Dẫu không máu mủ ruột rà song với tình yêu thương và tấm lòng nhân ái, giữa muôn trùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Chung (69 tuổi) ở thôn Thung Nai (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) vẫn nhận, chăm sóc 2 người con nuôi từ khi còn đỏ hòn.
Dù mang trong người nhiều bệnh tật nhưng bà Chung vẫn chăm chỉ lao động
Sau cơn mưa đổ như trút nước, con đường đất vào thôn Thung Nai thêm phần khó đi. Giữa hai hàng cây ven đường, những “ổ gà” trũng nước đỏ ngầu, từng chiếc xe phải khó khăn bì bõm một hồi lâu mới lội qua được.
Vượt qua cung đường đỏ, sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi đến một căn nhà nằm lọt thỏm bên dưới vệ đường. Ngôi nhà xây nhỏ với phòng khách vừa đủ để bỏ một tấm phảng gỗ, 1 cái ti vi. Dù chật hẹp nhưng đó chính là điểm dừng chân của lòng nhân ái. Vừa dựng xe trước sân, một người phụ nữ với mái tóc lưa thưa, lấm tấm bạc, ho khụ khụ, từ trong nhà bước ra nở một nụ cười thân thiện. Thật vui mừng khi đó chính là bà Nguyễn Thị Chung (69 tuổi), người phụ nữ giàu tình thương mà chúng tôi cần tìm.
Bệnh tim khiến cơ thể bà Chung như mệt mỏi. Nói được vài câu, bà phải dừng lại thở khá nặng nhọc, lấy hơi mới có thể tiếp tục câu chuyện. Ấy vậy mà khi chúng tôi vừa hỏi thăm đến những người con, gương mặt bà như tươi tỉnh hẳn: Hai đứa con trai của tôi đều lấy vợ, ở riêng phía xóm dưới hết rồi cô ạ. Các cháu làm được nhà, tự mua được rẫy rồi nên đi làm suốt, giờ này không có ở nhà đâu. Thấy các cháu trưởng thành là mình hạnh phúc lắm rồi.
Hai người con bà Chung kể với tất cả niềm tự hào ấy thật ra chẳng có máu mủ ruột rà gì với bà. Ngày xưa, khi còn ở cái xóm nhỏ ngoài tỉnh Hòa Bình, vừa lập gia đình, nhà bà nghèo lắm người đời hay gọi là nghèo “rách mồng tơi”, phải chạy vạy, làm vất vả mới mong đủ miếng ăn. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan nhưng khi nghe và nhìn thấy 2 đứa nhỏ tội nghiệp, một đứa lên 1 và một đứa lên 5 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi, tình thương yêu trỗi dậy, không nghĩ ngợi nhiều, bà Chung liền đón nhận 2 đứa nhỏ về nuôi nấng. Thế là trong ngôi nhà nhỏ của bà Chung hàng ngày lại râm ran tiếng con trẻ. “Khi nhận các cháu về nuôi, vất vả lắm, vừa lo cơm ăn qua ngày lại phải lo sữa, cháo, bột rồi hết đứa này ốm thì đứa khác lại ốm. Thương 2 đứa, tôi cố gắng làm, mình thế nào cũng được, chỉ mong các con được như bao đứa trẻ khác” – bà Chung nhớ lại.
Rất lâu sau khi lấy chồng, bà vẫn không thể có nỗi một mụn con. Có lẽ 2 người con nuôi là quà tặng mà ông trời đã sắp sẵn và ban tặng cho vợ chồng bà. Chính vì thế, vợ chồng bà càng yêu thương 2 đứa trẻ như chính con mình dứt ruột sinh ra. Dù khó khăn chồng chất, song hai vợ chồng vẫn cố gắng chăm chút yêu thương, cho các cháu đến lớp.
Một ngày năm 1996, cũng như bao người khác, bà chuyển vào Kon Tum làm kinh tế mới. Lúc ấy dù mọi người nói ra nói vào nhiều, bảo rằng đi kinh tế vất vả nên để hai đứa trẻ lại nhưng bà Chung nhất quyết không chịu. Mặc kệ những lời bàn tán, bà tay dắt, tay bồng 2 con trai theo. Uống ngụm nước chặn lại cơn ho, ánh mắt xa xăm, bà Chung bùi ngùi nhớ lại kí ức. Bà kể, cái ngày bước vào đây, cuộc sống của gia đình bà như thực sự khốn khó, không đất, không nhà, vợ chồng bà bắt đầu bằng 2 bàn tay trắng. “Lúc ấy hai vợ chồng tôi phần lo chăm bẵm làm ăn, phần lo làm thủ tục để các con đến trường” – bà Chung kể.
