. Bác nói: Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải đợi Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải chủ động quyết tâm, khắc phục, khó khăn, tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti. Phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” để xứng đáng là người làm chủ nước nhà.
Người đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước. Trước khi “vĩnh biệt ánh mặt trời” để về với Mác – Lê nin, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc lịch sử. Trong đó Người không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “… Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC (Anh) nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai.
Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế xã hội. Hồ Chí Minh là lãnh tụ Việt Nam đầu tiêu kêu gọi “Thực hiện nam nữ bình quyền”, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một mục tiêu của cách mạng.
Trong di chúc, Bác viết “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sản xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ, phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây thực sự là một cuộc cách mạng”.
Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam thật nhân ái bao la. Bác từng viết: “Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi (Đường Kách Mệnh).
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam.
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT