Năm 2004, sau khi mô hình cô đỡ thôn bản được xây dựng (từ ý tưởng của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viên Từ Dũ), các chị Y Nhĩ ở thôn Đăk Phía, Y Loan ở thôn Kon Rốc, Y Lê ở thôn Kon Bành, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) đã được hỗ trợ đào tạo và gắn bó với nghề “cô đỡ” tại thôn làng mình. Nhiều năm qua, các cô đỡ thôn bản này đã thể hiện được sự nhiệt tâm với nghề; được bà con dân làng tin yêu, quý mến.
Ngọc Réo là xã đặc biệt khó khăn của Đăk Hà, với 98% dân số là đồng bào Xê Đăng. Nhận thức của bà con về chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ còn nhiều hạn chế, rào cản. Vì vậy, sau khi mô hình cô đỡ thôn bản được Trung ương triển khai, địa phương đã chọn 4 nhân viên y tế thôn bản phụ trách các thôn làng vùng khó khăn nhất của xã gồm Đăk Phía, Kon Stiu, Kon Rốc, Kon Bành để đưa đi đào tạo – bác sĩ U Loại – Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Réo cho biết.
Là nhân viên y tế thôn bản thôn Đăk Phía, năm 2004, chị Y Nhĩ được chọn đi tham gia lớp đào tạo cô đỡ thôn bản 6 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) rồi về kiêm luôn 2 công việc này từ đó đến nay.
Chị Y Nhĩ cho biết, trong 6 tháng tham gia lớp đào tạo cô đỡ thôn bản chị đã được trang bị kỹ năng cơ bản về sản khoa cũng như cách xử lý ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh.
Sau khi kết thúc khóa học trở về địa phương, chị Y Nhĩ tích cực tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh đẻ tại cơ sở y tế. Nhiều trường hợp không thể tuyên truyền, vận động bà mẹ đến cơ sở y tế được vì điều kiện hoàn cảnh, chị trực tiếp đến đỡ tại nhà, đồng thời chăm sóc sau sinh cho mẹ và con. Trong quá trình tư vấn, khám thai cho nhiều phụ nữ, nếu thấy có nguy cơ cao, chị tư vấn để chuyển tuyến kịp thời. Mỗi năm, chị Y Nhĩ đỡ cho khoảng chục phụ nữ trong thôn, trong đó có gần phân nửa số ca sản phụ được chị tư vấn chuyển tuyến.
Kiêm cùng lúc hai công việc nhưng chị Y Nhĩ chỉ được hưởng phụ cấp 605.000 đồng/tháng (dành cho nhân viên y tế thôn bản). Chị Y Nhĩ cho biết, số tiền phụ cấp hàng tháng chỉ đủ cho chị đổ xăng đi lại làm công tác tuyên truyền nhưng chị cũng phải cố gắng bởi chị nghĩ bà con rất cần đến mình.
Với những gia đình hoàn cảnh quá khó khăn, chị Y Nhĩ còn bỏ tiền túi ra để đưa sản phụ đến tận Trung tâm y tế xã, huyện để sinh. Gần đây nhất là trường hợp của sản phụ Y Đuôi ở cùng làng Đăk Phía.
Từng bị sẩy thai một lần nên khi mang thai đứa con thứ hai Y Đuôi lo lắm. Thế nhưng vì gia cảnh khó khăn, bố mẹ già yếu, chồng lại đi bộ đội nên Y Đuôi vẫn không dám đến cơ sở y tế sinh đẻ. Biết được hoàn cảnh gia đình, chị Y Nhĩ đã vận động và trực tiếp đưa Y Đuôi ra Trung tâm y tế huyện sinh. Y Đuôi đã sinh được cháu bé cân nặng 3,9 kg mẹ tròn con vuông – chị Y Nhĩ kể trong niềm vui.