Cuộc sống của gia đình bà lúc đó như chiếc thuyền nan chòng chành giữa những con sóng luôn dồn dập. Sau 6 năm, khi mọi thứ chỉ vừa mới ổn định cũng là lúc vợ chồng bà Chung kí vào tờ giấy li hôn. Chồng bà đi bước nữa, lại tiếp diễn cảnh không nhà, không người thân, tinh thần bà như lao dốc. Hai người con như tiếp thêm động lực, bà gạt mọi suy nghĩ, âu lo sang một bên, sớm hôm tần tảo kiếm kế sinh nhai vừa lo cho con. Làm thuê, làm mướn, trồng thêm mì, nuôi heo gà, bà tất tả làm mọi việc để có tiền cho các con đến trường.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, dù trong diện hộ nghèo nhưng bà Chung cũng cố gắng dựng được nhà, nuôi các con ngoan ngoãn, nên người. Đến bây giờ, ngồi kể chuyện với chúng tôi, bà Chung cũng không hiểu tại sao mình lại có đủ sức, đủ nghị lực để cùng những đứa trẻ thiệt thòi vượt qua những khó khăn chồng chất như thế. “Tôi thì đau ốm liên miên nhưng không biết sao dạo ấy lại làm được như vậy, chắc tình yêu thương hóa thành sức mạnh” – bà Chung tâm sự.
Trong vòng tay thương yêu, dạy dỗ của bà Chung, hai người con trai lớn lên ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, biết kính trên nhường dưới. Niềm vui như nở trên khuôn mặt nhọc nhằn khi bà kể về việc tổ chức đám cưới cho các con. Ấy là năm 2010, một tay bà Chung đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai lớn. Bà Chung phấn khởi: “Bà con đến mừng đông lắm, thấy vậy mà các cháu đỡ tủi thân phần nào, người làm mẹ như tôi cũng vui mừng thay. Vì không có nhiều tiền cho con nên số tiền khách mừng, một phần trả chi phí đám cưới, còn lại tôi cho các cháu làm vốn làm ăn”.
Con trai đầu vừa lấy vợ thì cuối năm bà lại tiếp tục gã vợ cho con trai Út. Hiểu được khó khăn của các con nên bà Chung không đòi hỏi các con phải lo cho mẹ, những gì có thể tự làm được, bà đều cố gắng làm để các con không phải lo toan, bận tâm. Tâm sự với chúng tôi, bà nói, nhiều lúc nghĩ cũng chợt buồn nhưng chỉ cần các con ghé về nhà thăm, mọi lo toan, mệt mỏi đều tan biến hết. “Niềm vui lớn nhất của cha mẹ là các con hạnh phúc mà. Thấy các cháu hạnh phúc, như vậy là mãn nguyện lắm rồi” – bà Chung chia sẻ.
Khi các con yên bề gia thất, bà lại xắn tay vào làm kinh tế để tự lo cho bản thân mình. Thế nhưng, tuổi già lại tỉ lệ thuận với các căn bệnh không tên, từ cảm cúm lặt vặt đến nhức khớp, mỏi gối, nhất là căn bệnh đau tim luôn hành hạ bà. Trong những lúc ấy, một thân một mình cũng buồn tủi, rổ rá cạp lại, bà và ông Lộc Văn Lôi (80 tuổi) góp gạo thổi cơm chung.
Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ ấy, bằng tình thương, niềm thông cảm, hai ông bà vừa chăm sóc nhau, vừa động viên, nhắc nhở các con sống phải đạo. Không để các con phải lo, 2 ông bà làm lồng nuôi cá, nuôi thêm heo, gà, lợn, bò. Sau những lo toan, ở cái tuổi xế chiều, đầu 2015, gia đình bà thoát khỏi hộ nghèo. Bà Chung thủ thỉ: “Giờ vẫn còn khó lắm, nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm để không trở thành gánh nặng cho các con. Chúng tôi không cần phải báo nghĩa, chỉ cần các con sống vui, hạnh phúc là được rồi”.
Ngồi tâm sự, bà lại kể về những lần con trai, con dâu, cháu nội tụ họp, sum vầy bà thấy rất vui, rồi đôi mắt mờ đục của bà lại ánh lên niềm hy vọng rất xa xăm… Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi chợt nghĩ trong cuộc sống đời thường có những sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng trân quý.
Nguồn: ngochoi.kontum.gov.vn-HT