Chị Y Lợi (SN 1985), dân tộc Xơ Đăng, xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum khi sinh ra đã là một người kém may mắn vì bị khuyết tật.

Gia đình có 9 anh chị em, cuộc sống kinh tế khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của cha mẹ. Thế nhưng không vì thế mà Y Lợi đầu hàng số phận, ngược lại, chị luôn nỗ lực vươn lên, làm nhiều việc có ích cho bản thân và xã hội.

Học hết lớp 9, Y Lợi phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Lúc nào chị cũng có cảm giác mặc cảm khi mọi người nhìn mình với ánh mắt ái ngại và không dám đứng gần nói chuyện với ai. Với ý nghĩ “Tàn nhưng không phế”, bằng tất cả ý chí, nghị lực và quyết tâm, cùng với khát vọng vươn lên, vượt qua nỗi đau về thể xác và tâm hồn, năm 2005, Y Lợi xin đi học nghề may, nhưng học viên ít, nên lớp không được mở, sau đó chị được xin cho đi học nghề văn thư lưu trữ tại Trung tâm dạy nghề tỉnh Kon Tum.

a2

Chị Y Lợi đọc báo cáo tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi

và người bảo trợ tiêu biểu năm 2016.

Chị chia sẻ: “Tốt nghiệp ra trường, về địa phương với tấm bằng trung cấp nghề trong tay, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào? Bản thân cảm thấy thực sự bế tắc, mặc cảm, bởi đối với một người bình thường còn khó, huống hồ là người khuyết tật”.

Được sự động viên của gia đình, chị làm hồ sơ nộp vào UBND xã Ngọc Wang. Ngày cầm trên tay quyết định được nhận vào làm việc tại UBND xã, chị thực sự xúc động. Chị được lãnh đạo xã phân công làm việc tại Văn phòng Đảng ủy. Để tiếp tục nâng cao về trình độ chuyên môn, năm 2008, Y Lợi được Đảng ủy, chính quyền cử đi học lớp sơ cấp lý luận chính trị. Năm 2010, chị được bầu vào Đại biểu hội đồng nhân dân xã và đến năm 2011, chị được kết nạp Đảng. Năm 2013, chị tiếp tục ôn thi và đỗ tốt nghiệp THPT. Trong suốt quá trình học tập, công tác của mình, Y Lợi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được tặng nhiều bằng khen của các cấp, các ngành.

Vì mặc cảm với số phận, nên trong nhiều năm chị chỉ biết lao vào công việc mà quên đi niềm vui mà ai cũng hằng mong muốn, đó là tìm cho mình một nửa hạnh phúc.

Và may mắn lại một lần nữa mỉm cười với Y Lợi, chị gặp chồng khi anh theo đoàn khuyết tật của tỉnh Ninh Bình đến biểu diễn tại xã nhà. Khi anh cất tiếng hát ca khúc “Tình cây và đất”, giọng trầm ấm nghe da diết, khiến chị có cảm tình ngay. Qua những dòng tin nhắn hỏi thăm, chị và anh yêu nhau lúc nào không hay. Cho đến hiện tại chị vẫn không quên ngày anh hỏi: “Đồng ý làm vợ anh, em nhé”. Được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, anh chị về sống với nhau. Biết hoàn cảnh của hai vợ chồng, Liên đoàn Lao động huyện đã hỗ trợ vợ chồng chị xây một căn nhà cấp 4 để ổn định cuộc sống.

Vì đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, hai vợ chồng chị mượn thêm đất sản xuất để trồng sắn và mở thêm quán bán hàng. Chồng chị không đi được xe máy, nên từ 4 giờ sáng, chị tranh thủ dậy đi lấy hàng và chuẩn bị sẵn mọi thứ để anh ở nhà bán. Niềm hạnh phúc lại nhân lên gấp bội khi anh chị có một bé gái khỏe mạnh, xinh xắn vào năm 2012.

Vượt lên số phận, mặc cảm của bản thân, chị Y Lợi là tấm gương sáng để những người có hoàn cảnh như mình có thêm hy vọng và động lực vươn lên. Chị tâm sự: “Cánh cửa cuộc đời sẽ không khép lại đối với những người biết vượt qua số phận, biết vươn lên và đương đầu với những thử thách phía trước. Hãy luôn lạc quan, yêu đời, các bạn sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn”.

Quỳnh Như

Nguồn: http://baotintuc.vn-HT