Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum – Chi bộ binh – ra đời và hoạt động không lâu thì bị tan rã, song lịch sử đã ghi nhận một sự kiện hết sức độc đáo và đẹp đẽ của những người Cộng sản trong chi bộ binh nhà lao Kon Tum.

anh-hai_2

Nhà ngục Kon Tum – Nơi ra đời của tổ chức đảng đầu tiên ở Kon Tum

Vào những năm 1927-1929, ở tỉnh Kon Tum đã có những hạt giống cách mạng. Người đầu tiên là một nhà giáo – đảng viên trong tổ chức Phục Việt, vì có tư tưởng yêu nước, cách mạng nên bị thực dân Pháp đày lên Kon Tum dạy học. Bên cạnh đó, trong thời gian này, ở Kon Tum cũng có một số trí thức, công chức làm nghề dạy học hoặc hoạt động trong các tổ văn nghệ, ca hát như thầy giáo Phạm Tăng, Trần Quế, Trần Lâm…đã bộc lộ tinh thần yêu nước và sớm tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Nhưng tất cả mới chỉ là mầm mống, còn yếu ớt, chưa gây được ảnh hưởng lớn thì đã bị bọn thực dân đuổi đi nơi khác.
Ngày 03-02-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới ánh sáng của Đảng, cao trào chống đế quốc thực dân, phong kiến nổi lên như vũ bão khắp cả nước. Cao trào 1930-1931, nhiều cuộc bãi công, biểu tình của công nhân và nông dân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, với khí thế sôi sục dũng mãnh, làm cho chính quyền thực dân nhiều nơi lung lay, tan vỡ. Hoảng sợ và tức tối, thực dân Pháp đã huy động lực lượng và phương tiện thẳng tay đàn áp nhằm tiêu diệt phong trào. Chúng tiến hành bắt bớ, chém giết hàng vạn người dân Việt Nam tham gia phong trào. Trong số đó, có hàng trăm chiến sỹ cách mạng – những người cộng sản dẫn đầu các cuộc biểu tình đã bị chúng bắt đày lên nhà lao Kon Tum. Cũng chính vì lẽ đó, phong trào cách mạng dưới ánh sáng của Đảng, đặc biệt là cao trào 1930-1931 đã thực sự ảnh hưởng đến Kon Tum.
Các chiến sỹ Cộng sản đến với mãnh đất cực Bắc của Tây Nguyên trong hoàn cảnh bị bọn thực dân Pháp đày lên nhằm mục đích cách ly với phong trào cách mạng và lợi dụng chốn rừng thiêng nước độc để giết dần, giết mòn  tinh thần cũng như thể xác. Tuy nhiên, dù chế độ lao tù của thực dân ở Kon Tum vô cùng hà khắc đến mấy cũng không thể khuất phục được ý chí của các chiến sỹ Cộng sản. Họ đã biết biến cái rủi thành cái may, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Chính vì vậy, những hạt giống cách mạng ban đầu này đã được “gieo” xuống mảnh đất Kon Tum và sớm đâm chồi, nẩy lộc. Các chiến sỹ tù Cộng sản đã đấu tranh bền bỉ, tuyên truyền mục đích, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nhanh chóng cảm hoá và lôi kéo được những con người của địch về với cách mạng, liên kết lại để thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở Kon Tum. Đó chính là điều mà bọn thực dân, tay sai không ngờ tới và hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của chúng.
Chi bộ binh – tổ chức Đảng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum được thành lập khá sớm, hoàn cảnh ra đời và phương châm hoạt động cũng vô cùng độc đáo. Là một trong những đối tượng nằm trong âm mưu cách ly, tiêu diệt của thực dân Pháp, tháng 6-1930, đồng chí Ngô Đức Đệ, người tù chính trị thứ hai (sau đồng chí Đổng Sỹ Bình) bị bọn thực dân đưa lên nhà lao Kon Tum giam giữ. Là một tù nhân Cộng sản, thực dân Pháp kết cho là trọng án, đồng chí Đệ bị giam tại phòng biệt giam, bên cạnh phòng làm việc của Quản lao để dễ bề giám sát. Nhưng cũng từ sự thận trọng của chúng nên đã xảy ra một kết cục mà bọn thực dân đế quốc không thể ngờ tới. Tại đây, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự khôn khéo của người chiến sỹ Cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã nhanh chóng tuyên truyền, cảm hoá được những ông đội, ông cai và binh lính cầm súng trong hàng ngũ địch trở thành những người yêu nước, ngã về phía