Từ những mẻ cá cơm tươi được phơi vàng rụm dưới ánh nắng tự nhiên, không cần chất bảo quản, các chị, các mẹ ở xóm chài (thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) đã chế biến nên món bánh tráng cá cơm thơm ngon, hấp dẫn, đậm đà. Chẳng biết tự bao giờ, từ món ăn vui miệng, cho các đấng mày râu “lai rai” trong những buổi chiều trên sông, bánh tráng cá cơm dần được nhiều người biết đến và trở thành đặc sản nức tiếng khắp vùng.

Chiều đến, xóm chài ở dòng Sê San yên bình đến lạ. Dưới nắng hoàng hôn chiếu rọi, nhà nhà chuẩn bị cơm chiều sau một ngày làm việc mệt mỏi. Trên những ngôi nhà nổi đã được làm vững chãi, người dân í ới hú nhau chèo ghe, tập trung tại nhà xóm trưởng Hai Triều (ông Nguyễn Văn Triều – PV) để cùng tiếp đón khách đường xa. Thế rồi chỉ sau vài phút hỏi thăm, tay bắt mặt mừng, ai nấy đều tranh thủ bắt tay hái rau nhút, sơ chế cá, chế biến các món tươi ngon thết đãi khách.

Sẩm tối, dưới ánh điện leo lắt được phát ra từ chiếc bình ắc quy, mâm cơm vẫn hấp dẫn vô cùng. Nồi lẩu cá thát lát dai dai với rau nhút nóng hôi hổi, thơm nghi ngút khói, vừa nhìn đã thấy thèm; cá cơm rang vàng rụm, giòn tan, ngọt ngọt, mặn mặn ăn với cơm nóng ngon hết sảy; những con cá rô phi đá nướng làm ai nấy đều không thể… cưỡng lại…

Bánh tráng cá cơm vàng rụm, giòn tan, hấp dẫn

“Khoan nào! Đặc sản mới đây, bánh tráng cá cơm mới nướng xong, thơm ngon, hấp dẫn lắm! Mời các anh, chị dùng thử và cho ý kiến” – chị Nguyễn Thị Diễm Triều đon đả mời khách.

Không ít món ăn hấp dẫn nhưng khi món bánh tráng cá cơm “xuất hiện”, mâm cơm liền có “tâm điểm” mới. Trước mắt chúng tôi, những con cá cơm vàng rụm nằm gọn gàng trên lớp bánh tráng nóng hổi; mùi thơm của cá, vị mặn mặn, ngọt ngọt của gia vị càng làm mọi người thêm háo hức, muốn thưởng thức. Bẻ một miếng chấm vào chén tương ớt đã được chuẩn bị sẵn, nhai chậm rãi mới cảm nhận được hương vị đậm đà. Bánh tráng giòn rụm, từ từ nhai, vị cá cơm mặn mặn, ngọt ngọt, dai dai, cay cay tứa ra, thật sự rất tuyệt vời.

Vừa ăn xong miếng đầu tiên, chị bạn tôi ở Gia Lai liền tấm tắc khen ngợi: Ngon hết xảy! Gia vị vừa đủ, cá cơm lại thơm, ngon, giòn! Món ngon thế này, chắc ăn hết nồi cơm mất thôi.

Thấy khách khen ngon, chị Triều cũng khấp khởi trong lòng. Nở nụ cười tươi, chị tiếp tục giới thiệu: Trước đây bà con chúng tôi chỉ bán cá cơm khô chứ làm gì có món này. Bánh tráng cá cơm mới được làm thử cách đây vài tháng thôi mà đã “đi” đến khắp các tỉnh rồi đấy.

Qua một hồi trò chuyện, mới biết món bánh tráng cá cơm này được làm từ ý tưởng của cô Lâm Thị Đẹp – một cư dân ở xóm chài. Gặp chúng tôi, cô Đẹp liền chia sẻ ý tưởng làm nên món đặc sản lạ ở mảnh đất Kon Tum. Cô bảo, hôm đó ngồi phơi cá cơm, trong đầu cô bỗng nghĩ: hay mình lấy cá cơm, rắc lên bánh tráng, làm thử món bánh tráng cá cơm xem sao.

“Khi bắt tay vào làm, nghĩ mình làm cho vui thôi, ai dè, khi làm xong, mọi người trong nhà ăn rồi khen tấm tắc. Thấy vậy, tôi mới “truyền” cách làm cho các chị em” – giọng miền Tây đặc sệt, cô Đẹp vừa nói, vừa cười hào sảng.

