Hơn 3 năm qua, riêng TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phát hiện giải quyết 87 vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm. Đồng thời có hướng dẫn các cấp Hội tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em với 5 bước cụ thể.
Ngày 6/5, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì Hội nghị Góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại tỉnh Ninh Bình.
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành trung ương và địa phương; đặc biệt là chia sẻ, góp ý của Hội LHPN Việt Nam và cấp Hội phụ nữ ở địa phương trong phòng chống bạo lực gia đình, tại các điều 28, điêu 59, điều 60 của Dự thảo Luật có liên quan tới vai trò của các cấp Hội như xác minh tin báo, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, việc phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực gia đình…
Toàn cảnh hội nghị
Tham luận tại hội nghị, bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Ban Chính sách – Luật pháp (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết: Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em được Hội LHPN Việt Nam xác định là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, các cấp Hội đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
Giai đoạn 2018-2021, chỉ tính riêng cấp TƯ Hội đã phát hiện giải quyết 87 vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong gia đình nghiêm trọng do Hội kiến nghị đã được các cơ quan tiến hành tố tụng phúc đáp văn bản, chỉ đạo giải quyết kịp thời vụ việc. Điển hình là vụ án bé gái bị bố dượng xâm hại tại Lào Cai; các văn bản kiến nghị của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN VN đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phúc đáp văn bản và chỉ đạo giải quyết… |
Để hướng dẫn các cấp Hội tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả, bà Cao Thị Hồng Minh cho biết: TW Hội đã ban hành “Quy định và hướng dẫn Hội LHPN Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”, bao gồm 5 bước cụ thể:
Bước 1: Tiếp nhận thông tin
Các cấp Hội LHPN Việt Nam tiếp nhận thông tin các vụ việc qua nhiều nguồn: Các phương tiện thông tin đại chúng; Báo cáo, thông tin thu nhận được từ sinh hoạt chi, tổ Hội; Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu giải quyết các vụ việc gửi đến các cấp Hội; Công dân trực tiếp đến Phòng tiếp công dân thuộc cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bộ phận tiếp công dân của các cấp Hội để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu giải quyết các vụ việc.
Bước 2: Phân tích vụ việc
Xác định hướng giải quyết vụ việc phù hợp với tính chất, nội dung vụ việc, địa bàn và đối tượng liên quan đến vụ việc. Hướng dẫn Hội LHPN các cấp cách thức phân loại, xử lý bước đầu khi nhận được thông tin, phân công trách nhiệm giải quyết các vụ việc; Xác định đúng nội dung, yêu cầu của vụ việc trên cơ sở thu thập, đối chiếu thông tin nhận được; Xác định cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết vụ việc để phối hợp xử lý.
Bước 3: Trao đổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền
Tùy từng tính chất vụ việc, các cấp Hội có thể làm việc với cơ quan chức năng thông qua hình thức làm việc trực tiếp hoặc qua văn bản, nội dung làm việc cần thể hiện được quan điểm của Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nắm được tiến độ xử lý vụ việc từ các cơ quan chức năng để tiếp tục có sự tư vấn, hỗ trợ (nếu cần);
Đối với những vụ việc phức tạp, các cấp Hội nghiên cứu để chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thành lập đoàn công tác trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng.
Bước 4: Phát ngôn, tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ trong từng vụ việc:
i) Phát ngôn, thể hiện chính kiến của Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước những vụ việc xâm hại, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN các cấp cần kịp thời lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp và có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây những tổn thương không cần thiết cho các bên liên quan;
ii) Tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân (hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ về đời sống: tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của nạn nhân, ưu tiên những nhu cầu trước mắt và cấp thiết, lựa chọn cách thức hỗ trợ phù hợp;
iii) Trợ giúp pháp lý: Tuỳ từng tính chất vụ việc, lựa chọn hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp (Tư vấn pháp luật; Cử người bào chữa; Cử người bào chữa tham gia tố tụng; Yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc đối với vụ án dân sự giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực gia đình; Khởi kiện vự án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em với nguyên đơn trong vụ án dân sự).
Bước 5: Theo dõi, giám sát giải quyết vụ việc của các cơ quan, tổ chức:
Hội LHPN các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác tham gia giải quyết các vụ việc; Theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ việc.
Bên cạnh đó, theo bà Cao Thị Hồng Minh, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em thông qua việc chủ động ký kết các Chương trình phối hợp với các Bộ, ngành chức năng. Đồng thời chủ động tổ chức tuyên truyền nội dung các văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng ngừa xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em. Phối hợp với các ban, ngành liên quan trong truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ, hội viên, học sinh bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả tại nhiều địa bàn, tập trung vùng sâu, vùng xa…
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/5-buoc-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-phu-nu-tre-em-trong-cac-vu-viec-034-nong-034–46092-2.html-HT