cách mạng, về phía Đảng. Người đầu tiên được đồng chí Đệ tuyên truyền, giáo dục là Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ). Từ đội Thơ, các đồng chí Huỳnh Liễu (cai Liễu), Nguyễn Cừ (cai Cừ) cũng lần lượt được cảm hoá và đứng vào tổ chức Hội hữu ái (gồm Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ) do đồng chí Ngô Đức Đệ sáng lập. Sau một thời gian thử thách, đến ngày 10-9-1930, ngay tại trong nhà lao, đồng chí Ngô Đức Đệ tuyên bố kết nạp Huỳnh Đăng Thơ vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Về sau, nhờ sự giúp đỡ tích cực của đồng chí Thơ, đồng chí Ngô Đức Đệ tiếp tục giáo dục và kết nạp các đồng chí Huỳnh Liễu và Nguyễn Cừ vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 25-9-1930, chi bộ Đảng Cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum được thành lập gồm bốn đảng viên, đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Như vậy, chỉ mấy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng đầu tiên ở Kon Tum cũng hình thành. Trong điều kiện hết sức khó khăn, hạn chế, lập được chi bộ Đảng Cộng sản ngay trong nhà lao thực dân, với các đảng viên chính là những con người của địch đã ngã theo cách mạng là việc làm độc đáo, thể hiện được tinh thần sáng tạo, chủ động của người chiến sỹ Cộng sản, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng có thể biến cái rủi thành cái may, làm được việc có ích cho cách mạng.
Từ khi ra đời, chi bộ binh đã khôn khéo bí mật tổ chức huấn luyện cho đảng viên về lý tưởng Cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, về chính trị tư tưởng và phương pháp cách mạng. Chi bộ rất chú trọng phương pháp vận động binh lính địch, xây dựng cơ sở đảng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và binh lính ngoài nhà lao ở khắp thị xã. Nội dung các bài huấn luyện được bí mật soạn thảo ngắn gọn bằng cả tiếng phổ thông lẫn tiếng dân tộc thiểu số. Các đảng viên phải học thuộc để tuyên truyền miệng. Chủ đề tuyên truyền được xác định là làm cho Nhân dân và binh lính đoàn kết lại, chống âm mưu chia rẽ của đế quốc, làm cho họ hiểu bản chất của những người tù chính trị là yêu nước, làm cách mạng để cứu nước, cứu dân; binh lính không mắc mưu đế quốc mà đối xử tàn ác với tù nhân và Nhân dân. Nhờ đó, chỉ sau mấy tháng, chi bộ đã phát triển được 14 đảng viên, gồm các cai, đội và binh lính ở trại lính Kon Tum. Mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, phương châm hoạt động tuyệt đối bí mật, nhưng với bản lĩnh, mưu trí, những người Cộng sản đã nhanh chóng đưa chi bộ binh trưởng thành về cả số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, do lực lượng tổ chức còn mỏng, phương pháp đấu tranh hạn chế, trong khi đó địch tổ chức khủng bố dã man tù chính trị và các phong trào cách mạng. Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum ra đời và hoạt động không lâu thì bị tan rã (7-1931). Song, lịch sử đã ghi nhận một sự kiện hết sức độc đáo và đẹp đẽ của những người Cộng sản trong chi bộ binh nhà lao Kon Tum. Những con người từng lầm đường lạc lối, cầm súng làm tay sai cho bọn đế quốc, thực dân, song lại được chính những người tù chính trị cảm hoá, giáo dục thành những đảng viên ưu tú. Về sau, những ông đội, ông cai và binh lính trong hàng ngũ địch đã trở thành những người Cộng sản kiên trì, dũng cảm đấu tranh chống lại thực dân Pháp, tạo tầm ảnh hưởng to lớn cho phong trào cách mạnh trên mãnh đất Kon Tum và cả nước. Tiêu biểu, đồng chí Huỳnh Đăng Thơ là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Mặt trận liên Việt tỉnh Bình Định; trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước. Hiện nay, tại thành phố Kon Tum và thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đều có con đường mang tên Huỳnh Đăng Thơ.

 Nguồn: tuyengiaokontum.org.vn