Để có 1 cái bánh tráng cá cơm, phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, những con cá cơm vừa đánh bắt lên đang còn tươi roi rói sẽ được rửa sạch sẽ trước khi chế biến. Sau khi rửa sạch, cá được để vào rổ cho ráo nước rồi tẩm ướp gia vị theo công thức truyền thống của gia đình. Không hề có chất bảo quản, phẩm màu hay bất kỳ tạp chất nào khác, người dân nơi đây chỉ giã đường, bột ngọt, ớt, hành cho vừa rồi trộn đều vào trong cá cơm. Cá ướp thấm gia vị xong sẽ được xếp lên chiếc bánh tráng (loại bánh tráng mỏng, thường dùng để cuốn chả ram – PV). Thông thường cứ 1kg cá cơm khô làm được khoảng 7 cái bánh tráng cá cơm. “Nếu mình tiết kiệm, xếp cá mỏng thì sẽ không ngon đâu. Ở đây, mọi người chuộng bởi bánh mỏng nhưng cá nhiều nên béo, giòn” – chị Diễm Triều nói.

Xếp cá xong, khâu còn lại là phơi cá. Theo lời chị Triều, từ ngày bắt đầu làm, việc phơi cá rất thuận tiện bởi nắng đẹp, chỉ cần 1 nắng là đã có mẻ cá khô ngon lành. Khi phơi xong, cá cũng dính vào với bánh tráng, người làm chỉ việc xếp vào rổ rồi để nơi khô ráo, khi nào ăn thì chế biến.

Khác với các loại cá cơm khô, khi chế biến phải cầu kỳ, với món bánh tráng cá cơm, vì đã tẩm ướp gia vị đầy đủ, nếu muốn ăn, chỉ cần chiên trong chảo hoặc nướng dưới than vài phút là đã có ngay đĩa bánh tráng giòn rụm, thơm nức.

Từ bữa có “món mới” đến nay, cứ có khách đến thăm, chị Triều và bà con trên xóm chài lại lấy bánh tráng cá cơm vừa chiêu đãi, vừa giới thiệu như một đặc sản mới lạ. Và rồi, 10 người như 1, chỉ cần ăn một miếng, đều “phải lòng” món ăn đặc biệt này.

“Lần đầu tiên lên vùng núi mà ăn đặc sản cá. Bánh tráng cá cơm thực sự rất hấp dẫn và thú vị, ăn với cơm cũng ngon mà làm mồi nhậu thì không còn gì bằng” – anh bạn của tôi, đến từ Quảng Ngãi trầm trồ.

Chính vì nhiều người “phải lòng” nên từ xóm chài nhỏ, hữu xạ tự nhiên hương, món đặc sản cá nơi vùng núi sớm có mặt tại các tỉnh thành khác. Chị Triều nói rằng, nhiều người mới đầu đến xóm chơi, sau khi ăn thử liền mua về làm quà.

“Có người gọi vào đặt cả 200 cái để mang về quê làm quà cho bà con, làng xóm. Bây giờ cũng có người đặt 100 cái, tôi để mai làm rồi họ lấy cho tươi, cho ngon. Nhiều người ở xa tít tắp ăn thử rồi gọi điện đặt, chúng tôi làm, gởi ra cho họ”- chị Diễm Triều vui kể.

Chẳng biết tự bao giờ, bánh tráng cá cơm trở thành món dùng để chiêu đãi khách phương xa tại huyện Ia H’Drai. Nhiều người nói với chúng tôi, họ chọn món này này bởi vì vị ngon, đậm đà, dễ chế biến. Hơn nữa, trước những thông tin nhan nhản về việc tẩm ướp các chất bảo quản thì bánh tráng cá cơm được làm sạch sẽ, ăn an toàn, đảm bảo.

“Không cần phải để tủ lạnh cũng chẳng cần bảo quản gì nhiều, chỉ cần bỏ bánh tráng trong rổ, đậy khỏi chuột, gián là có thể ăn trong vòng 15 ngày” – chị Diễm Triều cho biết.

Với những ưu điểm trên, từ ngày “ra mắt”, với giá 5.000 đồng/cái, chị Triều và các chị em tại xóm chài đã bán được cả trăm cái bánh tráng cá cơm. Dù đây không phải là nguồn thu chính nhưng cũng giúp cho người dân nơi đây có thêm thu nhập. Đặc biệt, nhờ bánh tráng cá cơm, xóm chài trên dòng Sê San được nhiều người biết hơn. Nhiều người lặn lội đường xa đến đây không chỉ để ngắm cảnh, để tìm hiểu về cuộc sống nơi nhà nổi mà còn để được ăn đặc sản cá trên mảnh đất núi rừng bao bọc.

Và chẳng biết tự bao giờ, nhiều người cứ í ới bảo với nhau rằng: rủ nhau lên với Ia H’Drai, ngắm cảnh hoàng hôn nắng trải dài, lai rai bánh tráng cá cơm mỏng, hưởng chút khoan thai của cuộc đời…

Bình An

Nguồn: baokontum.com.vn-HT