Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 3120/KH-BNN-KTHT về việc tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.

xuong-thu-cong-my-nghe-hoi-an-1_1637161560

Ảnh khai thác trên Internet

Mục đích của Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tạo môi trường để các tác giả giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua Hội thi nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Giải Đặc biệt, giải nhất, giải nhì, giải ba của Hội thi sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân.

Đối tượng dự thi gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế (trừ các thành viên trong Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo).

Sản phẩm dự thi là sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc 5 nhóm đáp ứng được tiêu chí theo Quy chế Hội thi được ban hành, gồm: nhóm gốm sứ và thủy tinh; nhóm dệt và thêu; nhóm mây, tre, lá; nhóm sơn mài, khảm trai; gỗ mỹ nghệ; nhóm khác (sừng, trai ốc, chạm khắc đá kim khí; hoa, tranh, …).

Yêu cầu sản phẩm dự thi: Sản phẩm mới (thời gian hoàn thành không quá 12 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi), do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không phải là sản phẩm sao chép; sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác (do cấp bộ hoặc tương đương trở lên tổ chức) ở trong và ngoài nước; mỗi tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể gửi 01 hoặc một số sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi. Các tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm dự thi. Ban tổ chức Hội thi không chịu trách nhiệm về những tranh chấp xảy ra có liên quan đến bản quyền của sản phẩm dự thi. Những sản phẩm vi phạm bản quyền, sản phẩm không phải do tác giả hoặc nhóm tác giả tạo mẫu sẽ không được xem xét trao giải hoặc bị thu hồi giải thưởng (trường hợp giải thưởng đã được công bố). Đối với trường hợp sản phẩm dự thi là của nhóm tác giả hồ sơ dự thi phải kèm theo văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một tác giả là người đại diện tham gia dự thi; người đại diện sẽ thay mặt tập thể liên hệ với Ban tổ chức Hội thi cũng như chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến sản phẩm dự thi.

Hồ sơ dự thi gồm: Đơn đăng ký dự thi; Bản mô tả sản phẩm; Sản phẩm dự thi kèm 03 ảnh màu chụp các góc độ của sản phẩm kích cỡ 10x15cm và 01 ảnh màu của tác giả, kích cỡ 4x6cm (ảnh sản phẩm và ảnh tác giả được gửi bằng file mềm cho BTC); văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một hoặc nhóm tác giả đứng ra đại diện dự thi (nếu sản phẩm dự thi thuộc nhiều tác giả).

Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi: Sản phẩm ý tưởng mới, không sao chép; sản phẩm có tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, có công dụng rõ ràng thuận tiện cho người sử dụng; sản phẩm mang giá trị tính truyền thống (nguyên liệu, tay nghề, văn hóa…), phù hợp với cuộc sống hiện nay; sản phẩm thân thiện với môi trường (từ nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng) và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; có tiềm năng thị trường cao (có khả năng sản xuất hàng loạt đối với sản phẩm hàng hóa số lượng nhiều; có khả năng phát triển tác phẩm đối với sản phẩm đơn chiếc).

Hội thi tổ chức chấm vòng sơ khảo và vòng chung khảo. Vòng sơ khảo được tổ chức tại 03 miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Miền Bắc: Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc; miền Trung: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; miền Nam: Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).

Thời gian tiếp nhận sản phẩm dự kiến từ ngày 15/9/2022 – 25/9/2022. Thời gian chấm thi dự kiến từ ngày 01/10/2022 – 10/10/2022.

Địa điểm tiếp nhận các sản phẩm và chấm thi: Miền Bắc: Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội; miền Trung: Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm, số 101B Lê Hữu Trác, Phước Mỹ, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng; miền Nam: Văn phòng phía Nam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, số 271 Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm vào vòng chung khảo tại khu vực Miền Trung và Miền Nam được Ban Tổ chức Hội thi vận chuyển ra Hà Nội để tiếp tục chấm vòng chung khảo. Các sản phẩm không tham gia vòng chung khảo các tác giả, nhóm tác giả nhận trực tiếp tại địa điểm bàn giao sản phẩm dự thi hoặc nhờ Ban Tổ chức gửi về địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả đăng ký (Chi phí đóng gói, vận chuyển và nhận, gửi sản phẩm các tác giả, nhóm tác giả tự chi trả).

Vòng chung khảo được tổ chức tại Hà Nội; Thời gian chấm thi dự kiến từ ngày 24/10/2022 – 28/10/2022. Địa điểm chấm thi tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổ chức Lễ trao giải tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 11 năm 2022 là một trong các hoạt động của Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 – năm 2022.

Cơ cấu giải thưởng gồm 01 giải đặc biệt, 05 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba, 15 giải khuyến khích. Các sản phẩm đạt giải được tặng thưởng theo Quy chế Hội thi.

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/default.aspx