Về tên gọi Kon Tum và sự kiện thành lập tỉnh Kon Tum[1]
* Về tên gọi Kon Tum
Theo ngôn ngữ của người Ba Na: “Kon” là làng, “Tum” là hồ nước. Nguyên thủy của tên gọi “Kon Tum” là “Làng Hồ” – chỉ một làng nhỏ của người Ba Na sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông ĐăkBla.
Qua quá trình hình thành và phát triển, cùng với lợi thế về tự nhiên và có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mình, dần dần nơi đây đã thu hút sự quần cư, sinh sống ngày càng đông của nhiều dân tộc. Trong đó, có sự hiện diện từ rất sớm của các dân tộc bản địa như Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơmăm…
* Về sự kiện thành lập tỉnh Kon Tum
Cơ sở xác lập đơn vị hành chính đầu tiên ở Tỉnh Kon Tum là bắt đầu từ năm 1893. Ngày 03-10-1893, Xiêm ký với Pháp Hòa ước Băngkok công nhận chủ quyền của Pháp ở Cao nguyên Annam và nước Cao Miên. Theo đó, thực dân Pháp sáp nhập Cao nguyên Annam vào miền Nam nước Ai-Lao và đặt dưới quyền cai trị của viên Công sứ Ai-Lao. Kon Tum chịu dưới quyền cai trị của Công sứ Ai-Lao.
Ngày 04-7-1902, Kon Tum được chuyển giao lại cho Việt Nam và đặt dưới quyền cai quản của Công sứ Bình Định. Ngày 04-7-1905, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Plâyku Đe (Pleikou Derr), tỉnh lỵ đặt tại làng Plâycan Đe (Pleican Derr) của dân tộc Gia Rai. Địa bàn tỉnh Plâyku Đe bao gồm các vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai tách ra từ tỉnh Bình Định.
Ngày 12-6-1907,Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâyku Đe. Toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: một phần gọi là Đại lý Kon Tum (Kon Tum), cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định; một phần gọi là Đại lý Cheo Reo, cho sáp nhập vào tỉnh Phú Yên và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Phú Yên.
Sau nhiều lần hình thành, chia tách, sáp nhập, đến ngày 09-02-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định khôi phục lại vùng địa giới tỉnh Plei-kou-derr, đồng thời sáp nhập các Trung tâm hành chính Cheo Reo, Trung tâm hành chính Đăk Lăk thành một tỉnh tự trị riêng và được mang tên gọi là tỉnh Kon Tum. Tỉnh lỵ đặt tại Kon Tum.
Như vậy, với Nghị định ngày 09-02-1913 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Kon Tum được thành lập bao gồm một vùng đất đai rộng lớn; lần đầu tiên Kon Tum trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh với tên gọi là tỉnh Kon Tum, có chính quyền tự trị riêng, đứng đầu là viên Công sứ Kon Tum.
Trải qua hơn 100 năm lịch sử kể từ khi tỉnh Kon Tum được chính thức thành lập, với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng và những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để xây dựng, phát triển tỉnh Kon Tum đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo được những dấu ấn khá rõ nét về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; củng cố quốc phòng-an ninh; kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng tỉnh nhà ngày càng ổn định, phát triển; góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Trần Thị Phong Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
[1] Theo Sách “Kon Tum-100 năm lịch sử và phát triển”