Chị Y Loan ở làng Kon Rốc có đến 18 năm làm nhân viên y tế thôn bản thôn và 12 năm làm cô đỡ thôn bản chia sẻ: Làm nghề này, nếu không nhiệt tâm thì chắc chắn không trụ được với nghề; bởi công việc thì nhiều nhưng tiền phụ cấp chẳng bao nhiêu.
Chị Y Loan tận tình tư vấn, thăm hỏi sức khỏe chị em phụ nữ. Ảnh: T.Q
Chồng chị Y Loan mất cách đây 3 năm do bệnh tật, một mình chị là lao động chính trong gia đình để nuôi hai con nhỏ vừa là nhân viên y tế thôn và cô đỡ thôn bản, nên chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Chị kể, có hôm đang nhổ mì trên rẫy, nghe có người gọi nhờ đỡ đẻ, chị lại quẳng hết công việc để đến giúp đỡ. Khi có ca đẻ khó giữa đêm khuya phải chuyển tuyến, chị lại gửi con mình cho người bà con để đưa sản phụ đến bệnh viện…
Theo chị Y Loan, với bà con đồng bào DTTS, hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản đòi hỏi phải có thời gian, bởi có nhiều gia đình nhận thức còn hạn chế, có gia đình dù đã thay đổi nhận thức nhưng lại không có điều kiện kinh tế nên cũng phải đành chấp nhận.
Thôn Kon Rốc hiện có 120 hộ dân (520 khẩu), trong đó có đến 45 hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, chị Y Loan đã khám, tư vấn và đỡ đẻ khoảng 25 phụ nữ. Thành công của người cán bộ y tế thôn bản kiêm cô đỡ thôn bản này là trong 2 năm gần đây, chị đã vận động được 1/3 trong số phụ nữ sinh đẻ chuyển đến các cơ sở y tế. Chị Y Loan chia sẻ, chị sẽ cố gắng để vận động nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em trong cộng đồng thôn làng, trường hợp bất khả kháng không vận động được thì mới đỡ đẻ tại nhà.
Chị Y Lê (trái) tư vấn chị em phụ nữ chăm sóc sức khỏe sau khi sinh. Ảnh: T.Q
Ở thôn Kon Bành (xã Ngọc Réo) còn có cô đỡ thôn bản Y Lê- người có 12 năm trong nghề, cũng được nhiều người dân quý mến. Nói về công việc của mình, chị Y Lê chia sẻ, thời gian đầu chị cũng bị gia đình ngăn cản tham gia lớp đào tạo nghề cô đỡ thôn bản (năm 2005). Thế nhưng, vì muốn nâng cao nhận thức của dân làng trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, chị đã cố gắng thuyết phục gia đình và tham gia lớp học. Với mức phụ cấp chỉ 200.000 đồng/tháng (mức phụ cấp cho cô đỡ thôn bản) nhưng gia đình thấy được những việc làm ý nghĩa của chị trong việc giúp chị em phụ nữ trong thôn lúc sinh con nên đã dần thông cảm và ủng hộ. Bây giờ, có lúc phải đi đỡ đẻ xa, anh A Thay – chồng chị còn đưa đón vợ đi về…
Điều mà chị Y Nhĩ, Y Loan, Y Lê và nhiều cô đỡ thôn bản nhiệt tâm với nghề khác mà chúng tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện trăn trở đó là, hiện nay các trang thiết bị, vật tư y tế dành cho cô đỡ thôn bản còn thiếu, nhất là gói đỡ đẻ sạch đa phần phải do các cô đỡ thôn bản tự bỏ tiền ra mua sắm; mức phụ cấp dành cho cô đỡ thôn bản còn thấp, không đảm bảo cho việc xăng xe đi lại…
Bác sĩ U Loại chia sẻ, để cải thiện sức khỏe sinh sản vùng cao, vùng đồng bào DTTS, mô hình cô đỡ thôn bản là một giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, để cô đỡ thôn bản có thêm động lực, nhiệt huyết với công việc, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, nhất là nâng mức phụ cấp hỗ trợ thích hợp.
Bài, ảnh: Tú Quyên
Nguồn: baokontum.com.vn-HT